Thế giới có hơn 253 triệu ca mắc COVID-19

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với tổng số 47.833.282 ca mắc, trong đó 782.929 ca tử vong; tiếp đó là Ấn Độ với 34.414.609 ca mắc, với 462.893 ca tử vong.

Thế giới có hơn 253 triệu ca mắc COVID-19

Nhân viên y tế kiểm tra mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 13/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 253.187.778 ca mắc mới COVID-19 , trong đó có 5.103.695 ca tử vong.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 228.982.781 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với tổng số 47.833.282 ca mắc, trong đó 782.929 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 34.414.609 ca mắc, trong đó 462.893 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 với 21.940.950 ca mắc, trong đó 610.935 ca tử vong.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó 10 quốc gia được coi là “rất đáng lo ngại.”

ECDC cho rằng số các ca bệnh, người nhập viện và số ca tử vong có thể sẽ tăng trong 2 tuần tới. Trong số 27 quốc gia thành viên EU , các nước Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia nằm trong danh sách “rất đáng lo ngại.”

Trong danh sách “đáng lo ngại” hiện có 13 quốc gia, gồm Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Iceland, Liechtenstein, Luxembourg, Na Uy, Romania, Slovakia, Litva, Ireland và Latvia. Cyprus, Pháp và Bồ Đào Nha nằm trong nhóm 3 “tình hình đáng lo ngại vừa phải,” còn Malta, Tây Ban Nha, Italy và Thụy Điển nằm trong nhóm cuối cùng.

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây lan, nhiều nước châu Âu đã triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã thông báo về việc áp dụng lại một loạt hạn chế về sức khỏe, đặc biệt đối với lĩnh vực nhà hàng, để đối phó với số ca mắc mới cao kỷ lục (16.364 trường hợp mắc mới ghi nhận ngày 11/11).

Theo đó, kể từ ngày 13/11, các quán bar, nhà hàng và các cửa hàng thiết yếu như siêu thị sẽ phải đóng cửa vào lúc 20h và các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa lúc 18h.

Người dân Hà Lan không được đón tiếp quá 4 người trong nhà và nên làm việc từ xa. Các cuộc tụ tập đông người bị cắt giảm và các trận đấu bóng đá sẽ diễn ra mà không có khán giả, bao gồm cả vòng loại World Cup giữa Hà Lan và Na Uy vào tuần tới. Tuy nhiên, trường học vẫn mở cửa và người dân vẫn được phép ra khỏi nhà.

Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cảnh báo tình hình dịch bệnh tại nước này hiện đang nghiêm trọng và khuyến cáo người dân không nên chủ quan. Quan chức này nhấn mạnh Đức cần hành động nhanh chóng để ngăn chặn nguy cơ làn sóng dịch thứ 4 đẩy hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải như từng xảy ra trước đây.

Cũng theo Bộ trưởng Spahn, Đức phải làm mọi điều cần thiết để phá vỡ làn sóng dịch thứ 4. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục khẳng định tiêm vaccine ngừa COVID-19 vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ đối với xã hội.

Theo nhà lãnh đạo Đức, sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 đồng nghĩa với việc cần phải hành động ngay lập tức.

Chính phủ Na Uy cũng thông báo nước này sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh đang lây lan trên toàn quốc. Tuy nhiên, Thủ tướng Jonas Gahr Store cho rằng chính phủ sẽ không cần ban hành lệnh phong tỏa và sẽ lên kế hoạch tiêm liều vaccine tăng cường cho những người trên 18 tuổi. Na Uy đã dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế vào cuối tháng Chín vừa qua.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Anh lại có xu hướng ngược lại. Anh từng là quốc gia có tỷ lệ mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu, song tỷ lệ này đã giảm trong những tuần gần đây.

Theo số liệu ngày 12/11 của chính phủ, số ca mắc mới theo ngày tại Anh đã giảm 6,5%, trong khi số ca tử vong và nhập viện lần lượt giảm 8,9% và 12,4%. Tỷ lệ mắc COVID-19 theo ngày tại Anh hiện ở mức 500 ca/1 triệu người, trong khi tỷ lệ này cao hơn gấp đôi tại Áo.

Thủ tướng Boris Johnson cho rằng dịch bệnh đang lây lan khắp châu Âu là lời nhắc nhở rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc và không có chỗ cho sự tự mãn. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng tiêm mũi vaccine tăng cường để tránh tình trạng đang xảy ra tại các khu vực ở châu Âu.

Tại khu vực châu Á, Hàn Quốc đã quyết định gia hạn khuyến cáo đặc biệt về việc đi ra nước ngoài thêm 1 tháng nữa, đến ngày 13/12 tới do dịch bệnh vẫn đang lây lan mạnh trên thế giới. Theo đó, công dân Hàn Quốc được khuyến nghị hủy hoặc hoãn các chuyến đi nước ngoài không cần thiết.

Hàn Quốc ban hành khuyến cáo trên lần đầu tiên vào tháng 3 năm nay và đã gia hạn thêm cho đến nay. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết sẽ tham vấn với giới chức y tế và các Đại sứ quán của nước này ở nước ngoài để nới lỏng những hạn chế đi lại theo giai đoạn có tính đến yếu tố dịch tễ, tỷ lệ tiêm chủng vaccine và các biện pháp cách ly ở nước ngoài.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.