Thế khó của quốc gia sắp trở thành nước đông dân nhất thế giới

Trên đà trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ đối mặt với thách thức đảm bảo an sinh xã hội, cũng như sự khác biệt về nhân khẩu ngày càng sâu sắc giữa 2 miền đất nước.

Thế khó của quốc gia sắp trở thành nước đông dân nhất thế giới

Tiếng khóc của một em bé chào đời ở Ấn Độ vào một ngày nào đó trong năm 2023 sẽ báo hiệu thời khắc quan trọng với đất nước Nam Á này. Ấn Độ chuẩn bị soán ngôi Trung Quốc thành quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4 tỷ dân trong năm nay, theo Channel NewsAsia.

Giới phân tích cho rằng lượng lớn dân số trẻ giúp Ấn Độ có lợi thế so với nhiều nền kinh tế khác vốn đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số. Ngoài ra, với hơn một nửa dân số dưới 25 tuổi, nước này có lực lượng lao động tiềm năng khổng lồ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, vấn đề dân số của Ấn Độ là 2 câu chuyện, theo Guardian. Ở phía bắc, dân số vẫn đang tăng lên. Ở miền Nam, con số này dần ổn định, thậm chí giảm ở một số khu vực.

Sự khác biệt ngày càng sâu sắc giữa 2 khu vực này đồng nghĩa về sau cùng, Ấn Độ sẽ phải vật lộn với bài toán khó: Hệ quả từ bùng nổ dân số và dân số già nằm trong cùng một quốc gia.

Dân số bùng nổ sẽ gây áp lực rất lớn với các nguồn tài nguyên, sự ổn định kinh tế - xã hội của Ấn Độ, và những hậu quả sẽ vượt xa biên giới nước này. Ngoài ra, New Delhi cũng phải đảm bảo tạo đủ việc làm, trong khi người dân được nhận giáo dục và kỹ năng phù hợp với những công việc đó.

"Tôi không muốn có thêm con"

Mối lo ngại bùng nổ dân số ở Ấn Độ ngày càng tăng trong hơn một thế kỷ qua. Kể từ những năm 1980, nhiều sáng kiến được thực hiện nhằm thuyết phục về lợi ích của kế hoạch hóa gia đình. Kết quả là tỷ lệ sinh tại Ấn Độ bắt đầu giảm nhanh hơn mọi kịch bản dự đoán.

Một gia đình nhỏ hiện là tiêu chuẩn tại Ấn Độ. Vào những năm 1950, một phụ nữ Ấn Độ sẽ sinh trung bình hơn sáu người con. Ngày nay, con số này là hơn 2 và vẫn tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, kế hoạch kiềm chế dân số tăng trưởng tại Ấn Độ diễn ra không đồng đều. Sự khác biệt sâu sắc giữa 2 phía nam và bắc của Ấn Độ ảnh hưởng đáng kể tới nhân khẩu học, đi kèm với những hệ lụy xã hội và chính trị.

Trong thập niên tới, 1/3 mức tăng dân số của Ấn Độ đến từ hai bang phía bắc là Bihar và Uttar Pradesh. Bihar - bang duy nhất phụ nữ thường có nhiều hơn ba con - dự kiến không đạt được mức ổn định dân số (2,1 trẻ em/phụ nữ) cho đến năm 2039. Kerala - bang tiến bộ nhất Ấn Độ - đạt được con số đó vào năm 1998.

Thế khó của quốc gia sắp trở thành nước đông dân nhất thế giới

Hiện tại, phụ nữ Ấn Độ trung bình có hơn 2 người con, so với con số hơn 6 vào những năm 1950. Ảnh: Reuters.

Tại khu vực Kishanganj của Bihar - nơi có tỷ lệ sinh cao nhất Ấn Độ, phụ nữ cho biết gần đây họ mới bắt đầu biết về lợi ích khi sinh ít con. Mong muốn có con trai vẫn là nguyên nhân chính khiến họ đẻ nhiều con.

Phullo Devi - 55 tuổi, bị mù chữ và có 6 đứa con trước khi quyết định triệt sản - ước mình đã làm khác đi. “Nếu tôi có ít con hơn, tôi đã có thể nuôi dạy và giáo dục chúng tốt hơn”, bà nói.

Bà Devi cho biết trong làng đang chứng kiến sự thay đổi. “Các nhân viên y tế vận động từng nhà và nói về các biện pháp tránh thai. Tôi muốn các con mình sinh ít con để chúng không phải sống trong cảnh nghèo khó”, bà nói.

Tại Uttar Pradesh - bang đông dân nhất Ấn Độ, chính quyền đề xuất một số biện pháp kiểm soát dân số, bao gồm cắt quyền lợi với người có nhiều hơn 2 con.

Anh Chaitu đã thắt ống dẫn tinh sau khi sinh đứa con cuối cùng. Anh và vợ Shajahan - một trong những đối tượng nghèo nhất Ấn Độ - phải vật lộn để nuổi 9 đứa con trong độ tuổi 6 tháng đến 14 tuổi.

Anh Chaitu làm công ăn lương theo ngày và kiếm được chưa tới 6 USD/ngày. Có lúc anh không kiếm được đồng nào.

“Chăm sóc 9 đứa trẻ không hề dễ dàng. Tôi thậm chí không thể đi bất cứ đâu. Tôi dậy từ lúc 4h và ngủ lúc 22h. Cả ngày tôi chỉ làm việc và chăm sóc chúng”, vợ anh nói.

Về quyết định thắt ống dẫn tinh, anh Chaitu cho biết: “Tôi không muốn có thêm con nữa. Tôi chỉ muốn kiếm tiền và con cái, gia đình và bản thân tôi có cuộc sống hạnh phúc”.

Đừng để lợi tức biến thành thảm họa

Ngày càng nhiều người trẻ là thách thức lớn về nhân khẩu học tại Ấn Độ, đặc biệt ở các bang nghèo hơn tại phía bắc. Độ tuổi trung bình ở Ấn Độ là 29, và nước này phải vật lộn với lượng lớn dân số trẻ tham vọng.

Tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng, mặc dù Ấn Độ tập trung tạo thêm việc làm. Giới quan sức cho biết hỗ trợ lượng lớn dân số là điều không dễ dàng, khi cần đảm bảo thức ăn, nước uống và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Vishu Yadav - 25 tuổi, đến từ quận Ghazipur ở Uttar Pradesh - có bằng thạc sĩ và vượt qua bài kiểm tra tư cách giáo viên, nhưng vẫn thất nghiệp. Hơn một triệu người đang ứng tuyển làm công chức tại bang.

“Thật chán nản và vô vọng. Tôi đủ điều kiện để trở thành giáo viên, nhưng không có việc cho tôi làm. Có quá nhiều người có trình độ và không đủ việc làm”, anh nói.

Trong khi đó, với một số bang ở miền Nam, một thách thức khác hiện hữu trước mắt nhưng ít khi được đề cập tới. Trong 15 năm tới, trung bình một người đàn ông ở bang miền Nam Tamil Nadu sẽ lớn hơn 12 tuổi so với người ở Bihar.

“Miền Nam sẽ sớm đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số già”, Aparajita Chattopadhyay - giáo sư tại Viện Khoa học Dân số Quốc tế - cho biết.

Ông cho hay Ấn Độ sẽ sớm có 10% dân số đang già đi. “Đây là con số khổng lồ. Điều này đặt ra vấn đề về việc làm, an sinh xã hội, nhưng trên hết là chăm sóc sức khỏe”, ông nói thêm.

Thế khó của quốc gia sắp trở thành nước đông dân nhất thế giới

Một thách thức đặc biệt về nhân khẩu học phổ biến trên khắp Ấn Độ, nhưng đặc biệt tập trung ở các bang miền Bắc nghèo hơn, là “sự phình ra” của nhóm trẻ. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, khi dân số bùng nổ, các thành phố tại Ấn Độ đứng trước nguy cơ gồng gánh và trở nên quá tải, không đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Dẫu vậy, bất chấp dân số phía bắc tiếp tục phình lớn trong vài năm tới, nhìn tổng thể, Ấn Độ sẽ chứng kiến mức sinh giảm và cuối cùng là ổn định dân số.

Mức sinh giảm bao nhiêu vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi. Không giống phương Tây, lý do tỷ lệ sinh ở Ấn Độ giảm không phải do sự thay đổi trong cấu trúc gia đình hoặc hôn nhân, như phụ nữ chọn kết hôn và sinh con muộn hơn, hoặc không sinh con.

Thay vào đó, hiện tại, kỳ vọng làm mẹ của phụ nữ Ấn Độ hầu như không thay đổi: Phần lớn kết hôn ở độ tuổi 20, có 2 con khi còn khá trẻ và sau đó thường chọn triệt sản.

Khi Ấn Độ phát triển và phụ nữ được giáo dục và tham gia lực lượng lao động, các chuyên gia cho rằng tiêu chuẩn sinh sản sẽ tiếp tục thay đổi. Ngoài ra, theo Poonam Muttreja - giám đốc điều hành Tổ chức Dân số Ấn Độ, vẫn còn thời gian để tận dụng tiềm năng từ lực lượng dân số trẻ.

“Ấn Độ có cơ hội tuyệt vời trong khoảng 2 thập niên tới. Chúng ta có thể khai thác tiềm năng dân số trẻ nhưng cần đầu tư ngay vào giáo dục, sức khỏe và sức khỏe tình dục cho thanh thiếu niên nếu chúng ta muốn gặt hái lợi ích”, bà nói. “Nếu không, lợi tức nhân khẩu học có thể biến thảm họa nhân khẩu học”.

Theo Zing

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.