Tang thương Làng Nủ

Trong cơn mưa tầm tã, từng thi thể người dân thôn Làng Nủ lần lượt được đưa về. Nơi ấy, tiếng khóc vang lên khắp nơi khi người ở lại phải đau đớn đón nhận tin dữ sau thảm họa lũ quét kinh hoàng.

"Có ai có quần áo không, cho con cháu xin với. Khổ thân con quá con ơi!", tiếng khóc xé lòng của chị Sầm Thị Nhiên (26 tuổi, ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) như xát thêm muối vào lòng những người đang có mặt tại Nhà Văn hóa thôn Làng Nủ, nơi thi thể nạn nhân vụ lũ quét được đưa về.

Thi thể cậu con trai bé bỏng mới 5 tuổi của chị Nhiên vừa được tìm thấy, khiến chị khóc lặng người và không thể đứng vững.

"Người không còn, nhà cửa không còn, biết sống sao đây?"

Tựa vào vai người thân, chị khóc không ngừng, luôn miệng xin lỗi con: "Con ơi, mẹ xin lỗi! Mẹ bảo đi làm kiếm tiền cho con ăn ngon, mặc đẹp, mà giờ con có kịp ăn gì đâu, quần áo con cũng không có để mặc. Thương con quá con ơi".

Người mẹ trẻ cho biết khi thảm họa xảy ra, chị đang đi làm xa. Hôm nay thấy nước rút, chị tranh thủ về thăm nhà, mới bàng hoàng biết cơn lũ quét kinh hoàng đã cuốn đi hơn 10 người thân, họ hàng, trong đó có cậu con trai 5 tuổi của mình.

Chị Hoàng Thị Nhiên không ngừng khóc khi nhìn thấy thi thể cậu con trai 5 tuổi (Ảnh: Hoài Thu).
Chị Hoàng Thị Nhiên không ngừng khóc khi nhìn thấy thi thể cậu con trai 5 tuổi (Ảnh: Hoài Thu).

Gia đình, họ hàng chị Nhiên có tổng cộng 15 người sinh sống quây quần ở thôn Làng Nủ, nhưng nay chỉ còn 3 người, là chị Nhiên, chồng và con gái lớn; còn lại đều mất tích, chỉ có cậu con trai út 5 tuổi được tìm thấy thi thể.

"Thiên tai khốc liệt quá! Chúng tôi sinh sống nơi đây bao nhiêu năm, chưa bao giờ nghĩ một thảm họa kinh hoàng sẽ cuốn tất cả mọi người đi như thế. Giờ người không còn, nhà cửa mất trắng, biết sống sao đây", chị Nhiên vẫn không ngừng khóc dưới cơn mưa tầm tã.

Cạnh đó, ông Hoàng Văn Vơi (47 tuổi), cũng liên tục lấy tay lau nước mắt. Ông có bác và cháu mất tích trong trận lũ quét kinh hoàng, và cả hai trong số họ vẫn chưa ai được tìm thấy.

Nhớ lại thời khắc xảy ra sự việc, ông Vơi nói đang đứng cách hiện trường cả cây số nhưng nghe tiếng động rất mạnh, mọi người còn tưởng tiếng động cơ máy bay. Nhưng sau hai tiếng nổ vang trời, ông thấy nhà cửa, đồ đạc, tủ lạnh, và rất nhiều thứ khác trôi dạt xuống bên dưới.

Sau tiếng nổ vang trời, ông nhìn thấy nước kèm bùn bắn tung lên quá ngọn cây bồ đề, với chiều cao khoảng hơn 100m.

Hiện trường tan hoang nơi vụ lũ quét cuốn trôi thôn Làng Nủ (Ảnh: Hữu Khoa).
Hiện trường tan hoang nơi vụ lũ quét cuốn trôi thôn Làng Nủ (Ảnh: Hữu Khoa).

"Lúc ấy tôi mới biết thảm họa đến rồi. Khi đó nhiều người bị cuốn trôi, họ bấu víu vào bất cứ thứ gì để kêu cứu, chúng tôi nhìn thấy nhưng bất lực, vì nước chảy quá khủng khiếp", người đàn ông vừa kể vừa bật khóc.

Ông nói hàng trăm người dân nơi đây sống quây quần trong thôn như một đại gia đình, giờ bao nhiêu người gặp nạn, khiến lòng những người ở lại nặng trĩu, đau như cắt.

Trong số các nạn nhân của trận lũ quét, theo ông Vơi, còn có 4 người ở địa bàn khác sang tránh lũ nhưng không may gặp nạn.

Nhà có 7 người thì chết 6

Trong túp lều dựng tạm dưới cơn mưa tầm tã, anh Hoàng Văn Thới ngồi khóc lặng người, ôm 2 chiếc quan tài gỗ nhỏ. Trong đó là đứa con một tuổi và đứa cháu ruột hai tuổi của anh. Bên cạnh đó là thi thể của vợ, của mẹ và hai con anh.

"Nhà có 7 người, chết hết rồi. Vợ tôi cùng 3 con và mẹ tôi, cháu tôi đều bị dòng lũ quét cuốn trôi rồi. Nhà cửa cũng không còn gì hết", người đàn ông khóc lặng người, không nói nên lời.

Anh liên tục khóc "mất tất cả rồi, mẹ ơi, vợ ơi, con ơi". Tiếng khóc của người đàn ông khiến người dân thôn Làng Nủ cũng không thể cầm được nước mắt.

Anh Hoàng Văn Thới cố kìm nén nhưng liên tục bật khóc khi lần lượt đón nhận thi thể của vợ, 3 con và mẹ (Ảnh: Hoài Thu).
Anh Hoàng Văn Thới cố kìm nén nhưng liên tục bật khóc khi lần lượt đón nhận thi thể của vợ, 3 con và mẹ (Ảnh: Hoài Thu).

Chị Hoàng Thị Cảnh (36 tuổi) với đầy vết thương trên người, đang dõi đôi mắt ra xa nơi hiện trường hoang tàn của vụ lũ quét, để ngóng tin về người chồng còn mất tích. "Anh ơi, sao bao nhiêu người được đưa về mà mãi không thấy anh đâu", chị Cảnh bật khóc.

Sáng 10/9, cả gia đình 4 người thức dậy sớm, rủ nhau lên núi xem nước cao tới đâu, nhưng khi đi giữa chừng thì người chồng quay lại. Đúng lúc ấy, cơn lũ dữ bùng nổ với tiếng động kinh hoàng, cuốn theo tất cả chỉ trong chớp mắt.

Nghe tiếng nổ uỳnh và thấy nước bắn mù trời, 3 mẹ con chị Cảnh chỉ kịp cố chạy thật nhanh ngược lên phía trên núi.

Chị Hoàng Thị Cảnh với đầy vết thương trên người vừa khóc, vừa ngóng tin tức về người chồng đang mất tích (Ảnh: Hoài Thu).
Chị Hoàng Thị Cảnh với đầy vết thương trên người vừa khóc, vừa ngóng tin tức về người chồng đang mất tích (Ảnh: Hoài Thu).

"Nhà tôi ở trên đầu nguồn nên bị nước cuốn trong tích tắc. Tôi cõng theo đứa cháu cũng bị nước lũ cuốn trôi, nhưng may mắn dạt vào bờ nên được mọi người kéo lên. Tôi khắp người đẩy vết thương, còn cháu tôi bị cành cây đâm xuyên bụng", người phụ nữ nhớ lại.

Chị nói, mọi việc diễn ra trong tích tắc, và tiếng nổ vang trời khi ấy có lẽ là âm thanh ám ảnh chị mãi về sau.

"Mẹ em với các cháu, hơn chục người chết ở chỗ này", anh Hoàng Văn Thợi, người sống sót trong vụ lũ quét, nức nở nói.

Anh nhớ lại đêm 9/9, thôn Làng Nủ có mưa lớn, nước dâng cao trên con suối Vằng Cuồng chảy trước nhà. Thấy ngọn đồi phía sau nhà có nguy cơ sạt lở, anh Thời quyết định cho mẹ và các con của mình lánh sang nhà người em gái ở bên kia suối.

"Vợ chồng tôi và một người chị dâu vẫn ở lại bên này vì nghĩ mình người lớn khỏe mạnh, còn nhà bên kia suối an toàn hơn thì nhường cho mẹ và các cháu", anh Thợi chia sẻ.

Căn nhà "được cho là an toàn" có tất cả 11 người thân của anh Thợi trú bên trong. Lúc gần 6h ngày 10/9, phía dãy núi Con Voi - thượng nguồn của suối Vằng Cuồng - phát ra một tiếng nổ ầm.

Anh Thợi cầm đèn pin chạy ra xem, chỉ thấy khói cuộn phía đỉnh núi. Tiếng nổ thứ 2 kế tiếp, kéo theo khối nước và bùn đất khổng lồ đổ thẳng xuống thôn. Xung quanh tối mịt, vài căn nhà văng lên cao.

Anh Hoàng Văn Thợi thất thần khi chứng kiến thi thể người thân được đưa về (Ảnh: Ngọc Tân).
Anh Hoàng Văn Thợi thất thần khi chứng kiến thi thể người thân được đưa về (Ảnh: Ngọc Tân).

Khi trời sáng trở lại, anh Thời bàng hoàng chứng kiến nơi trú ẩn của 11 người trong gia đình chỉ còn là bình địa.

Ở đầu thôn Làng Nủ, nhiều hộ dân tránh được trận lũ quét. Khi nghe tiếng nổ lớn và mở cửa nhà ra xem, họ thấy các mái nhà tôn trôi qua con suối trước nhà như "đoàn tàu", "như con rắn khổng lồ".

11 người thân của anh Thợi, trong đó có 1 người già và 6 trẻ nhỏ, mất tích sau trận lũ. Chiều 10/9, anh tìm được mẹ, nhưng chỉ là nửa trên của thi thể. Đến sáng 11/9, lực lượng dân quân mới tìm thêm được nửa dưới. Đứng trước 5 thi thể người thân mới được tìm thấy trên đồi cọ, người đàn ông không ngừng bật khóc.

Thôn Làng Nủ có 760 khẩu/167 hộ sinh sống. Số người bị ảnh hưởng bởi trận lũ quét kinh hoàng sáng 10/9 được xác định là 158 người ở 37 hộ.

Cập nhật đến 8h ngày 11/9, lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho biết có 22 người tử vong, 17 bị thương và 73 người còn mất tích.

Theo mô tả của một cán bộ Ban chỉ huy quân sự huyện, phía trên thôn Làng Nủ là dãy núi Con Voi. Rạng sáng 10/9, trên núi tích một túi nước lớn. Sau khoảng 2 tiếng nổ ầm trời, túi nước vỡ, nước và đất bùn ào ào đổ xuống thôn.

Sáng 11/9, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cùng Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường đã trực tiếp vào hiện trường vụ lũ quét kinh hoàng ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Lãnh đạo địa phương ngay lập tức chỉ đạo lập Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường.

Để triển khai tìm kiếm cứu nạn, Quân khu 2 điều động 300 chiến sĩ vào khu vực xã Phúc Khánh, trong đó 100 chiến sĩ tìm kiếm dọc suối Nủ từ sông Chảy vào; 200 chiến sĩ sẽ vào tìm kiếm trực tiếp tại khu vực sạt lở.

Lực lượng này do Trung tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 và ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp chỉ đạo.

Ngoài ra, lực lượng công an, quân đội, dân quân của huyện và tỉnh khoảng 300 người cùng tham gia tìm kiếm, dẫn đường, cung cấp thông tin tìm kiếm.

Công tác tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn khi cả một vùng rộng lớn như bị san phẳng, chỉ còn bùn, rác, nước lũ; các phương tiện hỗ trợ chưa thể tiếp cận hiện trường; thời tiết liên tục mưa lớn...

dantri.com.vn

Đọc thêm

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.
Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống.
Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 cũng quy định 3 trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị tạm dừng hưởng chế độ như luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh.
5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.