Tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn phát triển kinh tế

(Baohatinh.vn) - Thời gian tới, Công an tỉnh Hà Tĩnh sẽ tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn từ Ngân hành Chính sách xã hội.

Chiều 12/10, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an và Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) Dương Quyết Thắng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định số 22).

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự.

Đại tá Đặng Hoài Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh và Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Bùi Thị Ngọc Hà điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Đại tá Đặng Hoài Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh và Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Bùi Thị Ngọc Hà điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, thời gian qua, công tác tái hòa nhập cộng đồng đã thu được những kết quả quan trọng, tạo điều kiện, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, hoạt động của mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù chưa có cơ chế bền vững.

Vì vậy, Quyết định số 22 ra đời tạo cơ chế, điều kiện cho người chấp hành xong án phát tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hành CSXH nhằm tạo lập cuộc sống, đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt nội dung Quyết định số 22. Quyết định này được bố cục 16 điều, quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng CSXH để đào tạo nghề cà sản xuất, kinh doanh.

Tham gia thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, Quyết định số 22 là chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, giúp người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội được cống hiến. Để nâng cao hiệu quả thực hiện Quyết định số 22, các đại biểu nhấn mạnh các giải pháp như: tuyên truyền rộng rãi các chính sách cho vay nhằm giúp các đối tượng có điều kiện tiếp cận; ngành công an an cần phối hợp với ngành LĐ-TB&XH lựa chọn, rà soát kỹ đối tượng cho vay...

Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị, thời gian tới, Bộ Công an cần tập trung hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22, chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các đơn vị triển khai hiệu quả, đúng quy định; tham mưu HĐND, UBND cấp tỉnh bố trí nguồn lực thực hiện.

Ngân hàng CSXH cần triển khai tốt quy trình, thủ tục cho vay đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, đảm bảo nguồn vốn vay. Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác giám sát việc thực hiện chính sách.

UBND, các cấp, ngành, đoàn thể địa phương cần nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa của Quyết định số 22 để triển khai thực hiện. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù thực hiện đúng cam kết vay vốn, sử dụng có hiệu quả vốn vay. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện vấn đề nảy sinh.

Tiếp thu tinh thần chỉ đạo tại hội nghị, Đại tá Đặng Hoài Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: Trong tháng 10/2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 22. Các cơ quan, đơn vị tại Hà Tĩnh, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ cần triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 22 nhằm tạo điều kiện người chấp hành xong án phạt tù làm lại cuộc đời, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói