Tàu thuyền nằm bờ, các trung tâm mua bán hải sản lớn của Hà Tĩnh vẫn không thiếu nguồn cung

(Baohatinh.vn) - Do ảnh hưởng của mưa bão nên mấy ngày nay, các tàu thuyền đánh cá đều phải nằm bờ. Tuy nhiên, ở bến cá Thạch Kim và cảng cá Cửa Sót thuộc địa bàn huyện Lộc Hà - những nơi được xem là các đầu mối cung ứng hải sản lớn nhất ở Hà Tĩnh, không khí mua bán vẫn diễn ra khá nhộn nhịp.

Từ 3 - 6 giờ sáng, ở bến cá Thạch Kim đã tấp nập người vào ra, chủ yếu mua bán các loại hải sản đông lạnh.

Chuẩn bị hàng cho phiên chợ ở thành phố Hà Tĩnh, mới hơn 4 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim) đã có mặt tại bến cá ở Cụm Công nghiệp Thạch Kim để lựa chọn mua các mặt hàng ứng ý nhất. Trong những ngày biển động, hải sản tươi sống ít nên bà Hoa chủ yếu mua các loại hải sản đông lạnh như: cá thu, cá bù, cá bò, cá tra, cá cháo...

Bà Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: “Ngày thường, tôi mua khoảng 50kg hải sản các loại lên chợ thành phố Hà Tĩnh bán, trong đó 1/2 là hàng tươi sống. Những ngày trời mưa, tôi buộc phải mua hải sản đông lạnh vì hàng tươi sống ít và giá cao. Vì được bảo quản trong các kho lạnh đạt chuẩn, cấp đông trong thời gian ngắn... nên chất lượng tốt, được các khách hàng khó tính chấp nhận”.

Các mặt hàng hải sản đông lạnh tươi ngon, đa dạng được tiểu thương bày bán ở bến cá Thạch Kim.

Hòa trong không khí mua bán tập nập của các tiểu thương ở bến cá Thạch Kim, chị Trần Thu Huyền (TDP Trung Nghĩa, thị trấn Lộc Hà) cho biết: “Mỗi ngày, tại bến cá này có khoảng 500 – 600 tiểu thương đến từ khắp nơi trong tỉnh. Mấy ngày nay biển động nhưng lượng người mua bán vẫn ổn định vì nguồn hàng cấp đông nhiều, giá cả chỉ tăng nhẹ. Nếu mua tại đầu mối, cá thu trồi có giá 180 – 190 nghìn đồng/kg, các loại cá đã qua tẩm ướp mặn (mắm) từ 30 – 50 nghìn đồng/kg, mực từ 150 – 180 nghìn đồng/kg, cá cháo 170 nghìn đồng/kg, cá tra 50 nghìn đồng/kg”...

Dù biển động, tàu thuyền không thể ra khơi nhưng với hệ thống kho cấp đông và xe đông lạnh chuyên dụng hiện có đã cung ứng đủ nhu cầu hải sản cho thị trường.

Ông Phùng Văn Hòa – chủ bến cá Thạch Kim thông tin: “Những ngày này, nguồn hải sản tươi sống khan hiếm nên lượng hải sản tiêu thụ tại bến cá và các kho động lạnh ở Cụm Công nghiệp xã Thạch Kim ước đạt từ 23 – 25 tấn/ngày (bình thường khoảng 20 tấn/ngày), trong đó, khoảng 90% là hàng đông lạnh. Đây là những mặt hàng được các chủ kho đông nhập về từ Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Ninh… từ đợt trước. Lượng hải sản xuất bán hằng ngày có chừng một nửa được tiêu thụ ở các khu chợ trong tỉnh, còn lại trung chuyển ra các tỉnh khác”.

Tàu thuyền nằm bờ nhưng hoạt động mua bán ở cảng cá Cửa Sót vẫn diễn ra khá nhộn nhịp từ tờ mờ sáng.

Tương tự, không khí mua bán các mặt hàng hải sản trong những ngày mưa rét này cũng diễn ra khá nhộn nhịp ở cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim). Tuy trên thuyền, dưới bến không tấp nập vì tàu đang nằm bờ, nhưng ở khu vực cầu cảng vẫn khá đông đúc từ lúc 4 - 7 giờ sáng với khoảng 700 tiểu thương (ngày bình thường khoảng 1.000 người) đến mua bán. Hải sản bán ở cảng cá khá đầy đủ, đa dạng về chủng loại và kích thước, được tiểu thương chọn mua sỉ để mang đến từng khu chợ phù hợp trong vùng bán lẻ cho người tiêu dùng.

Lượng hải sản tươi sống ở cảng cá Cửa Sót rất khan hiếm, nhu cầu lớn nên có giá cao hơn ngày thường.

Ngoài hàng đông lạnh, tại 2 điểm đầu mối mua bán hải sản thuộc diện lớn nhất Hà Tĩnh này còn còn có một số mặt hàng tươi sống. Đây là những sản phẩm nuôi trồng, mới đánh bắt được ở vùng cửa sông, hoặc mới được các xe đông lạnh chuyên dụng vận chuyển từ các tỉnh miền Nam ra bán. Tuy nhiên, lượng hàng tươi sống này chỉ có khoảng 4 tấn/ngày (chiếm gần 8 - 10% tổng lượng hải sản bán ra hằng ngày) nhưng khá tươi và đa dạng về chủng loại.

Vì khan hiếm nên giá cả các loại hải sản tươi sống tăng từ 20 - 50 nghìn đồng/kg tùy loại; cụ thể: cá chẽm cỡ lớn khoảng 180 ngàn đồng/kg, tôm tít tươi 350 nghìn đồng/kg, tôm thẻ chân trắng (loại 60 con/kg) 170 nghìn đồng/kg, tôm he 300 nghìn đồng/kg, ghẹ sống 240 nghìn đồng/kg, cá mú sống 400 nghìn đồng/kg, các đục 250 nghìn đồng/kg, cá bơn 130 nghìn đồng/kg…

Tàu thuyền vẫn đang tránh trú mưa bão ở âu thuyền Cửa Sót, khoảng 2 - 3 ngày nữa mới có thể ra khơi.

Hiện trên địa bàn huyện Lộc Hà đang có 15 cơ sở đông lạnh với hàng chục kho đông lớn nhỏ, mỗi năm có thể bảo quản được 8.000 - 12.000 tấn nghìn tấn hải sản an toàn, chất lượng. Cùng đó, tiểu thương, ngư dân ở Lộc Hà có thói quen, kinh nghiệm chế biến, cất trữ hàng chục tấn hải sản chế biến khô (cá khô, mực khô, tép khô, ướp các loại mắm...) để phục vụ khách hàng khi thời tiết xấu. Vì vậy, dù thời tiết đang chịu ảnh hưởng của không khí lạnh, biển động, tàu thuyền chưa thể ra khơi sản xuất... nhưng nguồn hải sản vẫn dồi dào, hoạt động buôn bán vẫn được duy trì để đáp ứng cơ bản yêu cầu của thị trường.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói