Telegram bị ví như hang ổ online của tội phạm mạng

Gần một phần ba người dùng Internet Việt Nam có tài khoản Telegram, nhưng đây cũng là nơi tội phạm mạng hoạt động công khai, điển hình là các vụ lừa đảo.

"Nhận mở tài khoản ảo, 'bao' rút tiền, chuyển tiền sinh trắc học" là lời rao trên một nhóm Telegram chuyên mua bán tài khoản ngân hàng, sau ngày 1/7, khi quy định về xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền có hiệu lực tại Việt Nam.

Nhóm này hoạt động từ năm 2023, thu hút hơn 4.000 thành viên, chuyên rao bán những dịch vụ như tạo tài khoản theo yêu cầu, làm giấy tờ giả. Tính xác thực của mẫu quảng cáo chưa được kiểm chứng, nhưng sự tồn tại của nhóm và các tài khoản tham gia là một trong những ví dụ cho thấy sự tồn tại của một thế giới ảo trên Telegram, nơi tội phạm mạng dễ dàng hoạt động công khai.

Một bài rao dịch vụ phi pháp trên nhóm Telegram. Ảnh: Lưu Quý
Một bài rao dịch vụ phi pháp trên nhóm Telegram. Ảnh: Lưu Quý

Vì sao Telegram được ví như "dark web" kiểu mới?

Môi trường hoạt động trước đây của tội phạm mạng thường là dark web - phần chìm của thế giới Internet, nơi người dùng muốn truy cập sẽ phải dùng đến trình duyệt đặc biệt là Tor cùng các dòng URL phức tạp. Cách làm này giúp chúng che giấu danh tính và thông tin cá nhân, tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện, đồng thời hạn chế việc tiếp cận của số đông người dùng.

Tuy nhiên những năm gần đây, Telegram nổi lên như một dark web kiểu mới, khi hoạt động tội phạm diễn ra công khai tại đây. Nền tảng do tỷ phú Pavel Durov sáng lập cho phép bất cứ ai cũng có thể truy cập chỉ qua thao tác tải phần mềm từ App Store, Play Store hay thậm chí trên chính trình duyệt web thông thường.

Báo cáo hồi tháng 7 của hãng bảo mật Kaspersky đánh giá "tội phạm mạng ngày càng sử dụng Telegram như một nền tảng cho các hoạt động thị trường ngầm". Thông qua kênh và nhóm, chúng quảng cáo tràn lan về những dịch vụ vốn bị cấm, từ dữ liệu cá nhân, phim ảnh khiêu dâm, dịch vụ tấn công mạng, thậm chí cả vũ khí, ma túy. Thống kê của Kaspersky cho thấy bài đăng về những dịch vụ này trên nền tảng trong tháng 5-6 tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia, có ba yếu tố khiến tội phạm mạng chọn nền tảng này, gồm tính phổ biến, cảm giác an toàn, và khả năng tìm kiếm dễ dàng.

Trong thông báo hôm 23/7, Pavel Durov cho biết nền tảng đạt mốc 950 triệu người dùng, tăng 50 triệu so với cách đó ba tháng và gần gấp đôi so với mức 500 triệu đầu năm 2021. Con số này đưa Telegram trở thành một trong những nền tảng có lượng người dùng lớn nhất thế giới.

Nhà sáng lập cũng nhiều lần nhấn mạnh việc không thu thập dữ liệu người dùng và gần như không hợp tác với các chính phủ. "Điều này được cho là mang lại cho những kẻ phạm tội cảm giác an toàn và không bị trừng phạt", Alexey Bannikov, nhà phân tích tại Kaspersky, nhận định.

Thông qua công cụ như trao đổi nhóm, kênh, kẻ gian dễ dàng tạo các cộng đồng để trao đổi thông tin phi pháp. Những hội nhóm có thể chứa đến 200 nghìn thành viên, có thể được tìm kiếm dễ dàng thông qua công cụ của chính nền tảng. "Ai đó có thể tưởng tượng ra một thứ bất kỳ họ muốn, Telegram gần như chắc chắn có", Fortune viết.

Tại Việt Nam, Telegram không chỉ bị lợi dụng để thực hiện trao đổi phi pháp, mà còn là nơi các nhóm lừa đảo "làm thịt" con mồi, đặc biệt trong các vụ lừa "cộng tác viên", "làm nhiệm vụ" rộ lên năm 2023. Ông Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo, khi đó cho biết kịch bản chung thường là kẻ gian tiếp cận người dùng qua các bài đăng trên mạng xã hội như Facebook, nhắn tin, gọi điện thoại, sau đó đề nghị kết nối qua Telegram.

Theo chuyên gia này, tất cả ứng dụng chat đều có thể thực hiện những việc như vậy, nhưng kẻ xấu chọn Telegram bởi tính ẩn danh và xóa dấu vết qua tính năng tự hủy tin nhắn. Trên Messenger, tài khoản ảo có thể được nhận biết qua hồ sơ Facebook. Còn Telegram không yêu cầu bất cứ thông tin nào ngoài số điện thoại nhận OTP, vốn có thể thuê, mua qua dịch vụ cung cấp hàng loạt.

Theo thống kê tại DataReportal đầu 2024, tỷ lệ người dùng Telegram tại Việt Nam chiếm 32,6% số người dùng Internet trong độ tuổi 16-64, tức cứ ba người có một người dùng ứng dụng này. Tuy nhiên, thực trạng lừa đảo khiến Telegram một mặt được yêu thích bởi những người cần một ứng dụng chat tiện dụng, nhiều tính năng, nhưng mặt khác cũng trở thành môi trường nguy hiểm với người nhẹ dạ, thiếu nhận thức về an toàn an ninh mạng.

Bước ngoặt với Telegram

Nếu theo lộ trình, Telegram có thể sớm đạt mốc 1 tỷ người dùng trong năm nay và hướng tới mục tiêu 1,5 tỷ người dùng năm 2030 như Durov mong muốn. Để duy trì việc hoạt động độc lập, Durov tìm thêm nguồn tiền từ việc gọi đầu tư đổi bằng trái phiếu, dự định IPO, đồng thời bán quảng cáo. Trên FT, nhà sáng lập từng tiết lộ đã gọi được khoảng 2 tỷ USD, đồng thời thu được "hàng trăm triệu USD" từ bán quảng cáo. Telegram cũng đang phát triển lại TON, một loại tiền số có thể dùng cho các giao dịch trên Telegram hoặc để mua bán quảng cáo trên nền tảng, chia sẻ doanh thu cho người dùng. Giá trị vốn hóa của TON hiện đạt 15 tỷ USD, đứng thứ 9 toàn thị trường.

Tuy nhiên, kế hoạch trên có thể sẽ thay đổi khi Durov bị bắt.

Sáng 24/8, nhà sáng lập Telegram bị bắt khi bay đến Pháp. OFMIN, cơ quan chịu trách nhiệm ngăn chặn bạo lực chống lại trẻ vị thành niên của Pháp, đã phát lệnh bắt người này với cáo buộc Telegram không có đủ người kiểm duyệt, thiếu hợp tác với chính quyền.

Các tính năng mã hóa của Telegram cũng được cho là đã tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm diễn ra mà không bị ngăn chặn. Điều này khiến Durov có thể bị coi là đồng phạm trong các hoạt động buôn bán ma túy, bạo lực mạng, gian lận, tội phạm có tổ chức, kích động khủng bố. CEO Telegram có thể phải đối mặt án tù lên đến 20 năm.

Trong bài đăng trên mạng xã hội hôm 26/8, Telegram cho rằng "thật vô lý" khi nền tảng phải chịu trách nhiệm về việc nó bị lạm dụng, đồng thời khẳng định họ tuân thủ luật pháp châu Âu, bao gồm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số, và việc kiểm duyệt "nằm trong tiêu chuẩn của ngành".

vnexpress.net

Đọc thêm

Cách tắt đã xem từng người trên Messenger

Cách tắt đã xem từng người trên Messenger

Bạn có muốn đọc tin nhắn trên Messenger mà không cho người khác biết mình đã xem hay không? Hãy cùng khám phá tính năng mới cho phép tắt đã xem cho từng cuộc trò chuyện riêng biệt.
5 cách đăng video TikTok không bị mờ

5 cách đăng video TikTok không bị mờ

Đăng tải video TikTok chất lượng cao, không bị mờ là mong muốn của nhiều người dùng để thu hút lượt xem và tương tác tốt hơn. Tuy nhiên, để video luôn sắc nét, bạn cần nắm rõ một số cài đặt và mẹo tối ưu chất lượng khi tải lên.
Cách kiểm tra Facebook đã xác thực chưa

Cách kiểm tra Facebook đã xác thực chưa

Từ 25/12/2024, tài khoản mạng xã hội phải được định danh để đảm bảo an toàn và minh bạch. Để tránh gián đoạn sử dụng, hãy cùng tìm hiểu cách kiểm tra tài khoản Facebook đã xác thực hay chưa cực đơn giản.
Không vào được Google Photos phải làm sao?

Không vào được Google Photos phải làm sao?

Google Photos giúp bạn dễ dàng truy cập và bảo vệ những kỷ niệm quý giá. Tuy nhiên, đôi khi ứng dụng gặp lỗi không vào được, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng.
Khắc phục eSIM bị lỗi khi sử dụng

Khắc phục eSIM bị lỗi khi sử dụng

Trong quá trình sử dụng, eSIM đôi khi gặp phải các lỗi như không kết nối được mạng, không kích hoạt được hoặc bị mất tín hiệu, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng.
8 vật cản sóng Wifi ở nhà bạn khiến mạng như rùa bò

8 vật cản sóng Wifi ở nhà bạn khiến mạng như rùa bò

Wifi bị chậm, hoặc là cứ đi đến góc nào đó trong nhà là Wifi lại bị chậm chờn, khiến các kết nối với điện thoại gặp trục trặc. Việc đó bao gồm nhiều yếu tố, có thể do bạn cách quá xa Modem Wifi ở nhà, hoặc do nhà mạng không ổn định.