3 phương án và 5 kịch bản cho giá điện

Cải tiến phải làm sao để có biểu giá điện hợp lý sao cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp không phải trả tiền điện với giá quá cao.

“Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra lấy ý kiến đóng góp của người tiêu dùng, các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đề án đưa ra 3 phương án giá điện:

Phương án 1: Giữ nguyên 6 bậc như hiện hành. Với biểu giá điệnbậc thang này giá điện tăng dần theo từng bậc, như vậy càng dùng nhiều càng đắt. Phương án này sẽ khuyến khích tiết kiệm điện.

Bên cạnh việc hỗ trợ tiền điện 30.000 đồng/tháng từ ngân sách đối với hộ nghèo còn bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ từ ngân sách đối với hộ chính sách xã hội (không thuộc hộ nghèo) sử dụng không quá 50 kWh/tháng. Hộ chính sách xã hội sử dụng trên 50 kWh/tháng sẽ không được hỗ trợ.

Phương án 2: Áp dụng một mức giá 1.747 đồng/kWh, đây là mức giá bán điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành.

Với phương án đồng giá này, các hộ sử dụng dưới 240 kWh/tháng sẽ phải trả tiền điện nhiều hơn hiện nay. Hộ sử dụng 100 kWh/tháng chịu mức tăng nhiều nhất. Ngược lại, các hộ sử dụng từ 240,3 kWh/tháng trở lên có lợi nhất vì mức giá tại biểu giá điện hiện hành từ 200 Kwh trở lên có mức giá cao hơn mức đồng giá.

Phương án 3: Rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc hiện hành xuống còn 3 bậc hoặc 4 bậc với 5 kịch bản.

Tính toán tác động tới chi trả tiền điện theo phương án 3, giá bán điện theo bậc thang với 3 hoặc 4 bậc thang, mức giá bình quân là 1.747 đồng/kWh. Giá điện bình quân của nhóm khách hàng sử dụng điện vào mục đích sinh hoạt bậc thang không thay đổi nhưng có sự biến động về mức giá giữa nhóm sử dụng ít điện và nhóm sử dụng nhiều điện.

Với phương án rút gọn biểu giá về 3 bậc thang - kịch bản 2:

Các hộ sử dụng 50 kWh và 100 kWh bị tác động không đáng kể. Các hộ sử dụng 76,55 kWh, 106,2 kWh và 233,88 kWh hàng tháng sẽ không bị tác động. Các hộ sử dụng từ 76 KWh trở xuống bị tăng tiền điện dưới 1.000 đồng/tháng, các hộ sử dụng từ 77 kWh/tháng đến 106 kWh/tháng được giảm tiền điện dưới 1000 đồng/tháng.

Các hộ sử dụng từ 107 kWh/tháng đến 233 kWh/tháng bị tăng tiền điện hàng tháng. Và các hộ sử dụng từ 233,88 kWh/tháng trở lên được giảm tiền điện hàng tháng so với hiện hành. Thực hiện phương án này, những hộ bị tác động tăng giá điện chủ yếu là những hộ gia đình sử dụng điện ở mức trung bình (từ 107 kWh/tháng đến 233,88 kWh/tháng).

Với phương án rút gọn biểu giá về 4 bậc thang - kịch bản 5:

Các hộ sử dụng đến 50 kWh không bị tác động. Các hộ sử dụng điện từ trên 50 KWh bị tác động tăng tiền điện thanh toán cao dần lên đến 6.850 đồng/hộ ở mức 100 kWh/tháng. Sau đó mức tăng tiền điện thanh toán giảm dần đến khi sử dụng 159,05 kWh/tháng sẽ không bị tác động và từ 160 kWh/tháng sẽ giảm tiền điện thanh toán dần đến khi sử dụng 200 kWh/tháng là 4.750 đồng/kWh.

Tiếp theo mức độ giảm tiền điện thanh toán giảm dần về 0 đồng/tháng (không bị tác động) khi sử dụng 257 kWh/tháng. Tiếp theo tiền điện lại có mức tác động tăng dần đến khi sử dụng 300 kWh tháng sẽ tăng 3.550 đồng/tháng, sau đó mức độ tăng giảm dần về mức không bị tác động khi sử dụng 319,94 kWh/tháng. Tiếp theo các hộ sử dụng trên 320 kWh /tháng sẽ được giảm giá điện và từ 400 kWh trở lên mỗi hộ được giảm giá 14.250 đồng/tháng.

Tổng hợp lại các hộ sử dụng điện sinh hoạt bù trừ khoản tăng lên hay giảm đi giữa các hộ và doanh thu bán điện sinh hoạt không thay đổi. Với sản lượng điện thương phẩm năm 2015 dự kiến là 141,8 tỷ kWh thì mức tác động tiền điện như sau:

Đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt:

Phương án 1 – dĩ nhiên sẽ không nhận được ý kiến góp ý nảo, bởi chính sự bất hợp lý của nó đã gây nhiều bức xúc nên mới có đề án cải tiến. TS.Ngô Trí Long cho rằng trong đề án vẫn đề phương án 1 là một sự bảo thủ.

Phương án 2 gặp sự phản đối của hầu hết các ý kiến đóng góp. Dù phương án "một giá” dễ áp dụng, minh bạch, không phân biệt người giàu, người nghèo. Nhưng phương án này không quan tâm đến người nghèo, người có thu nhập thấp, không góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, không tạo điều kiện thực hiện chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, dễ dẫn đến sử dụng điện lãng phí.

Hơn nữa, với hơn 80% hộ trên cả nước sử dụng điện dưới 200kWh, nên nếu EVN áp mức đồng giá, họ sẽ phải trả thêm tiền. Nhưng 4% số người sử dụng điện nhiều lại có lợi, thậm chí theo phương án này số tiền điện của họ sẽ thấp hơn mức hiện hành.

Hầu hết các ý kiến đồng ý với việc áp dụng biểu giá điện theo bậc thang.

Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), phương án được lựa chọn cần khuyến khích tiết kiệm điện, tạo điều kiện thuận lợi trong khâu kiểm tra, quản lý và không gây tác động tăng giá đến nhiều đối tượng nhất.

Quan điểm ông Thoả nghiêng về phương án 3 vì là phương án ít nhược điểm nhất và tác động tăng giá điện đến các hộ dân cũng là ít nhất lại khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Khách hàng sử dụng càng nhiều, sẽ càng phải trả tiền điện với giá cao hơn, và ngược lại.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đa số người dân chưa thoả mãn với bản đề án và cả 3 phương án giá. Bởi đề án chưa đúng như lòng dân mong mỏi là cải tiến làm sao để có biểu giá điện hợp lý sao cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp không phải trả tiền điện với giá quá cao.

TS.Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng không thể đồng nhất giá điện. Ông nhấn mạnh việc điều chỉnh biểu giá điện trước hết phải đảm bảo an sinh xã hội, phải tránh ảnh hưởng tới 80% số hộ đang sử dụng diện với mức dưới 200 kwwh/tháng vì đây là những hộ nghèo, là những hộ làm công ăn lương.

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, sau hội thảo lấy ý kiến ngày 22/9, sẽ có 2 hội thảo nữa được tổ chức tại Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. Ông cho biết, sau khi tổ chức hội thảo tổng hợp ý kiến góp ý của các Cơ quan quản lý, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, hiệp hội và khách hàng. Đề nghị các nhà nghiên cứu, các phóng viên, cán bộ công tác ở các Bộ, ngành cho ý kiến phân tích phương án lựa chọn để EVN tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương và Chính phủ xem xét.

Theo Thời báo Ngân hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast