Thị trường vũ khí phòng thủ chủ động sẽ tăng mạnh trong tương lai gần

Theo báo cáo mới nhất của Tạp chí Army Guide, thị trường dành cho các tổ hợp vũ khí phòng thủ chủ động (APS) sẽ tăng mạnh trong thời gian sắp tới và đạt mức tăng trưởng tới 4,15 tỷ USD cho tới năm 2022. Việc nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm tới việc trang bị APS cho lực lượng vũ trang liên quan tới sự gia tăng của các cuộc xung đột vũ trang, khủng bố trên thế giới.

Tạp chí Army Guide đánh giá, mức tăng trưởng đáng kể của các tổ hợp APS chủ yếu ở phân khúc trang bị lục quân. Trong giai đoạn 2016-2022, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là các quốc gia quan tâm đặc biệt tới các tổ hợp APS để trang bị cho các đơn vị tăng thiết giáp quy mô của mình. Điểm đáng chú ý nhất cho xu hướng này là việc Nga và Ấn Độ vừa đạt được thỏa thuận cung cấp thêm 464 xe tăng T-90 mới và nhu cầu trang bị tổ hợp APS cho các đơn vị xe tăng mới này là rất lớn.

Tổ hợp APS Arena trang bị trên xe tăng Nga.

Tổ hợp APS Trophy Israel phát triển trang bị trên xe tăng Merkava Mk. iV.

Theo Tạp chí Army Guide, nhu cầu về việc trang bị các tổ hợp vũ khí APS mới tăng phần lớn là việc tăng ngân sách quốc phòng của các quốc gia phát triển và Mỹ. Những kinh nghiệm chiến trường thực tiễn tại Trung Đông đã cho thấy rõ sự nguy hiểm của các loại vũ khí chống tăng cá nhân và việc trang bị APS trên các phương tiện tăng-thiết giáp hiện đại là cực kỳ cần thiết.

Tạp chí Army Guide dự đoán, trong giai đoạn 2016-2022, các hãng chế tạo Mỹ sẽ mạnh tay để chiếm ngôi đầu trong danh sách các nhà cung cấp APS trên thế giới và Ấn Độ sẽ là thị trường có nhu cầu lớn nhất đối với các tổ hợp vũ khí phòng thủ loại này.

Hiện tại, công nghệ APS đang được nhiều tổ chức và quốc gia phát triển, nhưng đạt được những thành tựu chú ý là Rheinmetall AG (Đức), Saab AB (Thụy Điển), Raytheon Company (Mỹ), Israel Military Industries và Rafael Advanced Defense Systems (Israel) và Nga.

Theo TUẤN SƠN/QĐND Online

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói