Tàu ngầm Knyaz Vladimir của Nga. (Nguồn: TASS)
Theo trang tin APA , báo cáo thường niên của Cơ quan Tình báo Na Uy (NIS) đã xác nhận về động thái này của Nga.
Tài liệu cho biết, trong thời kỳ Liên Xô, các tàu chiến thuộc Hạm đội Phương Bắc của Nga được trang bị vũ khí hạt nhân chiến thuật thường xuyên ra khơi, nhưng không có động thái nào như vậy kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Nhưng theo tình báo Na Uy, sau khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt ở Ukraine, “tầm quan trọng của vũ khí hạt nhân đối với Nga đã tăng lên đáng kể”.
Nội dung báo cáo của tình báo Na Uy cũng đã lưu ý về tiềm năng hạt nhân nằm trên các tàu ngầm và các tàu nổi của Hạm đội Phương Bắc. “Phần trọng tâm của tiềm năng hạt nhân nằm trên các tàu ngầm và tàu nổi của Hạm đội phương Bắc”, mở đầu đoạn báo cáo nêu rõ.
Cũng theo tình báo Na Uy, “vũ khí hạt nhân là mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng trong các lựa chọn về hoạt động quân sự mà các nước NATO có thể tham gia”, tài liệu nhấn mạnh.
Trước đó cũng có thông tin cho rằng, Bộ Quốc phòng Thụy Điển đã chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân và đã thực hiện “một số biện pháp” để đề phòng kịch bản như vậy.
Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Thụy Điển, tướng Mikael Klasson, đã giải thích những hành động như vậy bằng cách nói rằng Moscow “thường hành động theo những gì đã cảnh báo”.
Trong những tháng qua, Nga khẳng định có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lãnh thổ, mà theo phương Tây hiểu là lời đe dọa dùng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Nga chỉ sẽ sử dụng “sức mạnh của toàn bộ kho vũ khí” nếu phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân từ phương Tây. “Những ai cố gắng đe dọa chúng ta bằng vũ khí hạt nhân nên biết rằng gió cũng có thể quay đầu và hướng về phía họ... Đây không phải là nói suông”, ông Putin nói.
Theo nhà lãnh đạo Nga, các tranh cãi hiện tại về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân là do phương Tây muốn gây sức ép lên cộng đồng quốc tế để chống lại Nga, nhưng không thành công.