Thủ tướng: Chống hình thức, phô trương trong tiến trình chuyển đổi số

Thủ tướng nêu rõ triển khai hiệu quả chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; làm thay đổi căn bản phương thức quản lý hành chính nhà nước.

Thủ tướng: Chống hình thức, phô trương trong tiến trình chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Sáng 27/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban.

Cùng tham dự phiên họp tại trụ sở Chính phủ có lãnh đạo nhiều bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành báo cáo tình hình triển khai chuyển đổi số quý I năm 2022 do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng trình bày.

Các đại biểu đã thông tin về tình hình triển khai chuyển đổi số ở bộ, ngành, địa phương, đơn vị và đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu kết luận.

Chuyển biến nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số

Thay mặt Ban Chỉ đạo Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng nhấn mạnh quá trình chuyển đổi số hết sức quan trọng, do đó việc thực hiện đòi hỏi một quyết tâm cao, quyết liệt, không hình thức, phải cho ra được sản phẩm cụ thể.

Thủ tướng đánh giá cao sự tham gia của các thành viên Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và các ý kiến đóng góp ngắn gọn, tâm huyết tại phiên họp, đồng thời biểu dương Bộ Thông tin và Truyền thông đã có một bản báo cáo rất sát với tình hình, chất lượng, ngắn gọn, bao quát được công việc.

Thủ tướng ghi nhận nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành bước đầu có chuyển biến. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định về chuyển đổi số, trong đó có phê duyệt Ngày 10/10 hàng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia.

Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số được đẩy mạnh triển khai. Bộ Công an đã tích cực, phối hợp với các bộ, ngành triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư; từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số (kết nối với 8 bộ, ngành để bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, bao gồm trên 17 triệu thông tin bảo hiểm xã hội; gần 78 triệu thông tin công dân với trên 133 triệu mũi vaccine tiêm chủng; trên 570 nghìn thông tin dữ liệu về cán bộ, giáo viên; triển khai thí điểm chip điện tử gắn trên thẻ Căn cước công dân; cấp trên 7 triệu số định danh cho trẻ em đăng ký khai sinh; thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh...

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai đang được tích cực triển khai; bước đầu thí điểm chia sẻ thông tin dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, mang lại hiệu quả tích cực.

Đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế ngày càng tăng. Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu kinh tế số quý 1/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tăng 500 doanh nghiệp so với năm 2021.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tiếp tục được triển khai tích cực, có hiệu quả. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm, quý 1/2022 đã bồi dưỡng, tập huấn được gần 1.000 cán bộ, công chức và mục tiêu đến tháng 10/2022 sẽ bồi dưỡng, tập huấn được cho 10.000 cán bộ, công chức về chuyển đổi số.

Xã hội số, với trọng tâm là công dân số, được chú trọng phát triển. Một số ứng dụng Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu của người dùng Việt Nam, được đông đảo người dân sử dụng.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và người dân đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số đã đề ra, thu được nhiều kết quả tích cực.

Cương quyết loại bỏ chủ nghĩa hình thức

Bên cạnh những mặt đã đạt được, Thủ tướng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác chuyển đổi số. Theo đó, một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị nhận thức chưa toàn diện, còn hình thức trong chuyển đổi số. Từ đây, Thủ tướng yêu cầu cương quyết loại bỏ chủ nghĩa hình thức, phô trương trong quá trình chuyển đổi số.

Thủ tướng: Chống hình thức, phô trương trong tiến trình chuyển đổi số

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban chủ trì phiên họp thứ hai của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhằm đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quý I. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Thủ tướng cũng chỉ ra công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách còn chậm, thiếu sự phối hợp; việc đưa chủ trương, chính sách vào cuộc sống, đến người dân, doanh nghiệp còn một khoảng trễ, tổ chức thực thi ở cấp cơ sở còn thiếu quyết liệt.

Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, hiệu quả sử dụng còn hạn chế; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (gần 54%) và hồ sơ xử lý trực tuyến còn thấp (khoảng 9,4%); chưa hình thành được hệ sinh thái công dân số dẫn đến người dân vẫn chưa được thụ hưởng nhiều tiện ích quan trọng mang lại như y tế, giáo dục, bảo hiểm, ngân hàng, giao thông… giúp mọi người bình đẳng về cơ hội phát triển…

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, tạo thuận lợi cho người dân

Nhấn mạnh tình hình mới có nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng cho rằng để thực hiện được các mục tiêu đề ra, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.

Về quan điểm, Thủ tướng yêu cầu, hằng tháng, hằng quý, cần có sản phẩm cụ thể, có thể cân đong, đo đếm được.

Các bộ, ngành, địa phương phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được thời gian qua, tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong công tác xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực chuyển đổi số ; người dân, doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải phát huy tính chủ động, sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, sự tham gia xây dựng và phát triển của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nhiều dịch vụ, tiện ích. Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; nói phải đi đôi với làm và phải có hiệu quả, sản phẩm cụ thể. Coi triển khai hiệu quả chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; làm thay đổi căn bản phương thức quản lý hành chính nhà nước.

Sử dụng tài nguyên thông tin, dữ liệu thiết thực, hiệu quả; có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ thực hiện phát triển Chính phủ số mà còn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đi đôi với phân bổ nguồn lực, giám sát, kiểm tra, khen thưởng, động viên và kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; khuyến khích bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Về nhiệm vụ trọng tâm quý 2 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Kế hoạch năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành liên quan. Cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất thành lập Văn phòng Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số trên cơ sở kiện toàn Tổ công tác giúp việc Ủy ban theo hướng kiêm nhiệm, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và xã hội, không làm tăng thêm đầu mối về tổ chức, bộ máy, biên chế; hoàn thành đánh giá, công bố chính thức danh sách các nền tảng số đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…

Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo ý kiến thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và an ninh, Quốc hội khóa XV, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Chính phủ ban hành; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử, trình Chính phủ ban hành trong tháng 5 năm 2022; tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

Văn phòng Chính phủ tập trung kiểm tra, đôn đốc các công việc của Ủy ban Quốc gia; tập trung xây dựng, phát triển, đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo thời gian thực, có các công cụ phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai hiệu quả Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia .

Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng chấp nhận thanh toán viện phí, thanh toán các khoản chi phí khám chữa bệnh theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở đào tạo sẵn sàng chấp nhận thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh triển khai mô hình “Giáo dục đại học số,” hoàn thành Đề án thí điểm trong quý 2/2022.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các địa phương, thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số, tăng tỷ trọng doanh thu thương mại trong tổng mức bán lẻ đạt mục tiêu tối thiểu 7% đã đặt ra.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hình thành cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, quản lý cơ sở chăn nuôi; cấp, quản lý mã số vùng trồng, hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp.

Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phương án đổi tên đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin của các bộ, cơ quan ngang bộ thành đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số, bảo đảm phù hợp với định hướng cải cách hành chính tinh gọn bộ máy.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương báo cáo Ủy ban về tổng thể tình hình các dự án đầu tư công lĩnh vực công nghệ thông tin; hoàn thành triển khai hệ thống phục vụ thống kê, theo dõi dự án đầu tư công cho chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công cho chuyển đổi số trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước ở doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan chủ quản thí điểm thực hiện công tác giám sát phục vụ quản lý nhà nước đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bằng việc kết nối trực tuyến các hệ thống thông tin của mình với các hệ thống thông tin đo lường, giám sát của cơ quan chủ quản.

Các bộ, ngành, địa phương ban hành hoặc cập nhật kế hoạch hành động đến năm 2025 của cấp chính quyền với đầy đủ 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, phù hợp với các chiến lược quốc gia…

Thủ tướng nhất trí chủ trương huy động chuyên gia, hợp tác quốc tế chuyển đổi số cho cơ quan nhà nước, giao Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất, đưa vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, hướng dẫn thực hiện và kiểm tra, giám sát; giao các bộ, ngành, địa phương chủ động bố trí từ nguồn dự toán ngân sách nhà nước được giao hằng năm để thuê các chuyên gia triển khai các hoạt động chuyển đổi số mà cơ quan nhà nước rất thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Các bộ, ngành tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực; tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và người dân.

Theo Việt Đức (Vietnam+)

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.