Kỹ thuật viên trong cơ sở làm giàu uranium của Iran. (Ảnh: Reuters)
IAEA xác nhận Iran làm giàu urani vượt mức cho phép: Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), các thanh sát viên của cơ quan Liên Hợp Quốc này ngày 8/7 đã xác minh rằng, Iran đang làm giàu urani vượt cấp độ 3,67% cho phép. Thông báo đưa ra vài giờ sau khi Iran cho biết họ đã vượt giới hạn của thỏa thuận năm 2015 và đạt mức làm giàu 4,5% để đáp trả việc Mỹ đơn phương rút khỏi văn kiện hồi giữa năm ngoái.
Trước đó, ngày 8/5, Iran tuyên bố nước này không còn bị ràng buộc bởi những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân liên quan tới giới hạn dự trữ nước nặng và urani đã làm giàu. Động thái đưa ra một năm sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi văn kiện mang tính bước ngoặt giữa các cường quốc thế giới và Iran.
Hiện Iran đang thúc đẩy các bên ký kết còn lại giữ đúng lời hứa bảo vệ Iran trước lệnh trừng phạt của Mỹ, được tái thiết lập trong nửa cuối năm ngoái.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cho phép Iran làm giàu urani ở mức tối đa 3,67%, đủ để sản xuất năng lượng, nhưng thấp hơn nhiều so với mức 90% cần thiết để chế tạo đầu đạn hạt nhân. Các quan chức Iran đã ám chỉ rằng, nước này có thể tăng cấp độ làm giàu urani lên 5%, mức cần thiết để sản xuất nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Iran.
Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công đảng Anh kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân mới về Brexit: Trong một động thái mới, Công đảng đối lập chính tại Anh ngày 9/7 tuyên bố Thủ tướng mới của nước này nên tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân mới về việc Anh có nên rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn goi là Brexit hay ở lại khối này.
Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn cho biết Công đảng sẽ vận động Anh ở lại EU nếu người kế nhiệm Thủ tướng Theresa May kêu gọi một cuộc trưng cầu ý dân.
Trước đó, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn từng bày tỏ ủng hộ một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến Brexit. Ông cho rằng một cuộc bỏ phiếu sẽ là cần thiết để cả hai phe ủng hộ ra đi hay ở lại EU đưa ra "lựa chọn thực sự," tuy nhiên ông nhấn mạnh "điều này đương nhiên sẽ phụ thuộc vào quốc hội."
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (phải) và Bộ trưởng Truyền thông Jorge Rodriguez (trái) tại một sự kiện ở Caracas ngày 27/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chính phủ Venezuela và phe đối lập bắt đầu đối thoại tại Barbados: Ngày 8/7, phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo phái đoàn chính phủ đã bắt đầu các cuộc đàm phán với phe đối lập tại Barbados.
Ông Maduro xác nhận tiến trình đối thoại với phe đối lập tại Venezuela, có sự tham gia của chính phủ Na Uy, đã khởi động trên đảo Barbados.
Tổng thống Venezuela gọi đây là một khởi đầu đáng khích lệ, đồng thời cho biết ông luôn cập nhật các thông tin từ trưởng phái đoàn chính phủ trong ngày đàm phán đầu tiên này.
Trước đó, Chính phủ Venezuela và phe đối lập nước này đã xác nhận việc hai bên nhất trí nối lại cuộc đối thoại nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Iran khẳng định, việc Anh bắt giữ tàu chở dầu của Iran tại vùng lãnh thổ Gibraltar là một hành động đe dọa. (Ảnh: Reuters)
Iran tiếp tục gây sức ép với Anh sau vụ tàu chở dầu bị bắt giữ: Ngày 8/7, Tổng tham mưu trưởng quân đội Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri cho biết, việc Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Iran ở ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh hồi tuần trước sẽ "không thể không bị đáp trả". Đây là động thái mới nhất của Iran kể từ khi con tàu chở dầu của nước này bị Anh bắt giữ, gây căng thẳng ngoại giao hai nước.
Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim của Iran dẫn lời Tướng Bagheri nêu rõ, vụ bắt giữ tàu chở dầu Iran dựa trên cái cớ bịa đặt. Iran sẽ đưa ra phản ứng đáp trả thích hợp khi cần.
Trước đó, các quan chức cấp cao khác của Iran cũng lên án việc Anh bắt giữ tàu chở dầu của Iran và yêu cầu Anh ngay lập tức thả tàu này. Trong bài phát biểu được phát trực tiếp trên truyền hình nhà nước Iran vào hôm 8/7, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami cho rằng, việc Anh bắt giữ tàu chở dầu của Iran tại vùng lãnh thổ Gibraltar của Anh tuần trước là một hành động đe dọa và Iran chắc chắn không tha thứ cho hành vi này.
Bộ Ngoại giao Iran cũng ra thông báo tương tự với quan điểm của Bộ trưởng Hatami, mô tả đây là một vụ "cướp biển" và kêu gọi Anh lập tức thả tự do cho tàu Grace 1.
Lực lượng liên quân trên trực thăng CH-47 Chinook thực hiện sứ mệnh tại Syria tháng 6/2019. (Ảnh: FP)
Anh, Pháp đồng ý tăng quân tới Syria: Ngày 9/7, hai đồng minh của Mỹ là Anh và Pháp đã nhất trí tăng quân tới Syria nhằm bù vào khoảng trống để lại sau khi Mỹ rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này.
Một quan chức cấp cao Chính quyền Washington cùng ngày xác nhận Anh và Pháp, hai đối tác duy nhất của Mỹ còn triển khai bộ binh ở Syria, cam kết sẽ tăng từ 10-15% quân số. Ngoài ra, một vài nước khác cũng có thể điều động một số lượng nhỏ binh sĩ tới Syria, song với điều kiện Mỹ phải gánh chịu chi phí.
Theo quan chức trên, hiện chưa rõ khung thời gian triển khai hay con số chính xác của đợt tăng quân, song cho biết thêm “nhìn chung chúng tôi thất vọng” trong nỗ lực thuyết phục các đồng minh của Mỹ đóng góp thêm nguồn lực cho cuộc chiến hiện nay chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
Giới chuyên gia gần đây cảnh báo tổ chức IS có thể phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong trường hợp Mỹ rút quân khỏi Syria mà các đồng minh không thể gánh vác được khoảng trống để lại.