Tiểu thương học cách… bán hàng!

(Baohatinh.vn) - Nghe qua tưởng như vô lý vì đã là tiểu thương ắt phải biết bán hàng, nhưng đó lại là điều có lý trong điều kiện tiểu thương ở chợ truyền thống đang phải “căng” mình để cạnh tranh với những hình thức kinh doanh hiện đại hơn. Giao tiếp khéo léo, trình bày gian hàng đẹp mắt, kiên nhẫn thuyết phục, không nói thách… là kỹ năng cơ bản được tiểu thương tiếp nhận tại các lớp tập huấn do Sở Công thương tổ chức trong thời gian qua.

Bán hàng cũng phải có kỹ năng
Bán hàng cũng phải có kỹ năng

“Chấp nhận để sửa sai!”

“Khi bán hàng cho khách xong, các chị có cảm ơn khách không?” là câu hỏi đầu tiên được chuyên gia đặt ra trong một buổi tập huấn kỹ năng bán hàng cho tiểu thương trên địa bàn huyện Thạch Hà mà chúng tôi có dịp tham gia. Cả hội trường đồng thanh hô lớn: “Có”. Chuyên gia hỏi tiếp: “Nhìn mặt khách “thấy ghét”, các chị có lười bán không? Khi khách trả giá không mua, các chị có đốt… phong long không?”. Ở hàng ghế tiểu thương, những tiếng nói không còn hùng hồn nữa, thay vào đó là tiếng “có” yếu ớt. Tiếng một vài tiểu thương ở phía cuối hội trường vọng lên: “Thôi, chấp nhận đi để mà sửa. Chợ mình thỉnh thoảng vẫn đốt phong long, lườm nguýt khách mà…”. Mọi người nhao nhao như lớp học của trẻ: “Ừ, thì cũng có lúc này, lúc khác”. Một chị đứng lên: “Nãy giờ, thầy dạy, tui thấy cái mô cũng đúng hết. Cái đúng thì mình làm tiếp, cái sai thì mình sửa từ từ…”. Đó là những kiến thức thực tiễn, gần gũi nhưng rất ý nghĩa được các chuyên gia truyền đạt bằng câu chuyện, trò chơi nói “trúng tim đen” người bán hàng trong suốt buổi tập huấn.

Chị Thu, tiểu thương ở chợ thị trấn Thạch Hà chia sẻ: “Mấy mươi năm kinh nghiệm buôn bán, tưởng không còn gì phải học, nhưng đi tập huấn mới thấy “sáng” ra nhiều điều. Những vấn đề nhỏ tôi không mấy quan tâm, như ý thức giữ vệ sinh môi trường, tạo sự thông thoáng hành lang, lối đi trong chợ… lại quan trọng không kém việc chăm chút cho gian hàng của mình. Mỗi người có ý thức vì tập thể, vì cái chung thì bộ mặt cả chợ sẽ đẹp lên rất nhiều…”.

Sau khi được trao đổi về việc niêm yết giá, chị Hương - chủ cửa hàng quần áo tại chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Nhiều điều tưởng đã quen nhưng đi học mới hiểu hết ý nghĩa của nó. Tôi đã thực hiện việc niêm yết giá từ nhiều năm nay nhưng chủ yếu vẫn mang tâm lý đối phó với cơ quan chức năng. Học mới hiểu, điều này là cho chính bản thân mình, vì sự minh bạch về giá hàng hóa góp phần tạo lòng tin của khách và cũng thuận tiện hơn trong hoạt động mua bán”.

Đành rằng, những đặc trưng riêng có ở các chợ truyền thống như nói thách, giao tiếp với khách hàng chưa tốt, nguồn gốc hàng hóa còn khó xác định… thật sự khó bỏ trong ngày một, ngày hai. Nhưng, “mưa dầm thấm đất”, “nói trúng, nói đúng” bằng những câu chuyện hợp lý từ các buổi tập huấn sẽ từng bước góp phần để chợ truyền thống trụ vững trong tình hình kinh doanh hiện nay.

Tích cực mở rộng

Từ năm 2014 đến nay, chương trình tập huấn ngắn hạn về kỹ năng bán hàng cho tiểu thương do Sở Công thương phối hợp với các địa phương thực hiện đã mở được 12 lớp trên địa bàn toàn tỉnh và cấp giấy chứng nhận cho hơn 3.200 tiểu thương. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm hiện thực hóa đề án phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Tiểu thương học cách… bán hàng! ảnh 2
Lớp tập huấn nâng cao kỹ năng bán hàng tại huyện Thạch Hà thu hút trên 200 tiểu thương tham gia

Được biết, khung chương trình giảng dạy ngoài những nội dung liên quan đến kỹ năng bán hàng còn chú trọng giới thiệu chương trình kết nối nhà sản xuất, hưởng ứng chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đặc biệt là tuyên truyền, giới thiệu cũng như trang bị kỹ năng bán các sản phẩm sản xuất nội tỉnh. Với tinh thần ưu tiên bán những sản phẩm do người dân quê nhà làm ra, các buổi tập huấn đã thực sự “truyền lửa” để tiểu thương hiểu được vai trò của mình trong xây dựng quê hương từ những điều đơn giản nhất.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Bắt đầu từ năm 2014, sở đã mở lớp tập huấn kỹ năng bán hàng cho tiểu thương và sẽ cố gắng đưa chương trình này thành hoạt động thường niên. Chương trình không đơn thuần là hướng dẫn về mặt kỹ thuật, mà mục tiêu chính là thay đổi về nhận thức cho tiểu thương. Qua đó, góp phần hạn chế dần những mặt còn tồn tại, hướng đến xây dựng chợ truyền thống theo mô hình văn minh, hiện đại”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast