“Nới” điều kiện vay gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, liệu doanh nghiệp Hà Tĩnh có sớm được tiếp cận?

(Baohatinh.vn) - 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vay vốn trả lương cho lao động bị ngừng việc theo Nghị quyết 42/NQ - CP ngày 9/4/2020 (NQ 42) của Chính phủ được “nới lỏng” điều kiện vay. Điều này liệu có “thắp lên" hy vọng cho DN Hà Tĩnh khi tiếp cận chính sách vay vốn lãi suất 0%?

“Nới” điều kiện vay gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, liệu doanh nghiệp Hà Tĩnh có sớm được tiếp cận?

Trong 6 tháng đầu năm, Hà Tĩnh có 26.000 lao động bị ngừng việc (Ảnh tư liệu)

Tại thời điểm 6 tháng đầu năm 2020, theo báo cáo từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, toàn tỉnh có đến gần 26.000 lao động làm việc trong DN, HTX buộc phải nghỉ việc không lương; 214 DN rút khỏi thị trường và 180 DN tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, khi gói vay 16.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ DN trả lương cho người lao động bị ngưng việc theo NQ 42 được “kích hoạt” (tháng 4/2020) đến nay, Hà Tĩnh vẫn không phát sinh dư nợ do điều kiện vay vốn quá ngặt nghèo.

Ông Hoàng Bá Đồng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Hà Tĩnh cho biết: “Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP (NQ 154) sửa đổi, bổ sung NQ 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 32/2020/QĐ-Ttg (QĐ 32) về sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 (QĐ 15) quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo NQ 42.

So với trước, các điều kiện vay vốn, thủ tục hồ sơ giảm nhẹ hơn, hy vọng rằng sẽ có nhiều DN ở Hà Tĩnh tiếp cận được gói chính sách ưu đãi này”.

“Nới” điều kiện vay gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, liệu doanh nghiệp Hà Tĩnh có sớm được tiếp cận?

Chi nhánh NHCSXH Hà Tĩnh triển khai tập huấn nghiệp vụ thực hiện NQ 154.

Theo đó, mức vay vẫn giữ với tối đa 1 tháng bằng 50% mức lương tối thiểu vùng/lao động với lãi suất 0% trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm giải ngân món đầu tiên tại Ngân hàng CSXH (Hà Tĩnh khoảng 1,5 triệu đồng/tháng/lao động).

Điểm chính của NQ 154 và QĐ 32 là tháo gỡ 3 nội dung cơ bản: giảm điều kiện báo cáo mức doanh thu, khả năng tài chính của DN chỉ từ 20% so với quý IV/2019 (trước đây là DN mất khả năng tài chính hoặc không có doanh thu); nới đường biên về tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội còn 20% số lao động (trước kia là 50% số lao động); không có nợ xấu ở các tổ chức tín dụng và ngân hàng nước ngoài tại thời điểm 31/12/2019.

“Nới” điều kiện vay gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, liệu doanh nghiệp Hà Tĩnh có sớm được tiếp cận?

Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh hi vọng, với việc “nới lỏng” điều kiện, nhiều DN trên địa bàn sẽ tiếp cận được nguồn vay ưu đãi.

Ngoài ra, còn một số điều kiện về quy trình phê duyệt và giải ngân cũng được nới lỏng hơn như: trước đây, DN phải lấy giấy xác nhận của địa phương về danh sách người lao động buộc ngừng việc, doanh thu… giờ chỉ yêu cầu DN tự chịu trách nhiệm. Theo đó, DN tự kê khai doanh thu, lập danh sách người lao động, ngân hàng điều tra và cho vay. Thời hạn giải ngân vốn vay là sau 5 ngày kể từ thời điểm ngân hàng tiếp nhận hồ sơ.

Cũng theo Phó Giám đốc NHCSXH Hà Tĩnh Hoàng Bá Đồng, hiện nay, nguồn vốn đã sẵn sàng và chi nhánh đủ đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN. Đơn vị cũng đã kịp thời triển khai tập huấn nghiệp vụ đến tất cả cán bộ và phòng giao dịch nhằm tạo thuận lợi cho công tác phối hợp, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

“Nới” điều kiện vay gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng, liệu doanh nghiệp Hà Tĩnh có sớm được tiếp cận?

Thời gian nghỉ dịch, Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh) vẫn duy trì các hoạt động trong nhà trường (ảnh tư liệu).

Ở góc độ của các DN, dù đã nắm bắt thông tin, song nhiều DN vẫn nhiều băn khoăn, lo lắng. Bà Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trí Đức (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Chính sách sửa đổi đã tháo gỡ được các điều khoản về báo cáo tài chính, doanh thu; thời gian nghỉ việc của giáo viên, công nhân viên (trước đây không được tính vì các trường nghỉ trước ngày 1/4- PV). Tuy nhiên, NQ 154 chưa giải quyết được vướng mắc quan trọng nhất đó là DN phải có văn bản chấm dứt hợp đồng với lao động. Đối với đơn vị, đây là điểm vướng nhất vì suốt 3 tháng nghỉ dịch, chúng tôi vẫn phải đảm bảo giữ lại 100% giáo viên, lao động và đảm bảo một phần lương cũng như các phúc lợi cho họ để phục hồi kịp thời sau dịch. Nếu chiếu theo điều kiện này, chúng tôi sợ rằng vẫn đứng ngoài chính sách".

Theo bà Nhung, hoạt động kinh doanh lĩnh vực giáo dục rất đặc thù. Bởi thế, Chính phủ và NHCSXH cần rà soát, phân loại và cho vay theo loại hình DN, lĩnh vực kinh doanh.

Trong khi đó, một DN hoạt động trong lĩnh vực vận tải cho hay, chính sách vẫn chưa có “độ mở” cho những DN sử dụng lao động thời vụ. Hầu hết số lao động này đều không có hợp đồng lao động mà chỉ làm việc theo nhu cầu, ví dụ như: phụ xe, bốc vác, nhân viên phòng vé... thế nên việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng là điều không thể. Mặc dù, thời gian đó công ty vẫn trả một phần lương để đảm bảo chế độ cho lao động như các DN khác...

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast