Thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT: Bệnh viện quá tải!

(Baohatinh.vn) - Sau 3 tháng áp dụng việc thông tuyến khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT), bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng đặt ra thách thức đối với các cơ sở KCB tuyến huyện, một số bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.

Tại Khoa Nội Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn, do quá tải nên tình trạng bệnh nhân nằm ghép diễn ra khá phổ biến.

Tại Khoa Nội Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn, do quá tải nên tình trạng bệnh nhân nằm ghép diễn ra khá phổ biến.

Ông Nguyễn Đại Chiến - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Hà Tĩnh) cho biết: “Theo quy định mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, từ 1/1/2016, người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh đều được coi là đúng tuyến. Quy định này tạo cơ hội cho người có thẻ BHYT, nhưng cũng đặt ra thách thức đối với các cơ sở KCB tuyến huyện. Bởi trên thực tế, không phải bệnh viện nào cũng được đầu tư đúng mức về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo chất lượng KCB mà người dân trên địa bàn đó mong muốn”.

Mặc dù đã gần hết giờ làm việc buổi sáng, nhưng phòng tiếp nhận bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh vẫn đông người chờ KCB. Chị Nguyễn Thị Vân (xã Thạch Hải, Thạch Hà) cho biết: “Con gái chị có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh ban đầu ở trạm y tế xã, nhưng từ khi thông tuyến, chị đưa con đến Bệnh viện Đa khoa thành phố do điều kiện KCB ở đây tốt hơn”.

Lâu nay, Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh không chỉ là nơi KCB của riêng người dân thành phố. Đặc biệt, từ ngày quy định thông tuyến KCB BHYT được áp dụng, số lượng bệnh nhân càng tăng cao khiến bệnh viện trở nên quá tải.

Bác sỹ Trần Nguyên Phú - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh cho hay: “Bệnh viện được giao chỉ tiêu 100 giường bệnh. Trước đây, công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch luôn cao gấp 2,5 lần, từ ngày áp dụng thông tuyến KCB, tăng gấp 3 lần; số lượng bệnh nhân đến khám cũng tăng từ 600-700 người mỗi ngày. Để đáp ứng nhu cầu người bệnh, ngoài ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết nhanh các thủ tục, đơn vị còn đầu tư các trang thiết bị hiện đại, thay đổi phong cách, thái độ phục vụ. Tuy nhiên, với năng lực như hiện nay, nếu bệnh nhân tiếp tục tăng thì rất khó để nâng cao hơn nữa chất lượng KCB”.

Tại Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà, thời gian qua, số lượng bệnh nhân cũng quá tải so với giường bệnh kế hoạch. Bác sỹ Võ Viết Quang - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lộc Hà cho biết: “Bệnh viện thường xuyên điều trị nội trú cho khoảng 120-130 bệnh nhân/100 giường bệnh. Trong khi đó, về nhân lực, theo quy định, bệnh viện còn thiếu 26 cán bộ (10 bác sỹ; điều dưỡng và chức danh khác 16 người). Từ khi áp dụng thông tuyến KCB, nhu cầu KCB của người dân ngày càng tăng. Hiện, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 180 bệnh nhân”.

Quy định áp dụng thông tuyến KCB đã mang lại điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi cũng còn nhiều lo ngại về tình trạng “nước chảy chỗ trũng”, một số bệnh viện quá tải trong khi số khác lại vắng vẻ, đìu hiu.

Ông Nguyễn Đại Chiến cho rằng: Để hạn chế tình trạng quá tải, các bệnh viện cần nâng cao chất lượng KCB, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. Trong đó, nâng cao chất lượng đội ngũ, trang thiết bị, tinh thần, thái độ phục vụ là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Ông Chiến cũng bày tỏ lo lắng: “Một khó khăn nữa là việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay ở các bệnh viện chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu về quản lý người bệnh. Rất có thể, người bệnh có BHYT lợi dụng việc thông tuyến KCB để chạy “sô” khám 2-3 nơi trong một ngày, gây lãng phí hoặc trục lợi từ việc làm các xét nghiệm cận lâm sàng và cấp phát thuốc”.

Cùng quan điểm với ông Chiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà cũng cho rằng, thời gian tới, cơ quan BHYT cần phải ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý toàn diện bệnh nhân BHYT. Khi đó, dù bệnh nhân khám ở bất kỳ cơ sở y tế nào trong toàn tỉnh đều được hệ thống quản lý phát hiện. Chính vì vậy, tỉnh cần sớm thực hiện triển khai phần mềm liên thông ở các bệnh viện tuyến huyện”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast