Cùng với chiến lược phát triển KT-XH, công tác bồi thường, GPMB-TĐC các dự án với khối lượng công việc lớn đã xuất hiện những vấn đề nhạy cảm, hiện tượng tham ô, tham nhũng có thể phát sinh. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hình thức vi phạm, tội phạm liên quan, công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) đã được các cấp, ngành Hà Tĩnh triển khai quyết liệt.
TAND Hà Tĩnh xét xử vụ GĐ Công ty Cao su Hà Tĩnh và đồng phạm tham ô tài sản.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cải cách hành chính được xem là mũi đột phá trong công tác PCTN. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo cắt giảm 1/2 thời gian và 1/3 thành phần hồ sơ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và các doanh nghiệp. Đến nay, 100% cơ quan quản lý hành chính nhà nước trong tỉnh đã thực hiện cơ chế “một cửa”, niêm yết công khai toàn bộ thủ tục hành chính, các loại phí, lệ phí. Giải pháp này đã hạn chế tối đa hiện tượng gây phiền hà và các khoản chi phí vô hình của doanh nghiệp, người dân khi cần đến các cơ quan công quyền.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy trình, quy định trong tuyển dụng, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Bên cạnh đó, nhằm tránh hiện tượng “lợi ích nhóm”, tham ô, cơ chế, chính sách, hoạt động quản lý nhà nước về các lĩnh vực đầu tư, đất đai, tài nguyên khoáng sản... được thực hiện công khai, minh bạch. Khi có tham nhũng xảy ra, trách nhiệm của người đứng đầu được nhìn nhận, xem xét, đánh giá đúng và xử lý nghiêm. Đã có một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị bị xử lý trách nhiệm bằng các hình thức cảnh cáo, cách chức và khởi tố, xét xử hình sự.
Một trong những giải pháp hữu hiệu nhất trong công tác PCTN là đẩy mạnh hoạt động kiểm sát, thanh tra. Trong 9 tháng đầu năm, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 222 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 4.094 tổ chức, cá nhân; phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi vào ngân sách nhà nước 19.300 triệu đồng, xử lý khác 29.667 triệu đồng; xử phạt hành chính 880 trường hợp với số tiền 2.538 triệu đồng. Theo Chánh Thanh tra tỉnh Thái Sinh, việc thanh tra đúng trọng tâm, trọng điểm, sát đúng yêu cầu thực tế sẽ nhanh chóng phát hiện và có phương án xử lý tối ưu đối với các hành vi tham nhũng. Qua đó, kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu tiêu cực phát sinh cũng như có hướng xử lý thích hợp.
Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng luôn là yếu tố quan trọng trong công tác PCTN. Nhìn chung, thời gian qua, các vụ việc tham nhũng đều được điều tra, truy tố và đưa ra xét xử kịp thời, đạt chất lượng và có hiệu quả răn đe tốt. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tạo niềm tin trong quần chúng nhân dân. Điển hình là các vụ án tham nhũng xảy ra tại thị trấn Xuân An (Nghi Xuân), Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh hay liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng ở huyện Kỳ Anh. Riêng 9 tháng đầu năm 2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ các cấp khởi tố điều tra 3 vụ 4 bị can về tội tham ô tài sản. Điển hình như vụ Võ Văn Tự (SN 1966, trú tại huyện Can Lộc) và Hồ Văn Thiết (SN 1981, trú tại huyện Hương Sơn) nguyên là cán bộ giao thông thuộc Chi cục Quản lý giao thông đường bộ - Cục Quản lý đường bộ II đã bị khởi tố về hành vi “Nhận hối lộ”.
Thông qua việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng đã giúp các cấp, ngành phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý KT-XH, từ đó, bổ sung cơ chế, chính sách, khắc phục những tồn tại, yếu kém, đưa ra các giải pháp phòng ngừa phù hợp hơn.