Cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP Hà Tĩnh, các sản phẩm an toàn của Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn tại thị trấn Phố Châu.
Cửa hàng OCOP - cầu nối tin cậy giữa sản xuất và tiêu dùng
Sau khi tham gia chương trình OCOP, năm 2019, sản phẩm nhung hươu Chiến Sơn của Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn đã đạt chuẩn OCOP 4 sao và ngày càng khẳng định chất lượng, thương hiệu trên thị trường. Để quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn đã tham gia nhiều hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Trần Đình Chiến - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn, đây chỉ là một kênh mang tính thời vụ, chưa đảm bảo bền vững. Để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP mang tính chuyên nghiệp, bền vững, cần có điểm (cửa hàng) giới thiệu, bán sản phẩm, đặc biệt phải có bộ nhận diện thương hiệu cửa hàng OCOP. Điểm bán hàng OCOP phải được cơ quan quản lý nhà nước công nhận và cấp phép, giám sát. Điều này cũng giúp người tiêu dùng biết được điểm bán và mua đúng hàng hóa là sản phẩm OCOP (đạt chuẩn chương trình OCOP).
“Mỗi lần đi công tác các tỉnh, tôi thường tìm đến cửa hàng chuyên bán sản phẩm OCOP của địa phương đó để mua hàng. Theo tôi, đây là lựa chọn an toàn nhất nếu mình muốn mua được hàng “xịn” OCOP đặc sản địa phương” – Chị Lê Thị Lan, một cán bộ văn phòng ở Hà Nội cho hay.
Trung tâm trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP của Công ty CP Ced Central tại số 02, đường Vũ Quang (TP Hà Tĩnh)
Đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 10 của hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, về biển hiệu, cách thức bố trí trong cửa hàng cũng đang “mỗi nơi mỗi kiểu”, chưa có mẫu thống nhất.
Năm 2019, Công ty CP Ced Central tổ chức khai trương Trung tâm trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại số 02, đường Vũ Quang (TP Hà Tĩnh). Đây là điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP có qui mô lớn nhất tỉnh, các gian hàng được bố trí đẹp mắt, theo 3 vùng miền tương ứng với các sản phẩm.
Các gian hàng tại Trung tâm trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP của Công ty CP Ced Central được bố trí đẹp mắt, theo 3 vùng miền tương ứng với các sản phẩm.
Ông Trần Quốc Huy – Giám đốc Công ty CP Ced Central cho biết, để ra đời trung tâm này, đơn vị phải thuê mặt bằng và đầu tư cải tạo, sửa chữa gần 4 tỷ đồng. Việc thiết kế biển hiệu cửa hàng OCOP do công ty tự làm, chưa có mẫu thống nhất qui định nào.
Theo ông Huy, cần sớm xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cửa hàng OCOP Hà Tĩnh để có sự chuyên nghiệp trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, cần sự phối hợp với các đơn vị lữ hành du lịch, các địa phương khi tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, cần có “tour” kết nối dẫn khách tham quan tại các cửa hàng OCOP.
Xây dựng quy chế quản lý điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP
Việc quản lý điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP Hà Tĩnh không chỉ làm gia tăng kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ mà còn đảm bảo cho người tiêu dùng sử dụng đúng sản phẩm mang thương hiệu OCOP Hà Tĩnh.
Sau hơn 2 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh có 72 sản phẩm được đánh giá đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Điều quan tâm nhất hiện nay đối với các cơ sở sản xuất đó là việc làm sao để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, cũng như quản lý thương hiệu, tránh làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết, nhằm giúp người tiêu dùng biết được điểm bán và mua đúng hàng hóa là sản phẩm OCOP; tạo điều kiện để quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, tạo kênh phân phối riêng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP Hà Tĩnh, vừa qua, Sở Công thương và Văn phòng Điều phối NTM tỉnh phối hợp xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý điểm giới thiệu, bán sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh. Quy chế hiện đang được cơ quan chuyên môn thẩm định lần cuối trước khi trình UBND tỉnh ban hành.
Quy chế quy định khá đầy đủ về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như tiêu chuẩn điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP, qui mô, chất lượng sản phẩm, hàng hóa… Trong đó, các điểm, cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP phải tạo được điểm nhấn, nhận diện thương hiệu OCOP. Đặc biệt, hàng hóa là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn phải dán tem OCOP và đảm bảo chất lượng theo đúng sản phẩm đã được chứng nhận, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
Cửa hàng bán sản phẩm OCOP và nông sản an toàn tại tổ dân phố Tùng Liên, thị trấn Ngèn (Can Lộc) trưng bày trên 60 mặt hàng đến từ nhiều địa phương của Hà Tĩnh.
Để quản lý chất lượng sản phẩm cũng như các điểm bán hàng OCOP, theo ông Nguyễn Hữu Dực - Phó Chánh Văn phòng NTM tỉnh, trước hết, ngay từ mỗi chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình quản lý chất lượng trong suốt quá trình sản xuất. Cùng với đó, các đơn vị, sở ngành liên quan như: Công thương, Văn phòng NTM, UBND cấp huyện kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Trường hợp phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng không đúng chất lượng đã được chứng nhận thì lập biên bản xử lý theo quy định hiện hành.
Cùng với các chính sách hỗ trợ sản xuất sản phẩm OCOP đã được triển khai, việc quản lý điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP Hà Tĩnh không chỉ làm gia tăng kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm mà còn đảm bảo cho người tiêu dùng sử dụng đúng sản phẩm mang thương hiệu OCOP Hà Tĩnh.