Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, chú trọng kiểm tra, xử lý các hành vi găm hàng, tăng giá đột biến, gian lận thương mại, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thực hiện các chỉ thị của Ban Bí thư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch thực hiện.

Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết ở Hà Tĩnh

UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá (trường hợp thấy cần thiết) để phục vụ nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến.

Kế họach thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của UBND tỉnh Hà Tĩnh nhằm góp phần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội; cung cấp đầy đủ, thường xuyên, đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết Nguyên đán. Phát triển hệ thống phân phối, kết nối cơ sở sản xuất với hệ thống phân phối nhằm giải quyết đầu ra cho các cơ sở sản xuất và cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng, đặc biệt tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ; phân công và triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng kiểm tra, xử lý các hành vi găm hàng, tăng giá đột biến, gian lận thương mại, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán tập trung vào 8 nội dung.

Thứ nhất, về theo dõi diễn biến tình hình, dự báo thị trường, yêu cầu đặt ra là theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là các loại hàng hóa thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn; theo dõi tình hình sản xuất, diễn biến dịch bệnh Covid-19, dịch trên cây trồng, vật nuôi (dịch tả lợn Châu Phi..), thời tiết; đánh giá năng lực cung ứng nguồn hàng phục vụ người dân trong dịp tết, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu. Thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo tình hình thị trường để chủ động có biện pháp kịp thời điều tiết, bình ổn thị trường trong trường hợp thị trường hàng hóa có những biến động bất thường, tăng giá đột biến, thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung. Triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường, hỗ trợ dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết trong trường hợp thị trường có những biến động tiêu cực, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân.

Nội dung thứ 2 là công tác chỉ đạo sản xuất, dự trữ hàng hóa. Theo đó, cần duy trì đảm bảo sản xuất nông nghiệp theo đúng kế hoạch, tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, cung ứng đầy đủ cho người dân. Thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp phân phối chủ động chuẩn bị nguồn hàng, thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu đảm bảo cung ứng đầy đủ cho thị trường trong trường hợp có dịch bệnh và dịp Tết Nguyên đán; ưu tiên khai thác nguồn hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh; chủ động khai thác hàng hóa ngoại tỉnh nhằm bù đắp lượng hàng thiếu của tỉnh. Chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp; tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá (trường hợp thấy cần thiết) để phục vụ nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá đột biến. Đảm bảo cung ứng điện liên tục, ổn định phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và bình ổn thị trường.

Phát triển mạng lưới điểm bán hàng là nội dung thứ 3 của kế hoạch. Trong nội dung này sẽ tổ chức, phát triển mạng lưới và đa dạng hóa loại hình điểm bán nhằm đảm bảo hàng hóa bình ổn thị trường được phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng. Đẩy mạnh bán hàng theo các hình thức trực tuyến, thanh toán bằng thẻ, chuyển khoản và giao hàng tận nhà, nhằm tránh việc người dân di chuyển nhiều, hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người. Tổ chức các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, địa bàn thực hiện giãn cách phòng chống dịch, đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Ở nội dung thứ tư là xúc tiến thương mại, sẽ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình ưu đãi, kích cầu tiêu dùng, mở rộng mạng lưới phân phối. Áp dụng linh hoạt các phương thức trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đặc sản của tỉnh kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ Tết. Tăng cường tuyên truyền, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia năm 2021, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu, cụm công nghiệp …

Trong nội dung thứ năm - đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong kinh doanh hàng hóa, sẽ tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong chuỗi cung ứng hàng hóa tại các địa điểm tập trung đông người như: chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh, vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết. Thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 để duy trì hoạt động cung ứng, trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm cho người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Với nội dung thứ sáu - hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong công tác cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường, kế hoạch hướng vào giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong tỉnh với các đơn vị phân phối, bán lẻ hàng hóa nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh, phát triển hệ thống phân phối, phục vụ công tác bình ổn thị trường. Tháo gỡ khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, nhất là việc vận tải khi qua các địa bàn có dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhằm đảm bảo lưu thông thông suốt và kịp thời cung cấp hàng hóa phục vụ thị trường. Hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để được tiếp cận với chương trình, nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, giảm chi phí trong công tác dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Nội dung thứ bảy - công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, sẽ tăng cường công tác quản lý thị trường; kiểm tra, kiểm soát thị trường về giá, chất lượng sản phẩm, buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái pháp luật, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái phép; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Cuối cùng là công tác thông tin, tuyên truyền. Kế hoạch yêu cầu chỉ đạo các phương tiện truyền thông, hệ thống phát thanh cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương để thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp hiểu, đồng thuận và tham gia hưởng ứng. Thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách của nhà nước về quản lý bình ổn thị trường, công tác quản lý an toàn thực phẩm; thông tin các điểm bán bình ổn, thực phẩm an toàn rộng rãi cho người dân; tuyên truyền sâu rộng về việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kiểm soát và xử lý ngay các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường.

UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đồng thời thực hiện chế độ báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Công Thương) theo 3 đợt: đợt 1 (trước ngày 31/12/2021, tức ngày 28/11 âm lịch); đợt 2 (trước ngày 21/1/2022, tức ngày 19/12 âm lịch); đợt 3 (trước ngày 5/2/2022, tức ngày 5/1 âm lịch).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast