Thái Kim Đỉnh - trăn trở qua những cuộc trò chuyện...

(Baohatinh.vn) - Cuối cùng, ngày ấy cũng đến. Ngày mà cây đại thụ, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà địa phương học Thái Kim Đỉnh từ biệt cõi trần. Tôi nghe tin mà xót xa và hụt hẫng, bởi Hà Tĩnh đã mất đi một tài sản quý, còn bản thân mình mất đi chỗ dựa tin cậy về tư liệu...

>> Lãnh đạo Hà Tĩnh dâng hoa, viếng nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh

>> Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh - Sống mãi cùng di sản dân tộc…

Trân trọng và quý những lời ông nói, nhiều năm qua, hễ gõ cửa nhà ông, trò chuyện với ông là tôi ghi lại, coi đó là tài sản tư liệu của riêng mình. Tôi biết, có lúc, bạn đọc sẽ cần những điều ấy, như hôm nay, ngày ông lặng lẽ rời dương gian. Trong giây phút đau buồn từ biệt ông, có lẽ không gì quý hơn là nghe lại được giọng ông nói, rồi nhớ, nghĩ về ông về những trăn trở và dự định mãi còn dang dở.

Trăn trở với vốn cổ

Ngày 30/4/2014, tôi đến ông Thái Kim Đỉnh để hỏi về những tên cổ trên địa bàn Hà Tĩnh. Ông đã dành cho tôi gần trọn buổi sáng để nói về tiếng Việt cổ. Rồi ông dẫn dụ những địa danh mà theo ông là người đời, do hiểu biết không đầy đủ đã gọi tên không giống với cách nghĩ vốn có từ trước.

thai kim dinh tran tro qua nhung cuoc tro chuyen

Tác giả nghe nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh nói về văn hoá (năm 2013).

Phường Đậu Liêu, đáng lẽ phải viết là Độ Liêu. Ông nói: “Độ nghĩa chữ Hán là qua. Gốc của từ độ theo tiếng Việt cổ là Blổ. Chữ “liêu”, tiếng cổ gọi là tleo hoặc đleo. Gọi Đậu Liêu là không giống với nghĩa gốc”. “Chẳng hạn như viết cầu Sông ở Việt Xuyên (Thạch Hà), chỗ gần khu mộ Lý Tự Trọng là khá lạ so với từ gốc. “Cầu sông” - cầu nào mà chả có sông. Tiếng Hán, các cụ gọi là sung, nghĩa là cây sung vì xưa kia trên bến đò này có một vùng cây sung, vì cây sung nên gọi là bến sung. Đến khi có cầu thì gọi là cầu sung. Nhưng người ta đọc trệch âm thành ra là cầu sông”.

Say sưa phân tích về từ cổ, ông còn cho rằng, cách viết “Vũ Quang” như văn bản hành chính là rất khó hiểu. Nếu viết đúng theo nghĩa chữ Hán, Vũ Quang phải viết là Vụ Quang. “Tôi đã nói bao nhiêu lần mà chả ai nghe. Có người trong tỉnh, viết nghiên cứu, có lúc viết dấu nặng, sau lại đổi thành dấu ngã, chả hiểu làm sao”. Về địa danh này, trong sách “Hà Tĩnh, đất văn vật Hồng Lam” (Nxb Trẻ, 2013) , khi viết về huyện Vũ Quang, ông Thái Kim Đỉnh chú thích ở trang 6: “Vũ Quang, theo thông lệ phiên âm chữ Hán, chữ Vụ là mù (sương), viết dấu nặng. Ở đây, tên huyện, thị trấn Vũ Quang viết theo văn bản nhà nước”. Ông còn phân tích cho tôi những từ cổ như: trổ, lổ như trong từ “rào trổ”...

thai kim dinh tran tro qua nhung cuoc tro chuyen

Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh đối chiếu tư liệu để chú thích trong bản thảo (ảnh chụp cuối năm 2015)

Khi tôi hỏi nghĩa của từ “nậu” mà nhiều địa phương còn sử dụng như ở Thạch Đồng (TP Hà Tĩnh), ông giải thích: từ đó có nghĩa là nhóm, đám, chỉ số đông. Rồi ông nói tiếp: “Ở đất nước mình, bao giờ tiếng Nôm cũng có trước. Nhưng, nhiều tiếng Việt cổ chúng ta không thể hiểu nghĩa được nữa, không có cuốn từ điển hay sách nào ghi lại được. Mình thỉnh thoảng, đọc chỗ này chỗ kia tiếc quá thì ghi lại. Mình không chuyên nhưng tiếc quá, mình vẫn tiếp tục ghi và tra cứu. Kiếm được cái gì ghi cái đó, không ghi thì mất hết. Đến nay, chưa có ai làm một cuốn sách tử tế cả. Trước đó, mình và Trần Hữu Thung có làm từ điển tiếng Nghệ, sau đó có Nguyễn Nhã Bản có làm, có nói được một phần, còn lại đang nhiều từ ngữ cổ xưa lắm”.

Từ chỗ nói về từ cổ, với tính cách nghiêm cẩn, ông nói như giận dỗi: “Bây giờ, nhiều người nói và viết hay suy luận quá. Suy luận là vì không tìm lại được nghĩa gốc của từ, người già thì chết mất rồi”. “Giờ chẳng ai đầu tư làm chuyện này cả, người ta ít làm văn hóa theo đúng nghĩa...".

Tiếng Hán, tiếng Pháp và trăn trở nền văn hóa

Cũng lần trò chuyện ấy, ông nói: Việt Nam chúng ta thua Nhật, thua Hàn về đào tạo tiếng Hán. “Mình bỏ bê đi hàng chục năm rồi, giờ lớp trẻ không biết gì về chữ Hán, tức là cắt mất đi một khoảng cách về tư tưởng, tinh thần với cha ông. Điều này rất nguy hiểm. Trong khi trước đây, để hiểu người Việt, trong trường Pháp, người ta cũng đào tạo tiếng Hán”.

Ông nói: “Cùng với tiếng Hán, chúng ta cũng bỏ bê tiếng Pháp. Gần 100 năm dùng tiếng Pháp có biết bao nhiêu tư liệu mà chúng ta cũng không tiếp cận được. Học tiếng Anh tiếp cận được cái mới, cái hiện đại để hội nhập, rất cần, chả ai nói là không cần cả nhưng không chỉ cái đó, còn cần những cái khác. Cái lạ ở mình là những người học ở nước ngoài thì không hổng, mà người trong nước có học hành bài bản thì lại hổng. Nói thế để thấy, nền giáo dục của chúng ta không ổn”.

Ông cũng trăn trở về văn hóa đọc ngày nay: “Người ta đọc ít quá, cứ ỷ lại internet. Internet là rất tốt, tiện ích nhưng nếu chỉ ỷ lại thì cái đầu mình sẽ lười đi”.

Một lần khác, trước đó, vào sáng thứ 7, ngày 7/12/2013, tôi cùng nhà thơ Nguyễn Văn Hùng đến thăm ông. Lúc ấy, ông còn khỏe mạnh. Khi nói chuyện với chúng tôi, ông say sưa bình phẩm về bài viết ông vừa đọc trên Báo Văn nghệ số 49 của tác giả Đỗ Trung Lai: “Văn hóa Việt Nam qua hai lần Âu hóa”. Ông tâm đắc bình luận: lần Âu hóa này, do đại chúng tiếp cận trước, chứ không như Âu hóa lần 1 (thời Pháp) đi từ giới tinh hoa đến đại chúng nên đã tạo ra tình trạng lai căng, lộn xộn, chắp vá, ảnh hưởng lớn đến việc giữ gìn truyền thống và tiếp cận với hiện đại.

thai kim dinh tran tro qua nhung cuoc tro chuyen

Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Văn Hùng (năm 2013).

Sau lần gặp gỡ ấy, nhà thơ Nguyễn Văn Hùng đã viết nên bài thơ: “Buồn vui thăm nhà cụ Đỉnh” đăng trong tập Buổi sáng ở làng (Nxb Hội Nhà văn, 2014), trong đó có những câu khiến mỗi lần đọc tôi đều bùi ngùi: “Toàn dân ra sức chống tiêu cực/ Nhà cụ lắm sách thì chống mối mọt” và “Nửa con mắt trái còn khoan vào vạn quyển/ Sao buồn thương chất ngất tựa non Hồng/ Hội ngộ về đây những ngôi chùa cổ/ Những phận Kiều chưa hết kiếp long đong ” (Nhà thơ chú thích: cụ Đỉnh chỉ còn lại một nửa con mắt trái tạm dùng vào việc đọc, viết sách mỗi ngày).

Vào một lần khác, năm 2015, tôi chỉ nhớ đó là dạo sức khỏe ông không được tốt. Ông có nói với tôi về làm nghiên cứu văn hóa. Ông khuyên: Người làm nghiên cứu văn hóa phải có 3 thứ vốn. “Thứ nhất là vốn kiến thức chung, tức là từ sách vở, đó là cái ban đầu. Cái này cung cấp ta cái để nhìn, để hiểu. Nếu không có vốn này thì anh không thể phát hiện, không thể nhìn nhận được vấn đề. Thứ hai là vốn về đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu về vùng nào, địa phương nào, địa danh gì thì phải có đầy đủ tư liệu về cái đó. Vốn này là vốn cơ sở để mà làm. Anh nào giàu tư liệu thì anh ấy thắng. Có anh tiến sĩ chẳng viết được gì, chỉ toàn là biện luận, lí thuyết chứ không phải thực tiễn. Anh em trẻ đa phần là thiếu vốn này và cũng chưa quan tâm đầu tư đến vốn này. Thứ ba là vốn kiến thức về văn để diễn đạt ý tưởng của mình”.

Khi ông say sưa nói những điều này, vợ ông từ trong nhà mang ra đĩa chuối và bảo: “Ông ơi! Ông ăn trấy chuối đi”. Rồi bà đùa với tôi: “Cứ bữa đem gạo đến đây mình nấu cho mà ăn rồi nghe ông ấy nói”.

thai kim dinh tran tro qua nhung cuoc tro chuyen

Một bữa cơm đời thường của nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh

Vừa mời tôi vừa nhấm nháp quả chuối xong, ông nói: “Nghề ni rất mệt và chẳng được cái gì cả. Chẳng ai biết anh mệt, chẳng ai biết anh sướng cả. Nhiều khi tìm được cái gì đó, sướng lắm mà có ai biết mô, khi mệt cũng rứa”.

Ông còn nói: “Làm khoa học là phải hy sinh. Không có nhà khoa học lớn nào mà không hy sinh. Có người hy sinh đủ thứ”. Giờ đây, khi ông đã tạ thế, tôi đã nghĩ rằng, đó có lẽ là lựa chọn, là triết lý sống của ông. Nhớ đến ông, tôi nhớ lần gần đây nhất, vào ngày 7/11/2016, tôi đến khi ông bà đang dùng bữa. Bữa cơm của cây đại thụ nghiên cứu văn hóa, người sống chết một đời vì văn hóa Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh chỉ có bát canh rau khoai, đựng trong bát chân voi ngày trước và một đĩa nhỏ cá diếc đồng.

Giọng mệt mỏi, ông bảo: “Mới đi viện về. Bị ngứa da”. Ăn xong bữa, ông lại ngồi vào bàn nâng niu, lần dở bản thảo 3 cuốn cuốn sách trong tuyển tập còn dang dở. Rồi ông “khoe” có người tốt bụng cho tiền, in cuốn “Bốn Thi sĩ trong phong trào thơ mới” và ký tặng tôi.

thai kim dinh tran tro qua nhung cuoc tro chuyen

Đọc lời tựa, tôi thấy ông viết từ tháng 4/2013 nhưng mãi đến lúc đó mới xuất bản, tôi hiểu hơn lời ông nói với tôi: nhiều cuốn muốn in lại mà không có tiền. Tôi tiếc cho ông, tiếc cho nhiều thế hệ, vì sách của ông nếu không in lại, cũng có nghĩa, thế hệ chúng tôi sẽ thiếu hụt một nguồn tư liệu quan trọng để hiểu về mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Cũng trong lần ấy, ông lại thầm tiếc về vùng đất Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) đã để mất đi di tích về ông tổ họ Hà và chùa cổ Yên Lạc, chùa có từ đời Lê, nơi lưu giữ một bài thơ từ thế kỷ XVII.

Bài thơ cuối đời và những dở dang mãi mãi

Đến viếng ông vào cuối chiều, lòng buồn và nhớ về những lần gặp ông. Nhớ lần từ Hà Tĩnh ra TP Vinh dự buổi giao lưu và mừng thọ ông do Tạp chí Văn hóa Nghệ An tổ chức hồi tháng 4/2015. Nghẹn ngào kể về ông, người nhà cung cấp cho tôi bài thơ ông viết ngày 1/1/2017. Cuối đời, ông nhìn mọi việc thật nhẹ:

Thế là ta đã chạm hôm nay

Trời thả rông ta mãi đến rày

Bữa một lưng ăn còn khoái miệng

Ngày vài trang viết vẫn chuyên tay

Bài nhài bệnh quấy, ngơ không biết

Rối rắm đời hành giả chẳng hay

Trăm tuổi – trăm năm còn chín nữa

Thênh thang tháng tháng với ngày ngày”

Để lại bài thơ, ông còn để lại những bản thảo dang dở mà nếu bệnh tật không “hành” ông, ắt mọi việc đã đâu vào đấy. Ngoài 3 quyển nằm trong tuyển tập Thái Kim Đỉnh gồm 5 quyển (mới chỉ xuất bản 2 quyển), ông còn biên soạn dở dang một số sách lịch sử địa phương và một số sách tư liệu khác.

thai kim dinh tran tro qua nhung cuoc tro chuyen

NHà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng văn nghệ sĩ tỉnh Nghệ An trong lần Tạp chí Văn hóa Nghệ An tổ chức mừng thọ ông năm 2015.

Vậy là đến cuối đời, tâm niệm để được nhìn tuyển tập của mình, nhìn cuốn sách về chùa cổ trên đất Hà Tĩnh ra đời và nhiều tác phẩm nữa đã vĩnh viễn theo ông trong giấc ngủ ngàn thu. Nghĩ về ông, tôi nhớ về GS. Ninh Viết Giao, người đã từ giã cõi đời trong sự ấp áp của vinh quang và thành tựu. Có cái gì đó xót xa, tựa như là thua thiệt của riêng ông như cách lặng lẽ Thái Kim Đỉnh vậy!

Đọc thêm

Ngày càng nhiều người du lịch 'tránh Tết'

Ngày càng nhiều người du lịch 'tránh Tết'

Tết Dương lịch: "Xu hướng xuất ngoại dịp Tết dự kiến tăng trong thời gian tới bởi nhiều du khách muốn tránh áp lực Tết truyền thống cũng như tìm kiếm trải nghiệm mới mẻ", theo đại diện một đơn vị lữ hành.
5 hoa hậu, á hậu của Miss International 2024

5 hoa hậu, á hậu của Miss International 2024

Hoa hậu Thanh Thủy được nhận xét có gương mặt tựa búp bê, còn á hậu 1 người Bolivia ghi điểm về thần thái, tự tin trong ứng xử tại Miss International 2024.
Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024

Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 mang chủ đề "Du lịch Hoà Bình - Kết nối khát vọng xanh" sẽ diễn ra trong các ngày từ 15 - 23/11/2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Podcast tản văn: Những ngày chớm đông

Chớm đông, ấy là khi những vạt nắng cuối cùng của mùa thu còn dùng dằng chưa tắt mà những cơn mưa cứ ngấp nghé bước vào. Cái se lạnh đầu đông ùa về trải tràn khắp không gian...
Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Vui ngày hội đoàn kết ở xã biên giới Vũ Quang

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để người dân thôn 5 (xã Thọ Điền, Vũ Quang, Hà Tĩnh) phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.
Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ "nhuộm vàng" cao nguyên Lâm Đồng

Hoa dã quỳ ở tỉnh Lâm Đồng nở rộ từ cuối tháng 10 đến tháng 12, khoe sắc vàng tươi nổi bật giữa không gian cao nguyên mát mẻ, tạo nên khung cảnh đẹp như tranh.
Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Phim Việt nào khuấy đảo phòng vé cuối năm?

Đường đua phim Việt cuối năm đang trở nên sôi động với các tác phẩm mới dự kiến ra mắt. Những cái tên như "Linh miêu – quỷ nhập tràng", "Công tử Bạc Liêu" hay "Kính vạn hoa" hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ, tạo nên cuộc cạnh tranh quyết liệt tại rạp chiếu.