Bộ Tài chính lý giải về tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Nếu điều chỉnh mức Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thì việc điều chỉnh này sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2018 so với tháng 6/2018 là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động CPI bình quân của năm 2018 khoảng 0,11-0,15%.

Tối 2/4, trong phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018, Bộ Tài chính nhận được câu hỏi liên quan đến việc dự thảo Nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường có đề xuất điều chỉnh khung thuế mặt hàng xăng dầu, việc điều chỉnh này ảnh hưởng ra sao đến lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng, giá cả các mặt hàng hoá dịch vụ?

bo tai chinh ly giai ve tang thue bao ve moi truong doi voi xang dau

Bộ Tài Chính có đề xuất điều chỉnh khung mặt hàng xăng dầu. Ảnh: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường đã được lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, Bộ Tài chính cũng đã tổng hợp ý kiến và xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Theo chương trình sẽ trình Chính phủ Nghị quyết này.

Trong các phương án dự thảo Nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường cũng đã điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường, ví dụ đối với xăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng. Đối với một số loại như dầu, than cũng điều chỉnh tăng lên. Việc điều chỉnh tăng này xuất phát trên cơ sở Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, đó là cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Trong quá trình hội nhập, cắt giảm nhập khẩu theo các hiệp định thuế quan. Một thời Nghị quyết 25 của Quốc hội cũng đã nêu rõ những định hướng trên cơ sở Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị.

Việc tăng thuế đối với xăng và các sản phẩm cũng là căn cứ vào chiến lược thuế, căn cứ vào chiến lược tăng trưởng xanh, để hạn chế những sản phẩm gây ô nhiễm cho môi trường. Đồng thời cũng căn cứ vào nội dung trong Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Nội dung của việc trình Nghị quyết này cũng đã được kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp khi Chính phủ trình dự án luật. Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường đã được Chính phủ cho lùi lại đến năm 2019.Liên quan đến tác động của thuế bảo vệ môi trường đến chỉ số giá, Bộ Tài chính cũng có những phân tích tác động cũng như đánh giá những tác động khi điều chỉnh mức thuế này.

Theo phân tích, đánh giá những tác động, với phương án điều chỉnh mức Thuế bảo vệ môi trường như dự thảo đã nêu và xin ý kiến, nếu như có hiệu lực từ 1/7/2018 thì việc điều chỉnh này sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2018 so với tháng 6/2018 là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động CPI bình quân của năm 2018 khoảng 0,11-0,15%.

Theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, chỉ tiêu tốc độ về tăng giá tiêu dùng bình quân ở mức 4%. Như vậy tác động khi tăng Thuế bảo vệ môi trường Bộ Tài chính cũng đã phân tích, việc tăng thuế này sẽ thực hiện được mục tiêu sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng hàng hoá thân thiện với môi trường như: xăng E5, xăng E10, dầu diezel D5... từ đó giảm rác thải ô nhiễm môi trường và góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast