Thủ tướng: Không ngồi nhà chờ báo cáo

Kết luận phần thảo luận kinh tế-xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017, nhấn mạnh tinh thần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, hành động quyết liệt, cụ thể, sát thực tiễn, Thủ tướng nêu rõ: “Không ngồi nhà chờ báo cáo”.

thu tuong khong ngoi nha cho bao cao

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 24 vừa ban hành ngày 2/6. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trong 5 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tháng 5 là tháng có kết quả tốt nhất. Xuất khẩu tăng nhanh (tăng 17,4% so với cùng kỳ). Giá cả ổn định. Nguồn vốn FDI tăng nhanh. Du lịch, dịch vụ tăng khá. Mặc dù vậy, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức.

Để thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng đã ký Chỉ thị số 24 vào ngày 2/6 và “hôm nay (3/6), chúng ta thống nhất thực hiện quyết liệt các giải pháp để phấn đấu đạt tăng trưởng 6,7%”. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 24, kể cả các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát và các chỉ tiêu khác mà Trung ương, Quốc hội đã giao.

Trong các nhiệm vụ giải pháp đã nêu tại Chỉ thị 24, Thủ tướng nhấn mạnh việc rà soát lại 31 mặt hàng, sản phẩm để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trực tiếp là Tổng cục Thống kê thường xuyên báo cáo việc thực hiện các chỉ tiêu để Chính phủ theo dõi, tháo gỡ nếu gặp khó khăn, có nguy cơ không đạt.

Tại phiên họp, Thủ tướng cũng chỉ đạo, nói rõ thêm một số việc cụ thể đối với các bộ, ngành. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước bên cạnh bảo đảm tăng trưởng tín dụng vượt kế hoạch (18%) với cơ cấu hợp lý thì cần xem xét, nghiên cứu việc huy động phù hợp nguồn vốn vàng, ngoại tệ trong dân.

Giá điện, nước, giáo dục, y tế… có thể xem xét thực hiện theo lộ trình nhưng cần tính toán liều lượng, thời điểm phù hợp. Không thể chủ quan trong điều hành giá mà phải tính toán khoa học, hợp lý, vừa không gây lạm phát, vừa phục vụ tăng trưởng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra chặt chẽ tình hình phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công 2017 và 5 năm. Không để tình trạng chậm giao bất cứ khoản nào, kể cả các chương trình mục tiêu có liên quan. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về đầu tư công.

Theo dõi sát, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. “Các ngành coi việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị của mình”, Thủ tướng nhấn mạnh, “chứ không phải quản lý vĩ mô mà thoát ly thực tế”.

thu tuong khong ngoi nha cho bao cao

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bộ Tài chính nghiên cứu các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, phí... để giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các dự án đầu tư tư nhân và FDI tại các địa phương, nhất là địa bàn thu hút nhiều dự án; đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân để thúc đẩy tăng trưởng. “Đi kiểm tra thì phải đổi mới chứ không phải kiểm tra làm phức tạp tình hình. Đây là thúc đẩy, tháo gỡ chứ không phải kiểm tra kiểu hành chính. Vướng mắc cái gì thì tháo gỡ cho người ta chứ không phải tới đây để nói ông làm thế này, thế khác”, Thủ tướng lưu ý.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng về tăng cường chỉ đạo kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Thủ tướng biết từng Cục trưởng, Vụ trưởng

Về việc cấp phép tác phẩm vừa qua, Thủ tướng cho rằng đây là một bài học đối với ngành văn hóa. “Tôi đã điện cho anh Nguyễn Ngọc Thiện (Bộ trưởng Bộ VHTT&DL) cho thôi giữ chức đối với ông Cục trưởng”. Thủ tướng hoan nghênh Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã xử lý nghiêm trong vấn đề này.

“Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đều biết hết từng đồng chí Cục trưởng, Vụ trưởng chứ không phải chỉ biết đến cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng đâu”, Thủ tướng nói.

Về vấn đề môi trường, vừa qua vẫn xảy ra một số trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, kiểm tra, chủ động xử lý.

Với tinh thần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, chuyên nghiệp, hành động quyết liệt với phương pháp, cách làm cụ thể, sát thực tiễn, Thủ tướng nêu rõ: "Không ngồi nhà chờ báo cáo”. Các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.

Các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành chỉ đạo triển khai nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết không để lợi ích nhóm, nhũng nhiễu, quan liêu, tiêu cực.

thu tuong khong ngoi nha cho bao cao

Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm đối với vụ việc chết người khi chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình.

Bộ Thông tin và Truyền Thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, nhất là trong trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Tại phiên họp, Thủ tướng lưu ý Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh về vấn đề tái chiếm vỉa hè, lòng đường mà báo chí đã phản ánh, nhấn mạnh tinh thần xử lý kiên quyết, liên tục, không để tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.

Về phục vụ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ khi nhận được chất vấn của đại biểu Quốc hội thì cần khẩn trương nghiên cứu, trả lời sớm.

Theo chinhphu.vn

Đọc thêm

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025

Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, các loại khí, chất gây nghiện từ năm 2025.