Thủ tướng lần thứ hai đối thoại với doanh nghiệp cả nước

Hàng nghìn doanh nghiệp ở Hà Nội và các đầu cầu tại 63 tỉnh, thành sẽ đối thoại với Thủ tướng hôm nay (26/9) để tiếp tục tìm giải pháp gỡ khó khăn vì Covid-19.

Đây là lần thứ hai trong vòng hơn một tháng rưỡi qua, Thủ tướng đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước trong bối cảnh Chính phủ đã xác định sẽ sống chung với dịch Covid-19.

Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đơn vị đề xuất tổ chức hội nghị đối thoại trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp lần này, cho biết quyết tâm của Chính phủ là không để kinh tế suy giảm nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, chống dịch trong sản xuất kinh doanh và ổn định dân sinh.

Gần hai năm chống dịch, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ, các bộ ngành đưa ra nhằm vừa đảm bảo chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đầu tháng 9, Nghị quyết 105 hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh được Chính phủ ban hành với loạt điểm mới được các doanh nghiệp kỳ vọng tháo gỡ những khó khăn họ đang phải đối mặt, để thích ứng dần với tình hình dịch bệnh.

Điều này được thể hiện qua khảo sát của VCCI, trong đó 81,4% hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã đồng ý với nhận định các nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp một cách hiệu quả. Ngược lại, chỉ 3% không đồng ý.

Thủ tướng lần thứ hai đối thoại với doanh nghiệp cả nước

Thủ tướng trao đổi với đại diện các doanh nghiệp tại cuộc đối thoại ngày 8/8. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, trong báo cáo chuẩn bị hội nghị, Bộ Kế hoạch & Đầu tư dẫn phản ánh của các doanh nghiệp cho biết vẫn còn những nút thắt trong thực thi Nghị quyết 105, gây cản trở doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Chẳng hạn, việc thiếu thống nhất ở một số địa phương, thủ tục phức tạp, điều kiện đưa ra để tiếp cận chính sách chưa phù hợp thực tế nên tỷ lệ doanh nghiệp được hỗ trợ về thuế, tín dụng hay cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 105 còn thấp.

Nêu cụ thể hơn, khảo sát của VCCI về thực thi Nghị quyết này cho thấy, thủ tục hành chính vẫn là cản trở lớn với các doanh nghiệp trong dịch bệnh. Ở một số địa phương, việc di chuyển bị kiểm soát bởi giấy đi đường nhưng thủ tục xin cấp lại khá phức tạp. Doanh nghiệp muốn xin giấy đi đường cho lượng nhỏ lao động cũng bị cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp bảng lương của cả doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan chức năng cần tìm kiếm các giải pháp nhanh chóng, thuận tiện và giảm gánh nặng thủ tục hành chính.

Ngoài ra, trong thời gian dịch bệnh, tất cả cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương cần chấp thuận hồ sơ, văn bản scan, các hình thức gửi online trong giải quyết thủ tục hành chính.

Nghị quyết 105 của Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp được tự test Covid-19, tự chịu trách nhiệm nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa ban hành hướng dẫn về việc này. Chi phí xét nghiệm hiện là gánh nặng với doanh nghiệp nên việc được tự xét nghiệm giúp giảm đáng kể chi phí.

Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Bộ Y tế và các cơ sở y tế cần sớm ban hành hướng dẫn tổ chức xét nghiệm. Việc xét nghiệm nhanh chỉ nên thực hiện bằng chọn mẫu ngẫu nhiên với các nhóm có nguy cơ cao, tránh xét nghiệm toàn bộ quá thường xuyên, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng đề nghị đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động để cho phép họ quay lại làm việc khi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine. Đồng thời, cho phép cơ chế tiêm phòng vaccine dịch vụ để doanh nghiệp chủ động trong phòng, chống dịch bệnh...

Về lưu thông hàng hoá , doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất chung với các bộ, ngành và địa phương, tránh tình trạng “cát cứ” mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau, gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp, làm tăng chi phí, giá thành. Chính phủ giám sát để không địa phương nào được phép ban hành thêm quy định riêng. Còn các địa phương thường xuyên nắm bắt phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời xử lý bất cập trong thực thi chính sách.

Về dòng tiền , trước khó khăn hiện tại, doanh nghiệp đề nghị ngành ngân hàng cho phép được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả, miễn giảm phí, không phạt trả chậm, giữ nguyên nhóm nợ với khách hàng bị ảnh hưởng để họ có thêm thời gian trả, khắc phục nợ xấu.

Các doanh nghiệp cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành các gói vay lãi suất 0% hoặc rất thấp trong thời hạn 3-6 tháng để hỗ trợ họ trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế. Mở rộng diện xem xét vay tín chấp với các doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm cũng cần tính đến vì đây là khó khăn chính về thủ tục của các cơ sở kinh doanh khi tiếp cận tín dụng.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhắc tới mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp lúc này là cần một hướng dẫn chi tiết các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới . Kế hoạch mở cửa, phục hồi kinh tế cần được Chính phủ phác thảo rõ, để doanh nghiệp chủ động phương án sản xuất, kinh doanh. Điều này phù hợp với bối cảnh khi Chính phủ đã xác định sống chung với Covid-19, thay vì mục tiêu “zero Covid-19” trước đây.

Dự kiến, chương trình phục hồi kinh tế bền vững tới năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, sẽ được Bộ Kế hoạch & Đầu tư hoàn thiện, trình Chính phủ trong tháng 10 tới.

Trước mắt, Bộ này kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp thu kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có thể sản xuất kinh doanh sớm nhất.

Còn các địa phương xây dựng, công bố kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa, cũng như cùng doanh nghiệp thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch và điều kiện thực tế; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy.

Đợt dịch thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là các địa phương phía Nam.

Theo số liệu kinh tế - xã hội tháng 8 do Tổng cục Thống kê công bố, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Tính chung 8 tháng, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Trong số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, có 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 12.200 đơn vị hoàn tất thủ tục giải thể. Như vậy, bình quân mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, các chỉ tiêu về số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký, số lao động trong tháng 8 đều giảm mạnh so cùng kỳ năm 2020.

Theo Anh Minh/VNE

Đọc thêm

Thủ tướng giao 2 tập đoàn làm chủ đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân

Thủ tướng giao 2 tập đoàn làm chủ đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân

Với yêu cầu phấn đấu hoàn thành dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trước 31/12/2030, Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra, động viên sản xuất đầu xuân

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra, động viên sản xuất đầu xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Hồng Lĩnh, Trần Báu Hà đã đi kiểm tra sản xuất đầu năm và tham gia Tết trồng cây tại các huyện Đức Thọ, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, TX Hồng Lĩnh và TX Kỳ Anh.
Tinh gọn bộ máy hành chính: Hy sinh vì lợi ích chung, nhưng không thể thiếu sự công bằng

Tinh gọn bộ máy hành chính: Hy sinh vì lợi ích chung, nhưng không thể thiếu sự công bằng

Trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính, việc tinh gọn bộ máy, sáp nhập các cơ quan có chức năng tương đồng đang trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm nguồn lực và phục vụ nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi sự đồng thuận cao từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cũng như sự công bằng, minh bạch và hỗ trợ thiết thực từ phía Nhà nước.
Mùa xuân đầu tiên ở huyện mới Thạch Hà

Mùa xuân đầu tiên ở huyện mới Thạch Hà

Đón mùa xuân đầu tiên với đơn vị hành chính mới, mỗi người dân huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) càng thêm khí thế, quyết tâm xây dựng huyện nhà phát triển vững mạnh hơn.
Đảm bảo bình yên cho Nhân dân vui Tết, đón xuân

Đảm bảo bình yên cho Nhân dân vui Tết, đón xuân

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà đề nghị các đơn vị bố trí quân số, phương tiện máy móc, thiết bị, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, đảm bảo cho Nhân dân đón Tết vui tươi, đầm ấm, an toàn.
“Phố núi” Vũ Quang vào xuân

“Phố núi” Vũ Quang vào xuân

Những ngày này, các tuyến đường ở thị trấn Vũ Quang (Hà Tĩnh) rợp sắc đỏ của cờ hoa, tô thắm diện mạo cho “phố núi” vào dịp mừng Đảng, mừng xuân và hướng tới kỷ niệm 25 năm thành lập huyện.