Thủ tướng Thụy Điển thừa nhận sai lầm khi đánh giá thấp về dịch COVID-19

Trả lời báo chí địa phương, Thủ tướng Thụy Điển đã lên tiếng thừa nhận sai lầm, cho rằng các chuyên gia nước này đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.

Thủ tướng Thụy Điển thừa nhận sai lầm khi đánh giá thấp về dịch COVID-19

Một nhân viên thu thập các mẫu xét nghiệm COVID-19 chỉ đeo tấm nhựa che chất lỏng, không đeo khẩu trang ở Malmo, Thụy Điển tháng 11/2020 - Ảnh: Reuters

Vào thời điểm các quốc gia trên thế giới thực hiện các biện pháp cứng rắn như đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại để chống COVID-19 , Thụy Điển vẫn quyết định đi theo cách riêng của mình, họ vẫn mở cửa nhà hàng, quán bar, trường học… Tuy nhiên, chính cách thức này lại khiến cho Thụy Điển phải trả một cái giá đắt khi mà số ca lây nhiễm COVID-19 ngày càng tăng cao, hiện đã lên tới 348 nghìn. Mới nhất, trả lời báo chí địa phương, Thủ tướng Thụy Điển đã lên tiếng thừa nhận sai lầm, cho rằng các chuyên gia của nước này đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.

Các báo cáo chính thức mới nhất cho thấy, Thụy Điển đã thất bại trước COVID-19 với phương pháp mà họ đã áp dụng. Truyền hình Thụy Điển đưa tin, số người mắc COVID-19 phải nhập viện hôm thứ Ba vừa qua đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, tổng cộng là 2.389 bệnh nhân. Hiện nước này ghi nhận 7.667 ca tử vong vì COVID-19 trên tổng dân số là 10 triệu dân, cao hơn hẳn tỉ lệ của các nước láng giềng như Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch.

Thủ tướng Thụy Điển thừa nhận sai lầm khi đánh giá thấp về dịch COVID-19

Trong khi các nước châu Âu khác phong tỏa nghiêm ngặt, Thụy Điển dựa vào giãn cách xã hội tự nguyện - Ảnh: Reuters

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven nói: “Tôi nghĩ rằng hầu hết những chuyên gia đã không nhìn thấy và dự đoán được làn sóng dịch mạnh như vậy, họ mới chỉ nói về những ổ dịch nhỏ lẻ”.

Dịch COVID-19 bùng phát tại Thụy Điển kể từ tháng 1 với ca mắc đầu tiên là một người dân trở về từ Vũ Hán, thế nhưng suốt hơn 10 tháng, nước này vẫn quyết định không áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, mà chỉ dựa vào tinh thần tự giác, ý thức và trách nhiệm của người dân. Đến cuối tháng 11/2020, Thụy Điển mới siết chặt một số biện pháp chống dịch như hạn chế tụ tập và đóng cửa một số trường học. Trong khi các nước láng giềng bắt đầu phong tỏa lần 2, phần lớn hàng quán, phòng tập, phòng chiếu phim và trường học ở Thụy Điển vẫn tiếp tục hoạt động.

Đến giờ, Thụy Điển đã nhận được bài học đắt giá khi mà các bệnh viện đứng trước nguy cơ quá tải. Quan chức y tế Stockholm - cho biết, tại đây đã không còn đủ giường bệnh cấp cứu. Chính phủ Thụy Điển đang chịu sức ép phải mạnh tay hơn nữa để chống dịch. Và lần này, theo New York Times, nước này đang soạn một đạo luật khẩn cấp nhằm cho phép chính phủ yêu cầu phong tỏa và đóng cửa doanh nghiệp trong làn sóng dịch thứ hai.

Theo VTV

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.