Mục đích, yêu cầu
Theo kế hoạch tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2025 vừa được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành, mục đích, yêu cầu đặt ra là nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, ý thức cảnh giác của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; phát huy tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự (ANTT) của đất nước.
Đồng thời, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, tập thể, cá nhân xuất sắc, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) ở cơ sở, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong Nhân dân nhằm đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phát triển sâu rộng, vững chắc với chất lượng và hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANTT trong tình hình mới.
Việc tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” năm 2025 phải đảm bảo trang trọng, có ý nghĩa sâu sắc, hướng về cơ sở, tạo điểm nhấn, có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.

Các hoạt động hướng tới
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, vai trò lãnh đạo của Đảng; thành tựu của đất nước; vai trò, sức mạnh to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; truyền thống anh hùng của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam qua 80 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành; phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền về Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các cuộc vận động, phong trào thi đua khác, đặc biệt là vị trí, vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức thành viên và toàn dân trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương chủ động tổ chức sơ kết, tổng kết nhân rộng mô hình phong trào hoạt động hiệu quả góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân đẹp trong lòng Nhân dân, cổ vũ, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, đề xuất Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Tổ chức các hoạt động về nguồn, tri ân, đền ơn, đáp nghĩa, xóa đói, giảm nghèo, thăm hỏi động viên lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và quần chúng bị thương, hy sinh trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ ANTT; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…
Nội dung, hình thức tổ chức
Các nội dung kế hoạch đặt ra gồm ôn lại lịch sử 80 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 80 năm truyền thống Công an nhân dân gắn với vai trò đóng góp to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đánh giá tình hình, kết quả công tác tổ chức ngày hội trong 20 năm qua tại cơ sở, chỉ ra những khó khăn, hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp để công tác tổ chức ngày hội và công tác xây dựng phong trào dân bảo vệ ANTQ phát triển sâu rộng và bền vững trong thời gian tiếp theo; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa bàn cơ sở.
Về hình thức tổ chức, tùy theo điều kiện cụ thể của đơn vị, địa phương để tổ chức ngày hội phù hợp nhưng tựu trung thực hiện theo 2 phần chính là phần lễ và phần hội.
Trong đó, phần hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm vận động toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ; công tác dân vận của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, của lực lượng Công an nhân dân (vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do Nhân dân tự giao nộp; phối hợp, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho Nhân dân; huy động lực lượng tu sửa đường giao thông nông thôn, vận động xây, sửa nhà cho hộ gia đình chính sách, hộ khó khăn, tặng quà trẻ em nghèo, hiếu học...); gặp mặt, giao lưu, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm giữa các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, các hoạt động “Dân vận khéo” có sức lan tỏa tốt, hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”, các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tặng quà các đối tượng chính sách, tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ ANTT, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Thời gian tổ chức ngày hội trong khoảng từ 1 - 31/7/2025 (đối với các cơ sở giáo dục có thể tổ chức sớm hơn, phù hợp với chương trình học tập của học sinh, sinh viên).
Phạm vi tổ chức là khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, nhất là ở các địa bàn biên giới, vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo...