Chiều 9/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng chủ trì cuộc họp triển khai thực hiện kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực về việc rà soát, xử lý công trình, nhà đất là tài sản công khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính; rà soát các dự án, công trình, trụ sở đang xây dựng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng chịu tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Theo dự thảo phương án bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính của Bộ Tài chính, nguyên tắc chung là các đơn vị hành chính thuộc đối tượng sắp xếp thực hiện kiểm kê, phân loại; lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Việc xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản công phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.
Việc bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản phải phù hợp với đối tượng quản lý, sử dụng, tính chất, đặc điểm của tài sản, tận dụng tối đa nguồn lực của tài sản hiện có nhưng phải có tầm nhìn dài hạn để phục vụ mục tiêu lâu dài; ưu tiên điều hòa, bố trí tài sản giữa các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới trong địa phương, trường hợp cần thiết phải chuyển đổi công năng sử dụng của tài sản thì cho phép chuyển đổi công năng để sử dụng phục vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Về dự kiến lộ trình, các bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh tổng hợp kết quả tổng kiểm kê và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 10/5/2025; Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo kết quả tổng kiểm kê, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/5/2025.
Các bộ, cơ quan Trung ương có trách nhiệm rà soát và thông báo cho UBND cấp tỉnh về các trụ sở dôi dư, thừa diện tích so với tiêu chuẩn, định mức trước ngày 30/4/2025.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị, địa phương đã báo cáo hiện trạng và nhu cầu về trụ sở sau khi sắp xếp; rà soát, xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý nhà, đất, trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; đề xuất phương án xử lý với các dự án công trình trụ sở đang thực hiện hoặc đã được quyết định chủ trương đầu tư; báo cáo các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và kiến nghị, đề xuất một số nội dung liên quan.
Tại Hà Tĩnh, qua rà soát trước sắp xếp (thời điểm ngày 3/12/2024), có 20 đơn vị trực thuộc các cơ quan cấp tỉnh, 10 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh; về cơ cấu cấp huyện, có 155 đơn vị cấp phòng và tương đương, 672 đơn vị sự nghiệp, 209 đơn vị hành chính xã. Toàn tỉnh có 225 trụ sở làm việc của khối cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; 1.604 cơ sở khối cơ quan cấp huyện.
Về các dự án cấp tỉnh quản lý thực hiện đầu tư xây dựng công trình trụ sở làm việc, Hà Tĩnh có 4 dự án. Trong đó, có 2 dự án nâng cấp, sửa chữa, cải tạo trụ sở làm việc đang triển khai thực hiện, đề nghị tiếp tục thực hiện (các đơn vị không thuộc đối tượng sắp xếp); 2 dự án mới phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa triển khai, đề nghị dừng thực hiện để sắp xếp các trụ sở dôi dư đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
Hà Tĩnh đề xuất Bộ Tài chính xem xét ban hành hướng dẫn cụ thể về cách thức và lộ trình theo từng bước để sắp xếp, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp bộ máy. Kịp thời tham mưu nghị định sửa đổi Nghị định số 152/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp nhằm phù hợp thực tiễn; tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công nói chung.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng nhấn mạnh, sau cuộc họp, Bộ Tài chính với vai trò cơ quan thường trực, đầu mối, sẽ thành lập tổ công tác về rà soát tài sản công, công trình, dự án xây dựng trụ sở cơ quan; đề nghị các bộ, ngành, địa phương phân công đầu mối, bố trí cán bộ tham gia.
Bộ Tài chính cũng tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp. Với các nội dung kiến nghị đã có quy định, sẽ rà soát và hướng dẫn cụ thể; những vấn đề chưa có căn cứ pháp lý, sẽ nghiên cứu tham mưu điều chỉnh các quy định của luật pháp phù hợp thực tiễn và mô hình tổ chức bộ máy mới. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tăng ca, tăng kíp để sớm hoàn thành việc rà soát; có phương án sắp xếp, điều chuyển, xử lý tài sản. Đồng thời, triển khai việc rà soát công trình, nhà đất là tài sản công khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính song song với công tác tổng kiểm kê tài sản hiệu quả.
Với các dự án dôi dư, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để tiếp tục bổ sung, sửa đổi vào Luật Đầu tư công phù hợp. Trong quá trình thực hiện, nếu các đơn vị, địa phương tiếp tục gặp khó khăn, vướng mắc phát sinh, cần sớm báo cáo để có giải pháp tháo gỡ. Trên cơ sở rà soát, báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ…