Sáng 14/1, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Luật Công chứng năm 2014. Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. |
Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Luật Công chứng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước đã công chứng được hơn 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc; tổng số phí công chứng thu được khoảng gần 8,5 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước khoảng gần 1,7 nghìn tỷ đồng.
Hoạt động công chứng đã tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH; góp phần quan trọng phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở; đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu công việc cho tòa án trong giải quyết tranh chấp dân sự. Hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Các văn phòng công chứng được thành lập, củng cố và tiếp tục phát triển.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Việc thành lập Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và 59 hội công chứng viên địa phương góp phần hoàn thiện hệ thống tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên từ Trung ương đến địa phương. Nhờ đó, nâng cao vai trò tự quản nghề nghiệp, chia sẻ, hỗ trợ công việc với cơ quan quản lý nhà nước.
Ngoài ra, việc Công chứng Việt Nam đăng cai tổ chức thành công một số sự kiện của Liên minh công chứng quốc tế (UINL), chủ động, tích cực tham gia và hoàn thành tốt các nghĩa vụ của UINL góp phần xây dựng hình ảnh và vị thế của công chứng nước ta với bạn bè quốc tế.
Có thể khẳng định, Luật Công chứng năm 2014 đã thực sự đi vào cuộc sống. Yêu cầu công chứng ngày càng tăng, sự hài lòng và thuận tiện của nhân dân về công chứng, đặc biệt hình ảnh công chứng Việt Nam được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến, được UINL ghi nhận và đánh giá cao.
Đại biểu TP Cần Thơ phát biểu tham luận tại hội nghị (Ảnh chụp màn hình).
Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh thành đã thẳng thắn phân tích, làm rõ tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014; đồng thời, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.
Theo đó, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về công chứng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, tăng cường kiểm tra, thanh tra trong hoạt động công chứng.
Về lâu dài, cần rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng; đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển đổi số hoạt động công chứng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng. Bên cạnh đó, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng hơn nữa về vai trò, vị trí, bản chất của hoạt động công chứng; tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước về công chứng...
Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị, thời gian tới, cần tiếp tục tập trung, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về hoạt động công chứng; phát triển tổ chức hành nghề công chứng; xây dựng đội ngũ công chứng viên mạnh về số lượng và đảm bảo chất lượng.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu. Ảnh: internet
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động công chứng như chia sẻ thông tin, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan; phát huy vai trò tự quản của Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, hội công chứng viên các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện việc chuyển đổi số hoạt động công chứng.
Hội Công chứng viên Hà Tĩnh hiện có 20 hội viên đang hoạt động trong 10 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn. Thời gian qua, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển đáng kể, từng bước ổn định, đi vào nề nếp, chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao; cơ bản đúng nghiệp vụ, tuân thủ pháp luật, đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng 135.000 việc, chứng thực 286.000 bản sao và chữ ký, thu phí công chứng, chứng thực 53 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 4,8 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 70 lao động. |