Tăng cường đối thoại để xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những bất đồng trong quan hệ lao động tích tụ lâu ngày, không được giải quyết kịp thời có thể gây ra sự việc ngừng làm việc tập thể như ở một số tỉnh, trong đó có Hà Tĩnh thời gian vừa qua. Điều đó cho thấy cần phải tăng cường hơn nữa công tác đối thoại để góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.

Không đồng tình với cách tính lương mới và quy định chi trả các khoản phụ cấp khác, ngày 14/2, một số công nhân của Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh đã phản ánh lên Ban Giám đốc, yêu cầu được giải thích rõ ràng.

Được Ban Giám đốc công ty đối thoại, trả lời trực tiếp nhưng công nhân không đồng ý, chiều ngày 15/2, một số lao động đã ngừng việc để kiến nghị đòi quyền lợi. Nắm được tình hình, tổ chức công đoàn, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã đến động viên tinh thần, ổn định tư tưởng, hướng dẫn công nhân cử đại diện các bộ phận, tổ sản xuất để trực tiếp đối thoại với lãnh đạo công ty về những nội dung đề xuất.

Tăng cường đối thoại để xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp ở Hà Tĩnh

Sau khi được tuyên truyền, đối thoại, công nhân Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh trở lại làm việc bình thường vào ngày 16/2. (Ảnh Giang Nam).

Với sự vào cuộc của các bên liên quan, sự việc cơ bản được giải quyết. Một số kiến nghị hợp pháp của người lao động được chấp thuận; những kiến nghị chưa hợp lý công ty sẽ áp dụng theo quy định của pháp luật; công nhân đã quay trở lại nhà máy làm việc.

Sự việc tương tự cũng xảy ra tại Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech (Đức Thọ) vào 18/2. Ngay sau đó, công ty đã ban hành thông báo trả lời về các nội dung đề xuất của một số công nhân. Đến sáng 21/2, 1.000 công nhân công ty đã trở lại hoạt động bình thường.

Nguyên nhân dẫn đến các sự việc trên xuất phát từ việc doanh nghiệp và người lao động chưa tìm được tiếng nói chung trong mối quan hệ lao động. Doanh nghiệp chưa đảm bảo quyền lợi, môi trường làm việc cho người lao động; người lao động không nắm rõ một số quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc đôi bên chưa có sự thấu hiểu, chia sẻ; hoạt động đối thoại không hiệu quả cũng là nguyên nhân góp phần tạo nên những tranh chấp lao động.

Tăng cường đối thoại để xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp ở Hà Tĩnh

Sáng 21/2, Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech trở lại hoạt động bình thường sau khi lao động quay trở lại làm việc.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Khắc Tuấn - Văn phòng Luật An Phát (TP Hà Tĩnh) cho rằng, người lao động mong muốn được nhận mức lương, đãi ngộ xứng đáng và môi trường làm việc an toàn là điều rất chính đáng. Tuy nhiên, những mong muốn, kiến nghị đó của người lao động phải được tiến hành trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

“Mặc dù ngừng việc tập thể là quyền của công nhân nhưng người lao động nên xem đây là biện pháp cuối cùng để giải quyết mâu thuẫn với chủ sử dụng lao động, bởi ngừng việc tập thể dù được tiến hành với phương thức nào cũng đều làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động” - luật sư Tuấn bày tỏ quan điểm.

Tăng cường đối thoại để xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp ở Hà Tĩnh

Mong muốn nhận mức lương, đãi ngộ xứng đáng và môi trường làm việc an toàn là đề xuất chính đáng của người lao động và cần được thực hiện thông qua hình thức đối thoại.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lê Thị Hải Yến cũng cho rằng: “Chìa khóa quan trọng nhất để giải quyết tranh chấp lao động là thực hiện tốt quy chế dân chủ, đối thoại tại nơi làm việc. Muốn làm tốt được điều này đòi hỏi công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp phải phát huy hơn nữa vai trò trong nắm bắt tâm tư, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động".

Theo số liệu báo cáo của LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh, năm 2021, toàn tỉnh có 318 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động; 5 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 317 công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp phối hợp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; thương lượng và ký mới 45 bản thỏa ước lao động tập thể...

Tăng cường đối thoại để xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp ở Hà Tĩnh

Tổ chức công đoàn cần tăng cường nắm bắt tình hình lao động, tích cực tuyên truyền phổ biến pháp luật để góp phần phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động (Trong ảnh: Cán bộ Công đoàn các Khu kinh tế tỉnh phổ biến pháp luật lao động cho doanh nghiệp và người lao động).

Thông qua các hội nghị, đối thoại, nhiều nội dung được bàn bạc, thắc mắc được tháo gỡ để đi đến thống nhất giải pháp cải thiện chế độ lương, thưởng, phụ cấp; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lê Thị Hải Yến cho biết: “Sự việc công nhân ngừng việc vừa qua là điều đáng tiếc, nhưng qua đó, công đoàn cũng rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả trong quá trình hoạt động. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương, khu kinh tế, khu công nghiệp để nắm bắt tình hình doanh nghiệp, lao động. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, tư vấn pháp luật đến người lao động, người sử dụng lao động; tăng cường đối thoại tại nơi làm việc dựa trên cơ sở đồng hành, chia sẻ khó khăn để góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, tiến bộ, ổn định trong doanh nghiệp”.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Sáp nhập liên đoàn lao động cấp huyện

Sáp nhập liên đoàn lao động cấp huyện

Việc sáp nhập Liên đoàn Lao động huyện Lộc Hà (cũ) và Liên đoàn Lao động huyện Thạch Hà nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng Công đoàn Hà Tĩnh vững mạnh.