Nét tươi mới của hoạt động thương mại - dịch vụ ở TP. Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thương mại - dịch vụ (TM-DV) tăng trưởng nhanh và luôn là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế của thành phố Hà Tĩnh. Phát triển TM-DV trở thành ngành kinh tế chủ đạo, từng bước hiện đại hóa các hoạt động TM-DV đã và đang là sự lựa chọn của TP Hà Tĩnh.

Những năm gần đây, sự có mặt của nhiều ngân hàng, trung tâm mua sắm, các showroom của nhiều nhãn hàng cùng các dịch vụ phục vụ sinh hoạt khác đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân. Nếu như trong cơ cấu kinh tế năm 2010, TM-DV đạt 53,98% thì đến năm 2015 đạt 59,31%, chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu kinh tế. Về mặt giá trị, tăng 2.557 tỷ đồng năm 2010 lên đến 5.081 tỷ đồng vào năm 2015.

net tuoi moi cua hoat dong thuong mai dich vu o tp ha tinh

Sự xuất hiện các showroom của một số “ông lớn” đang góp phần hiện đại hóa các hoạt động TM-DV trên địa bàn TP Hà Tĩnh.

Đóng góp vào sự phát triển chung trong lĩnh vực TM-DV của thành phố phải kể đến sự gia tăng số lượng và quy mô của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và hộ tiểu thương. Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 8.200 doanh nghiệp, hộ kinh doanh với trên 11.000 lao động. Mạng lưới hoạt động kinh doanh dần ổn định và đi vào nền nếp, nhờ đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng nhanh, năm 2015 đạt 13.812 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với năm 2010. 9 tháng đầu năm 2016, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội trên địa bàn ước đạt 8.650 tỷ đồng, bằng 71,78% kế hoạch năm 2016, tăng 7,96% so với cùng kỳ. Trong đó, có sự đóng góp của 2 trung tâm thương mại Co.op Mart, Vin Mart và hàng chục cửa hàng tự chọn, 10 chợ lớn nhỏ đang hoạt động trên địa bàn.

Những con số trên cho thấy, trong bức tranh kinh tế chung toàn tỉnh, những hoạt động kinh tế thị trường trong nhóm ngành TM-DV của thành phố được xác định là trọng tâm. Anh Trần Hậu Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế TP Hà Tĩnh cho biết: “Chủ trương chung của thành phố là phấn đấu đến năm 2020 đưa TM-DV, du lịch trở thành trung tâm kết nối vùng, là lĩnh vực kinh tế đưa lại nguồn thu chính của ngân sách thành phố. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường các hoạt động giao lưu phát triển kinh tế - văn hóa giữa các địa phương trong tỉnh, vùng, miền trong nước và quốc tế. Không ngừng nỗ lực để từng bước tạo ra nét văn minh, hiện đại trong hoạt động TM-DV của thành phố”.

Để từng bước hiện đại hóa các hoạt động TM-DV, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển TM-DV đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Quy hoạch bước đầu đã có sự đồng bộ với sự hình thành phát triển đô thị, các cụm điểm, tuyến dân cư. Định hướng loại hình bán lẻ truyền thống, loại hình bán lẻ hiện đại, khuyến khích cung cấp các loại hình dịch vụ, du lịch chất lượng cao. Hệ thống chợ, siêu thị, đại lý, kho hàng, bến bãi… cũng được bố trí một cách hợp lý, phù hợp với các điều kiện của thành phố và đáp ứng yêu cầu thực tế của người tiêu dùng.

Anh Kiều Đình Giáp (Thạch Quý) cho biết: “Trước đây, muốn đi chợ hoặc siêu thị mua sắm, chúng tôi phải đi một quãng đường khá xa, tuy nhiên, những năm gần đây, việc này không còn là vấn đề lớn nữa khi có sự xuất hiện của chợ Trung Đình và siêu thị VinMart”.

Thành phố cũng đã chủ động trong việc đảm bảo quỹ đất để bố trí quy hoạch cho các tuyến phố chuyên doanh, phố ẩm thực, hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu sinh thái, dịch vụ y tế, công nghệ thông tin và các dịch vụ vui chơi, giải trí của nhân dân. Xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô, sản lượng lớn. Quy hoạch các loại hình bán buôn, chợ đầu mối nguyên, phụ liệu cho ngành công nghiệp và các dự án lớn của tỉnh. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống cung cấp thông tin bảo đảm tin cậy, kịp thời về thị trường trong, ngoài nước, luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán của các thị trường. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đăng ký thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu trên thị trường, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện nay, TP Hà Tĩnh đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục hiện đại hóa ngành TM-DV, đưa thành phố trở thành trung tâm kết nối của vùng. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ thương nhân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm TM-DV và du lịch.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast