Nét chữ đầu tiên khi đã qua nửa đời người
Lớp học tập văn hóa xóa mù chữ cho phạm nhân tại Trại giam Xuân Hà.
“Học sinh” Sùng Xáy P. (SN 1961) - phạm nhân cao tuổi nhất của lớp học xóa mù chữ tại Trại giam Xuân Hà đang cố gắng uốn từng nét chữ trên đôi bàn tay đã chai sạn bởi một đời làm nương rẫy, cửu vạn... Trên khuôn mặt của người đàn ông đã ngoài 60 tuổi hiện rõ sự chăm chú, say sưa.
Sùng Xáy P. là người dân tộc Mông, sinh sống tại huyện Mường Lát - một điểm nóng về ma túy của tỉnh Thanh Hóa. Cuộc sống ở bản làng còn nghèo nàn, lạc hậu, “một chữ bẻ đôi cũng không biết”, Sùng Xáy P. không nhận thức được hậu quả, tác hại của ma túy, trong phút sai lầm đã vi phạm quy định của pháp luật. Cái giá phải trả cho hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy” là 28 tháng tù giam.
Nhiều phạm nhân đầu đã 2 thứ tóc mới lần đầu cầm bút viết.
“Vào đây nhiều lúc nhìn người khác đọc tờ báo, cuốn sách thấy cũng ham. Giờ tuổi cao, học gì cũng khó nhưng tôi vẫn cố gắng được chữ nào hay chữ đấy. Sau này về, tôi cũng động viên con cháu gắng học lấy con chữ, tìm hiểu biết thêm kiến thức, nắm thông tin để không đi vào con đường tù tội...”, ông Sùng Xáy P. chia sẻ.
Sống ở địa bàn vùng khó khăn, bản thân không biết chữ, thiếu hiểu biết pháp luật nên Trần Quốc C. (SN 1978, huyện Hương Khê) bị cuốn vào vòng xoáy của những canh bạc đỏ đen mà chẳng thể nào dứt ra được. Phải tới lúc nhận bản án 45 tháng tù giam về tội “Đánh bạc”, C. mới như bừng tỉnh khỏi cơn mê muội.
Nhiều phạm nhân quyết tâm học chữ để sớm viết thư về cho gia đình.
Những tháng ngày sau cánh cổng trại giam, C. đã ăn năn hối cải và tích cực cải tạo. Tới nay đã hơn 12 tháng “nhập trại”, Trần Quốc C. ngày càng thấm thía nỗi nhớ gia đình, người thân. Đây cũng là động lực để phạm nhân này kiên trì theo học lớp xòa mù chữ với mong muốn đơn giản là viết một bức thư về cho vợ con ở nhà.
C. tranh thủ thời gian ôn bài mỗi khi có thời gian.
“Trước chỉ làm nông, đi rừng, giờ bảo cầm cây xẻng, cây cuốc thì dễ, chứ cầm cây bút thì hết sức chật vật. Nhiều lúc cũng tâm lý chán nản muốn xin nghỉ nhưng được các cán bộ động viên, tận tình uốn nắn, tôi lại chú tâm hơn vào việc học.
Hiện nay, sau hơn 1 tháng học tập, tôi đã dần quen với việc cầm bút dù còn khá khó khăn, có thể nhớ được một số mặt chữ và viết được những từ cơ bản. Tối tối tôi tranh thủ nhẩm lại các bài đã học để ghi nhớ được lâu hơn. Ngày mà tôi tự mình viết được bức thư về cho gia đình hẳn mọi người sẽ bất ngờ lắm”, phạm nhân C. tâm sự.
Đôi bàn tay đã chai sạn vẫn kiên trì theo từng nét chữ.
Hành trình tìm con chữ, tìm kiến thức đã trở thành niềm vui của không chỉ phạm nhân Sùng Xáy P. hay Trần Quốc C. mà là của tập thể “học sinh” lớp học tập văn hóa xóa mù chữ ở Trại giam Xuân Hà. 60 con người, kẻ đầu bạc, người tóc còn xanh, tất cả đều chăm chú lắng nghe từng lời giảng của giáo viên trong từng buổi học.
10 năm thắp ánh sáng tri thức cho phạm nhân
Giáo viên đứng trên bục giảng của lớp học đặc biệt này là Đại úy Nguyễn Thị Hảo, người đã gắn bó với công tác xóa mù chữ cho phạm nhân hơn 10 năm nay.
Video: Một buổi học của lớp xóa mù chữ ở Trại giam Xuân Hà
Chuyển về công tác tại Trại giam Xuân Hà từ năm 2009, đến năm 2012, Đại úy Nguyễn Thị Hảo được tiếp nhận công tác giảng dạy tại lớp xóa mù chữ. Thấm thoắt đã 10 năm, bằng sự tận tâm của mình, người giáo viên mang quân hàm này đã mở cánh cửa tri thức cho biết bao phạm nhân, hướng họ tới những điều lương thiện.
Nhớ lại những ngày đầu đứng lớp, dù đã có nghiệp vụ sư phạm được đào tạo bài bản, nhưng lớp học này quá nhiều khác biệt khiến chị không khỏi bối rối. Không tài liệu, chưa được tập huấn, học sinh tham gia lớp ở đủ mọi lứa tuổi, mọi vùng miền… nên người giáo viên rất khó truyền tải kiến thức tới các phạm nhân.
Đại úy Nguyễn Thị Hảo đã gắn bó với công tác xóa mù chữ cho phạm nhân hơn 10 năm nay.
Nhưng, theo “cô giáo” Nguyễn Thị Hảo, điều khó khăn và cũng là quan trọng nhất là thay đổi được tư duy của phạm nhân, rũ bỏ áp lực, thổi vào họ niềm yêu thích học tập. Tham gia lớp học này chủ yếu là các đối tượng có cuộc sống khó khăn, người dân tộc hoặc sinh sống tại các vùng biên giới xa xôi. Thất học khiến nhiều người dễ dàng đi vào con đường lầm lỗi. Nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học, xem đó là điều không cần thiết. Vì vậy, chị và các cán bộ trại giam phải kiên trì trò chuyện, khuyên nhủ để phạm nhân có động lực theo đuổi con chữ.
Đứng trên bục giảng của lớp học đặc biệt này đòi hỏi người giáo viên phải thật kiên trì, tận tâm.
“Thuyết phục phạm nhân tham gia lớp học đã khó, giữ được họ gắn bó với lớp cũng không phải dễ dàng. Nhiều người đã lớn tuổi, người mắt mờ tai kém, người bị tật…; người tiếp thu rất chậm; một số lại thiếu tính kiên nhẫn, học một hai hôm thấy khó lại xin đi lao động cải tạo. Những lúc như vậy, người giáo viên chỉ có cách kiên trì, vừa chỉ bảo, uốn nắn lại vừa động viên phạm nhân.
Điều thú vị là khi đã làm quen với mặt chữ thì nhiều người lại tỏ ra rất thích thú, mong chờ tiết học. Và sự hào hứng, niềm vui trong ánh mắt của phạm nhân cũng là động lực để tôi thêm tâm huyết, gắn bó hơn với những buổi lên lớp”, Đại úy Hảo chia sẻ.
Tâm huyết của người giáo viên mang hàm Đại úy đã hướng nhiều phạm nhân tới lương thiện, tri thức.
Hoàn thành khóa học văn hóa xóa mù chữ, nhiều phạm nhân đã có thể đọc, viết, làm những phép toán cơ bản. Nhiều phạm nhân sau khi học xong đã tự viết thư về cho người thân, gia đình.
“Trái ngược với bên ngoài có phần lì lợm, gai góc, cách mà họ thể hiện tình cảm qua nét chữ, dù ngây ngô nhưng rất chân thật và tình cảm. Có những phạm nhân viết thư về khoe với vợ con, cảm ơn các cán bộ, giáo viên đã kèm cặp chỉ bảo, cùng đó là lời hứa hoàn lương, chờ ngày làm lại từ đầu. Đọc được những dòng thư như vậy, không ít lần tôi không kìm được nước mắt. Tôi cảm thấy những nỗ lực, tâm huyết của mình đã góp phần mở ra một cánh cửa mới, hướng họ tới lương thiện, tới tri thức”, cô giáo trẻ tâm sự.
Lớp học tập văn hóa xóa mù chữ cho phạm nhân là một hoạt động mang tính nhân văn, được Ban Giám thị trại giam tổ chức hằng năm. Bên cạnh những kiến thức cơ bản, phạm nhân còn được giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; lan tỏa ý thức, động lực giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, nỗ lực cải tạo tốt. Kết thúc khóa học, Ban Giám thị trại giam sẽ phối hợp với các đơn vị triển khai kiểm tra chất lượng và cấp chứng chỉ xóa mù chữ cho các phạm nhân đạt yêu cầu.