Tạo điều kiện thuận lợi để người dân thực hiện quyền tố cáo

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều 16/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi); thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).

tao dieu kien thuan loi de nguoi dan thuc hien quyen to cao

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu giải trình làm rõ các vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thông qua dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi)

Với 80,86% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi). Luật gồm 10 chương, 87 điều quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý, bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý nhà nước trong hoạt động đường sắt.

Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi).

Báo cáo nêu rõ về chính sách phát triển đường sắt (Điều 5), có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể tỷ trọng đầu tư tối thiểu trong tổng vốn đầu tư cho ngành Giao thông Vận tải để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt và đề nghị ấn định tỉ lệ này tối thiểu là 35%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, nếu quy định cứng về tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực đường sắt trong tổng vốn đầu tư cho ngành Giao thông Vận tải sẽ khó khả thi trong thực tế, vì việc phân bổ nguồn vốn cho các phương thức vận tải cần phải đảm bảo tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ, đảm bảo tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn, đồng thời cũng không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Điều 5 dự thảo Luật quy định Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt được phê duyệt để đảm bảo giao thông vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông vận tải cả nước.

Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, kinh doanh đường sắt; dành quỹ đất theo quy hoạch để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt.

Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển đường sắt hiện đại; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống đường sắt chuyên dùng có kết nối với đường sắt quốc gia.

Nhà nước ưu tiên phân bổ ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm với tỉ lệ thích đáng để đảm bảo phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy hoạch. Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện chính sách, biện pháp để phát triển giao thông vận tải đường sắt; việc sử dụng ngân sách Nhà nước đầu tư cho giao thông vận tải đường sắt.

Nhiều ý kiến khác nhau về hình thức tố cáo

Tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Tố cáo, các đại biểu đánh giá, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện, Luật Tố cáo đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc ban hành Luật tố cáo (sửa đổi) là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo.

Về hình thức tố cáo, có ý kiến cho rằng, để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, dự thảo Luật chỉ quy định hai hình thức tố cáo: tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

tao dieu kien thuan loi de nguoi dan thuc hien quyen to cao

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chiến phát biểu thảo luận. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đối với tố giác, tin báo tội phạm, tố cáo trong hoạt động tố tụng đã có quy định về các hình thức tố cáo khác được điều chỉnh ở các luật tố tụng. Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) nêu rõ, vấn đề tố cáo phải được thụ lý, giải quyết theo một trình tự nhất định, vì thế những hình thức tố cáo ngoài đơn hay tố cáo trực tiếp sẽ không phù hợp.

“Luật phải điều chỉnh minh bạch, rõ ràng và chính danh để bảo đảm quy trình giải quyết cũng như trách nhiệm của người tố cáo," đại biểu Nguyễn Văn Chiến nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng với bộ máy Nhà nước hiện nay, việc giải quyết tố cáo thông qua hai hình thức tố cáo đơn và trực tiếp đã là sự cố gắng, đáng ghi nhận. Đại biểu đặt câu hỏi: “Nếu bổ sung thêm các hình thức khác, trong điều kiện biên chế không tăng, liệu có đủ sức làm và khi đó Nhà nước có kiểm soát được tình hình?"

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng ngoài hai hình thức tố cáo trên, dự thảo Luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng bản fax, email, điện thoại... để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo.

Theo đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận), nếu không chấp nhận các hình thức tố cáo thông qua các phương tiện phổ biến trong giao dịch như hiện nay như fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử, nguồn thông tin tiếp nhận sẽ chưa toàn diện, chưa kịp thời. Từ đó, công tác quản lý nhà nước nói chung cũng như việc xử lý, ngăn chặn các sai phạm do cán bộ, công chức gây ra sẽ bị hạn chế. Ngoài ra, trong điều kiện bùng nổ thông tin, nếu hệ thống tiếp nhận tố cáo của Nhà nước không phát huy được tác dụng, những người tố cáo có thể dễ dàng đưa nội dung tố cáo lên mạng xã hội hay các trang web không chính thức.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Hồng Nguyên cho rằng các hình thức tố cáo này cũng đã được Luật phòng, chống tham nhũng quy định và phù hợp với quan điểm chỉ đạo được nêu trong Chỉ thị số 50 ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị, đó là nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật tố cáo, bảo đảm các tố cáo về tham nhũng phải được giải quyết kịp thời, tránh tình trạng đùn đẩy, bao che, không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật. Đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị, dự thảo Luật cần đưa ra một quy trình, thủ tục riêng biệt, tương ứng với tính đặc thù của từng hình thức tố cáo để có các biện pháp xử lý thông tin kịp thời, phù hợp, chứ không nên hạn chế các hình thức tố cáo.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nhận định hai hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp nhằm định rõ người tố cáo, thời gian, địa điểm và nội dung. Vì thế, nếu những hình thức khác đáp ứng được các yêu cầu này có thể chấp nhận được để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tố cáo của mình.

“Email có địa chỉ rõ ràng, người tố cáo ghi rõ tên tuổi, nội dung, tại sao lại bắt viết đơn? Tại sao lại hạn chế quyền công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo của mình? Phải chăng chúng ta vẫn còn tư tưởng không quản được thì cấm?,” đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nêu vấn đề.

Giải trình thêm về nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nhấn mạnh cơ quan chủ trì soạn thảo đưa ra hai hình thức tố cáo trực tiếp và đơn thư có kí tên bởi lẽ việc giải quyết tố cáo cán bộ, công chức, viên chức có nội dung và yêu cầu giải quyết rất chặt chẽ, phức tạp, nhạy cảm. Khi nhận được thông tin, cơ quan có thẩm quyền phải tiếp nhận xử lý và xác định rõ về người tố cáo, nội dung tố cáo, kể cả việc xử lý vi phạm đối với trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để vu khống.

“Tuy nhiên, qua ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, để tạo điều kiện cho công dân thực hiện tố cáo và cung cấp thông tin để giải quyết xử lý theo thẩm quyền tố cáo, Ban soạn thảo có thể mở rộng hai hình thức. Cụ thể, thư điện tử có ký tên, có chữ ký điện tử sẽ được xem xét theo quy trình giải quyết tố cáo. Ngoài ra, các hình thức điện tử khác, công nghệ thông tin truyền thông khác, phải xác định rõ họ tên, địa chỉ và nội dung thông tin rõ ràng sẽ được xử lý theo quy trình này," Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết.

Làm rõ cơ chế bảo vệ người tố cáo

Nhiều đại biểu cho rằng nhiều nội dung của dự án Luật chưa quy định cụ thể, khó bảo đảm tính khả thi trong đó, có cơ chế bảo vệ người tố cáo.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) cho rằng, quy định về người tố cáo hoặc người thân thích của người tố cáo được quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan công an nơi họ cư trú, làm việc, học tập… áp dụng các biện pháp bảo vệ họ là chưa khả thi. Bởi, trên thực tế rất khó xác định yêu cầu này có căn cứ hay không và ai sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

Nhận định các quy định bảo vệ người tố cáo là vô cùng quan trọng, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nhấn mạnh, đây là cơ sở pháp lý trong đấu tranh các hành vi vi phạm pháp luật như phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, do mô hình cơ quan, tổ chức giải quyết đơn thư tố cáo thường là tập thể, nên việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo khó đảm bảo.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan phải xây dựng, thực hiện các quy trình nghiệp vụ về tiếp nhận xử lý và giải quyết tố cáo, đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm trong việc bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo.

Cùng chung ý kiến, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nêu rõ mặc dù dự thảo Luật đã dành một chương để quy định về bảo vệ người tố cáo nhưng các quy định này chưa xác định rõ cơ quan nào có trách nhiệm chính trong bảo vệ người tố cáo. Mặt khác, việc quy định các biện pháp để bảo vệ người tố cáo và trách nhiệm cơ quan Nhà nước tại Điều 40 của dự thảo Luật chưa đủ mạnh, chưa thể bảo vệ an toàn tuyệt đối cho người tố cáo.

Đại biểu Trần Văn Mão đề nghị dự thảo Luật cần nghiên cứu để quy định rõ cơ quan đầu mối có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo./.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.