Thủ tướng: Nỗ lực để có vắcxin phòng dịch COVID-19 ngay trong tháng 2

Chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vấn đề vắcxin đối với người dân lúc này là rất cấp bách. Ngành Y tế triển khai các biện pháp cần thiết để có nguồn vắcxin trong tháng 2.

Thủ tướng: Nỗ lực để có vắcxin phòng dịch COVID-19 ngay trong tháng 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 15/2 (tức Mồng 4 Tết Tân Sửu), trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống COVID-19.

Chỉ đạo cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vấn đề vắcxin đối với người dân lúc này là rất cấp bách. Ngành Y tế triển khai các biện pháp cần thiết để có nguồn vắcxin trong tháng 2.

Cần tiếp tục có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa

Thủ tướng đánh giá, dù cả hệ thống đã có rất nhiều cố gắng nhưng tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi tiếp tục có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa từ các cấp, các ngành.

Thủ tướng đánh giá trong thời gian từ 27/1 đến nay, với sự khẩn trương của ngành Y tế và các địa phương đã quyết liệt, triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch, tăng cường lực lượng và có những biện pháp giãn cách xã hội cần thiết.

Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, các địa phương đã có nhiều biện pháp hạn chế tập trung đông người, hạn chế bắn pháo hoa; có những biện pháp rất mạnh xét nghiệm trên diện rộng. Hàng ngàn cán bộ y tế được tăng cường đến các địa phương tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đánh giá cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực của Ban Chỉ đạo Quốc gia, ngành Y tế, các địa phương, nhất là những địa phương có dịch, tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng tình hình vẫn diễn ra rất phức tạp, một số ổ dịch chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là ở Hải Dương và một số ca mới xuất hiện ở Hà Nội gần đây. Việc thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương chưa được triển khai quyết liệt.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, xuất hiện nguy cơ có thể xảy ra lây nhiễm trong khu vực cách ly tại Hải Dương bởi tình hình dịch xảy ra nhanh trong phạm vi cộng đồng lớn. Bên cạnh đó, công tác điều hành cách ly tại Hải Dương vẫn chưa đảm bảo đúng quy định an toàn phòng, chống lây nhiễm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị cần bàn giao việc quản lý các khu cách ly cho lực lượng Quân đội quản lý để ngăn chặn triệt để hơn vấn đề lây nhiễm và đảm bảo ý thức tuân thủ quy định của người được cách ly.

Dừng các lễ hội, hoạt động tập trung đông người

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, dịch COVID-19 đợt 3 diễn biến nhanh, trong thời gian ngắn nhưng với sự chủ động của ngành Y tế và các địa phương đã triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp cần thiết phòng, chống dịch. Nhờ đó, đến nay, dịch COVID-19 ở các địa phương đã cơ bản được kiểm soát.

Đặc biệt, nhiều địa phương trong hơn 1 tuần qua không có ca mắc mới. Các trường hợp mắc mới đều đã được cách ly trước đó.

Thủ tướng: Nỗ lực để có vắcxin phòng dịch COVID-19 ngay trong tháng 2

Toàn cảnh buổi họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương các lực lượng phòng, chống dịch, đặc biệt là Bộ Y tế và các địa phương đã làm việc xuyên Tết không nghỉ. Thủ tướng nhắc đến những hình ảnh xúc động của cán bộ, nhân viên các lực lượng làm nhiệm vụ này, nhất là ngành Y tế, xung phong gác lại việc gia đình để ở lại tâm dịch làm nhiệm vụ, gây xúc động mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm nhất quán thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ mạnh mẽ hơn trên tinh thần khoanh vùng nhanh, xét nghiệm diện rộng, nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc. Ưu tiên kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan trên diện rộng, nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn có nhiều nguy cơ như Hải Dương, thành phố Hà Nội.

Để kiểm soát dứt điểm dịch bệnh, sớm ổn định đời sống và sản xuất, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là 20 tỉnh trong đó có 13 tỉnh xuất hiện dịch và 7 tỉnh có khu vực biên giới tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05 phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của địa phương mình một cách chặt chẽ kịp thời.

Thủ tướng đồng ý dừng các lễ hội, hoạt động tập trung đông người, xem xét việc đi học trở lại cụ thể tại các địa phương theo các hình thức học trực tuyến. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương thực hiện chủ trương này. Hạn chế đi chúc Tết, du Xuân trong tháng Giêng.

Đặc biệt thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, nhất là đeo khẩu trang nơi công cộng, không tụ tập đông người; thực hiện nghiêm yêu cầu phòng, chống dịch tại các nhà máy, công sở, xí nghiệp, cơ sở sản xuất. Các nhà máy, cơ sở phải có phương án phòng, chống dịch trước khi bắt đầu sản xuất, kinh doanh trở lại. Các địa phương, ngành Y tế tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm; thúc đẩy các hoạt động trực tuyến.

Thủ tướng chỉ đạo các địa phương xét nghiệm lại các chuyên gia vào Việt Nam; quản lý chặt chẽ hơn nữa các khu vực cách ly, phong tỏa; không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Thủ tướng giao lực lượng Quân đội đảm nhiệm quản lý tại các khu cách ly tập trung.

Hệ thống y tế bố trí nguồn lực cho việc chủ động xét nghiệm những người làm công việc có nguy cơ lây nhiễm cao, nhất là các bệnh viện. Các địa phương đang có dịch nhất là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương và một số địa phương khác cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, nhanh chóng dập dịch.

Thủ tướng đồng ý thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong toàn bộ tỉnh Hải Dương để ngăn chặn các ổ dịch. Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội có thể giãn cách một số khu vực có khả năng lây nhiễm cao, thậm chí trong một số khu phố có liên quan.

Thủ tướng yêu cầu khai báo y tế, siết chặt khai báo tại các cơ sở lưu trú; cần hoàn thiện quy trình chuẩn xử lý các ca nghi mắc. Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất các biện pháp chống dịch trong tình hình mới trong bối cảnh thế giới đang có mỗi ngày từ 5 - 10 triệu người được tiêm vắcxin.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường áp dụng các biện pháp về công nghệ thông tin để theo dõi, phòng ngừa COVID-19. Các lực lượng Quân đội, Công an sẵn sàng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát các đối tượng trong từng khu phố, thôn xóm; chuẩn bị phương án sẵn sàng cách ly lớn trong trường hợp xảy ra nghi nghiễm.

Các ngành Y tế, Công Thương đảm bảo đủ sinh phẩm xét nghiệm, phòng chống dịch. Ngành Y tế xây dựng cơ chế xét nghiệm theo nhu cầu, đồng chi trả để Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp. Các đơn vị công nghệ tiếp tục hoàn thiện công cụ khai báo y tế thuận lợi nhất cho người dân, các cơ quan, tổ chức dễ dàng thực hiện; xây dựng chế tài cần thiết để người dân cài đặt ứng dụng Bluezone trên cơ sở không lộ lọt thông tin cá nhân.

Đáng chú ý, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo nhập khẩu vắcxin, sớm đưa vắcxin về Việt Nam; thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu, sử dụng vắcxin trong nước.

“Nhập khẩu vắcxin phòng, chống COVID-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ,” Thủ tướng nói và yêu cầu trong tháng 2 phải có vắcxin từ nguồn của các tổ chức Liên Hợp quốc và nguồn mua; đồng thời đẩy mạnh sản xuất trong nước.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định cụ thể việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vắcxin nhập khẩu; phối hợp với Bộ Tài chính xem xét nguồn tài chính cần thiết. Bộ Y tế cần xác định đối tượng cần ưu tiên tiêm phòng vắcxin, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng đồng ý cho Bộ Y tế thực hiện Điều 26 Luật Đấu thầu; giao Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định sớm việc cung cấp vắcxin với các nguồn khác nhau; cần thiết báo cáo Thường trực Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu đảm bảo đủ nguồn lực, nhu yếu phẩm phục vụ người dân; đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, nông sản của người dân, không để ứ đọng. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm qua nhập cảnh trái phép.

Theo Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.
Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh lựa chọn sinh con ở độ tuổi sau 35. Điều này có thể kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả mẹ và con cũng như giảm chất lượng dân số.