Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Philippines

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống nước Cộng hòa Philippines Rodrigo Roa Duterte sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 28-29/9.

thuc day quan he doi tac chien luoc giua viet nam va philippines

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên và là chuyến công du nước ngoài thứ tư của Tổng thống Rodrigo Roa Duterte kể từ khi nhậm chức (30/6/2016).

Việt Nam và Philippines thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1976. Tháng 11/2002, hai nước đã ký "Khuôn khổ Hợp tác Song phương trong 25 năm đầu thế kỷ 21 và thời kỳ tiếp theo."

Quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Philippines phát triển tốt trên cơ sở tin cậy lẫn nhau. Tháng 10/2011, hai nước ký Chương trình Hành động giai đoạn 2011-2016 nhằm triển khai quan hệ hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực cụ thể.

Ngày 17/11/2015, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, mở ra một kỷ nguyên hợp tác mới cho quan hệ hai nước. Những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa hai nước tiếp tục đà tăng trưởng, năm 2013 đạt khoảng 2,6 tỷ USD, năm 2014 đạt 2,975 tỷ USD, năm 2015 đạt 2,92 tỷ USD, riêng bảy tháng đầu năm 2016 đạt 1,72 tỷ USD (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2015).

Philippines là một trong số ít nước mà Việt Nam xuất siêu. Từ năm 2008, mỗi năm Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỷ USD sang Philippines, lớn nhất trong khối ASEAN, trong đó gạo là mặt hàng chủ lực. Ngoài gạo, Việt Nam xuất sang Philippines linh kiện điện tử, hàng nông sản và nhập của Philippines chủ yếu là phân bón, máy móc thiết bị phụ tùng, khoáng chất, khí hóa lỏng, xăng dầu, dược phẩm, vật liệu xây dựng...

Tuy nhiên, hợp tác đầu tư giữa hai nước còn khiêm tốn, tính đến hết năm 2015, Philippines có 73 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn xấp xỉ 303 triệu USD, đứng thứ 31/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có hai dự án đầu tư tại Philippines là dự án Công ty Seikosha cung cấp dịch vụ quảng cáo và một dự án của Công ty FPT về phát triển phần mềm.

Hợp tác biển và đại dương là một trong những trụ cột chính trong quan hệ hai nước. Hai bên có cơ chế Nhóm công tác chung về Biển và Đại Dương, họp thường kỳ hàng năm (đã họp bảy kỳ) và được nâng cấp thành Ủy ban Hỗn hợp về Biển và Đại dương cấp Thứ trưởng Ngoại giao, họp phiên đầu vào tháng 2/2012 và phiên thứ hai vào tháng 9/2015.

Các lĩnh vực hợp tác khác như nông nghiệp, giáo dục, du lịch cũng ngày càng khởi sắc. Từ năm 1963, Việt Nam đã bắt đầu hợp tác với Viện nghiên cứu Lúa quốc tế ở Philippines thông qua hoạt động cử cán bộ đến Viện để thực tập, nghiên cứu. Đến nay đã có nhiều giống lúa của Viện được khảo nghiệm và sử dụng trực tiếp ở Việt Nam.

Từ năm 1964-2009, bằng nhiều hình thức khác nhau, Viện đã giúp Việt Nam đào tạo 254 nhà khoa học, trong đó có 55 thạc sỹ và 29 tiến sỹ. Việt Nam cũng có một số nhà khoa học đã làm việc tại Viện nghiên cứu Lúa quốc tế ở Philippines như giáo sư Võ Tòng Xuân, tiến sỹ Tô Phúc Tường, tiến sỹ Chu Thái Hoành.

Tháng 6/2010, hai bên đã ký Bản Thỏa thuận về Hợp tác Thủy sản để triển khai các hợp tác cụ thể trong lĩnh vực thủy sản và thành lập Ủy ban Hợp tác Nghề cá (tháng 7/2011), trong đó nhất trí thiết lập đường dây nóng xử lý vấn đề đánh bắt cá trái phép và hỗ trợ ngư dân.

Giáo dục và đào tạo là lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước, hai bên đã ký bản Thỏa thuận về Hợp tác Học thuật (10/2010). Những năm qua, số lượng du học sinh Việt Nam sang Philippines ngày càng tăng (học đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, bằng học bổng hoặc tự túc).

Hai bên cũng đã ký kế hoạch hợp tác du lịch giai đoạn 2012-2015. Khách du lịch Philippines tới Việt Nam có chiều hướng tăng từ 27.000 lượt người năm 2008 lên hơn 100.000 lượt người năm 2015. Lượng khách du lịch từ Việt Nam sang Philippines cũng tăng gấp 5 lần từ 6.000 lượt người năm 2009 lên 30.000 lượt người năm 2015.

Bên cạnh đó, hai bên đã ký một số văn kiện hợp tác chính như Hiệp định Thương mại (1/1978); Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư (2/1992); Hiệp định thành lập Ủy ban Hỗn hợp về Thương mại và Kinh tế Việt Nam-Philippines (2/1992); Thỏa thuận lập Ủy ban Hợp tác Song phương 3/1994); Bản Thỏa thuận về Hợp tác Quốc phòng (10/2010); Bản Thỏa thuận về Hợp tác Thương mại gạo giai đoạn 2010-2013 (12/2010) và giai đoạn 2014-2016...

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Philippines Rodrigo Roa Duterte, hai bên sẽ trao đổi các phương hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược trong thời gian tới, nhất là về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại... Ngoài ra, hai bên sẽ trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm./.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Bài cuối: Huy động tổng lực để Khu kinh tế Vũng Áng rộng cửa đón thời cơ mới

Nhiều ý kiến nhận định, năm 2025 sẽ là khởi đầu giai đoạn bứt tốc của Khu kinh tế Vũng Áng khi Tập đoàn Vingroup đầu tư tổ hợp dự án công nghiệp - cảng biển - logistics. kỳ vọng những quyết sách mới từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX nhiệm kỳ 2025-2030 cùng chiến lược phát triển từ Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu kinh tế Vũng Áng sẽ có thêm sự đồng hành của những cơ chế, chính sách, giải pháp mới để gánh vác vai trò đầu tàu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh khá của cả nước.
Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2024 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất chỉ tiêu nhiệm vụ của năm và cả nhiệm kỳ.
Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Bài 2: Cơ chế, chính sách rộng mở

Giai đoạn 2020-2025, tập trung thực hiện định hướng phát triển Khu kinh tế Vũng Áng theo hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực, trở thành trung tâm kinh tế và đô thị phía Nam của tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết, với các cơ chế, chính sách rộng mở, tạo đòn bẩy để khu kinh tế trọng điểm mạnh mẽ vươn mình đón thời cơ mới.
Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tinh gọn bộ máy các cơ quan của Quốc hội

Tổ chức bộ máy tại các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ và Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục được sắp xếp với mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu quả.
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh mong muốn các thầy cô giáo luôn phát huy trí tuệ, tâm huyết, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Bài 1: Khơi động lực bứt phá, tạo đồng thuận để phát triển bền vững

Từ năm 2008 (khi Tập đoàn Formosa triển khai dự án tầm cỡ tại Khu kinh tế Vũng Áng) đến năm 2020 là giai đoạn có nhiều thăng trầm đối với khu kinh tế trọng điểm quốc gia. Để đảm bảo song hành 2 mục tiêu chính: nâng tầm khu kinh tế động lực và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp ở Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, quyết sách sát đúng cùng những giải pháp sáng tạo, quyết liệt.