Chiếc máy bay ném bom lớn nhất, máy bay ném bom hạng nặng nhất và máy bay ném bom có tốc độ nhanh nhất từng được chế tạo. Tất cả đều là biệt danh của “Thiên nga trắng” Tu-160 (NATO gọi là Blackjack, hay Dùi cui), chiếc máy bay ném bom huyền thoại do Liên Xô thiết kế.
Thiên nga trắng Tu-160. Ảnh: Sputnik |
Thiên nga trắng dội “cái chết đen” xuống đầu kẻ thù
Tu-160 được gọi là Thiên nga trắng là vì lớp sơn trắng đặc trưng của nó. Bề ngoài trông Tu-160 có vẻ giống như chiếc Rockwell B-1 Lancer của Mỹ. Cả 2 đều là loại máy bay cánh cụp cánh xòe và đều có tốc độ siêu thanh. Tuy nhiên, sự tương đồng chỉ dừng lại ở đó.
B-1B Lancer nhỏ hơn một chút và là chiếc máy bay ném bom theo phong cách cổ điển. Mặt khác, Tu-160 lại được sử dụng như một nền tảng vũ khí đa năng hơn, có thể phóng tên lửa từ cửa khoang chứa bom trong khi vẫn di chuyển với tốc độ Mach 2+ một cách an toàn.
Nếu như B-1 sơn màu đen để phục vụ cho việc hấp thụ sóng radar thì Tu-160 lại được sơn màu trắng để chống lại các tia phóng xạ phát ra khi một vụ nổ hạt nhân xảy ra ở gần.
Tổng thống Nga Putin trong khoang lái Tu-160. Ảnh: Wikipedia |
Thiên nga trắng Tu-160 có khả năng reo rắc kinh hoàng cho đối thủ nhờ khả năng dội bom và phóng tên lửa cực mạnh.
Tu-160 có thể trang bị tất cả các loại bom hạt nhân và truyền thống như: bom xuyên giáp, xuyên phá boongke, bom chùm, thủy lôi với tổng khối lượng lên tới 40 tấn. Ngoài ra, Tu-160 còn được trang bị thêm 6 tên lửa hành trình Raduga Kh-55SM/101/102/55 và 12 tên lửa hạt nhân tầm ngắn AS-16 Kickback.
Trong chiến dịch không kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, Tu-160 đã phóng tên lửa hành trình Kh-555 có tầm bắn 2.000-3.500km với bán kính lệch mục tiêu chỉ 30m. Ngoài ra, Tu-160 còn có thể mang tên lửa hành trình Kh-101 (mang đầu đạn thông thường) và Kh-102 (đầu đạn hạt nhân) có tầm phóng 4.500-5.000km hoặc tên lửa không đối đất siêu tốc Kh-15 (mang đầu đạn 150kg, tầm bắn 300km với tốc độ bay Mach 5).
Kiểu cánh cụp cánh xòe của Tu-160 đã không còn thịnh hành nữa, những nó vẫn có những lợi thế riêng (có thể xem F-14 Tomcat như một ví dụ điển hình về dòng cánh cụp cánh xòe). Với những chuyến bay tốc độ thấp, hay lúc cất cánh, hạ cánh; kiểu cánh thẳng sẽ có lực nâng tốt hơn. Tuy nhiên, khi bay ở tốc độ cao, đặc biệt là tốc độ siêu thanh, kiểu cánh cẳng sẽ gây ra những lực kéo không cần thiết. Do đó, phần cánh của Tu-160 được thiết kế linh động: xòe rộng khi bay với tốc độ thấp và có thể thu gọn lại khi cần phải di chuyển với tốc độ siêu thanh.
Thiết kế cũ, sức sống mới
Mặc dù không có những thiếu sót cố hữu nghiêm trọng nào trong thiết kế của Tu-160, nhưng một trong những nhược điểm lớn nhất của nó là không có khả năng tàng hình.
Dù vậy, tàng hình lại là một điều khó khăn và đắt đỏ. Chiếc máy bay duy nhất có khả năng tàng hình của Nga là Su-57, nhưng nó lại gặp phải không ít vấn đề và khó có khả năng sớm đưa vào sản xuất hàng loạt vì nhiều lý do. Trong bối cảnh như vậy, việc nâng cấp những thiết kế hiện có lại là một lựa chọn phù hợp, đặc biệt là với Tu-160.
Tu-160M2 là phiên bản nâng cấp mới nhất của Tu-160, đã trải qua chuyến bay thử nghiệm đầu tiên kéo dài 34 phút hôm 2/2/2020. Tu-160M2 dự kiến bắt đầu phục vụ trong Không quân Nga vào năm 2021.
Tu-160M2 được trang bị hệ thống điện tử hoàn toàn mới, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại như máy tính module cho phép nâng cấp và sửa chữa cực nhanh khi cần thiết. Phiên bản Tu-160M2 có 2 khoang chứa vũ khí trong thân, mang được 40 tấn bom và tên lửa hành trình tầm xa với tầm bắn tối đa tới 5.500 km.
Hồi tháng 2/2020, truyền thông Nga dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, Tu-160 có thể sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh tối tân Kh-47M2 Kinzhal.
Tuy nhiên vẫn chưa rõ liệu tên lửa Kinzhal có phù hợp với tất cả các máy bay ném bom Tu-160 hay không hay chỉ trên phiên bản mới nâng cấp Tu-160M2.
Tên lửa Kinzhal là vũ khí hàng đầu của Nga, có khả năng đạt tốc độ Mach 10 và xuyên thủng hệ thống phòng không của kẻ thù./.
TU-160 có chiều dài 54,10m, và sải cách khi xòe hết cỡ là 55,7m và khi cụp hết cỡ là 35,6m. Tu-160 được trang bị 4 động cơ cánh quạt phản lực Samara NK-321 với lực đẩy mỗi động cơ lên đến 137,3kN.
Động cơ đẩy cực mạnh giúp chiếc máy bay nặng 110 tấn này có thể mang theo tối đa 150 tấn hàng hóa và đạt tốc độ Mach 2,05 (tương đương 2.220km) ở độ cao 12.200m.
Oanh tạc cơ này có tầm hoạt động trung bình là 7.300 km và tối đa là 12.300 km nếu được tiếp nhiên liệu một lần trên không.
Một kíp lái Tu-160 bao gồm 4 người: cơ chính, cơ phó, người phụ trách ném bom và người phụ trách hệ thống phòng vệ máy bay.