Vì sao các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh “thừa tiền”?

(Baohatinh.vn) - Nguồn vốn của các ngân hàng ở Hà Tĩnh hiện khá dồi dào, song việc phát triển dư nợ lại là “bài toán khó” trước ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Đến cuối tháng 10, dư nợ cho vay toàn địa bàn ước đạt 91.900 tỷ đồng, chỉ tăng 5,4% so với cuối năm 2022.

Để tăng cường đưa vốn ra nền kinh tế, từ đầu năm lại nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã 4 lần hạ lãi suất điều hành, theo đó lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hiện đã giảm sâu từ 2 – 3% so với đầu năm. Tuy vậy, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn đang khiêm tốn.

Vì sao các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh “thừa tiền”?

Đơn hàng xuất khẩu của Công ty CP May xuất khẩu MTV đã giảm 50% nên nhu cầu vay vốn giảm mạnh.

Công ty CP May xuất khẩu MTV (CCN Bắc Cẩm Xuyên) chuyên may gia công đồ bảo hộ lao động xuất sang Nhật Bản và mặt hàng thời trang xuất đi Mỹ, một số nước châu Âu. Từ tháng 10/2023, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu gặp “sóng gió”. Đơn hàng đồ bảo hộ lao động xuất đi Nhật Bản sụt giảm 50% so với trước.

Theo chị Lương Thị Tuyết - Kế toán tổng hợp Công ty CP May xuất khẩu MTV, khả năng những tháng cuối năm và đầu năm tới, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu tích cực. Đơn hàng giảm mạnh nên nhu cầu vay vốn đầu tư của doanh nghiệp cũng giảm theo.

Tương tự, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn cũng “ngại” tiếp cận vốn ngân hàng khi tình hình hoạt động chưa ghi nhận chiều hướng tích cực. HTX Thắng Lợi (xã Xuân Thành, Nghi Xuân) chuyên nuôi lợn nái quy mô lớn, cung cấp lợn thịt và lợn giống ra thị trường. Tuy vậy, gần 2 năm nay, dịch bệnh trên đàn vật nuôi phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi tăng trên 30%, trong khi giá lợn hơi giảm sâu, HTX chỉ hoà vốn, có thời điểm thua lỗ nên đã chủ động giảm đàn.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa – Giám đốc HTX Thắng Lợi cho hay: “Chúng tôi hiện chỉ nuôi 200 con lợn nái, mỗi tháng xuất 200 con lợn thịt, 300 con lợn giống (giảm 30% so với giai đoạn trước). Hiện nay, thị trường bếp bênh nên HTX chưa tính đến chuyện tăng đàn, đồng nghĩa không có nhu cầu vay vốn đầu tư”.

Vì sao các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh “thừa tiền”?

Nguồn vốn của Vietcombank Hà Tĩnh hiện đang dồi dào.

Bà Nguyễn Thị Hạnh – Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ, Vietcombank Hà Tĩnh thông tin: “Nguồn vốn của đơn vị hiện đang dồi dào. Để tăng trưởng dư nợ, Vietcombank đã nhiều lần phát đi thông báo giảm lãi suất cho vay, hiện nay lãi suất cho vay chỉ từ 5,5%/năm, tuy nhiên việc “đẩy” vốn cho hộ sản xuất – kinh doanh vẫn khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí sản xuất “leo thang”, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm, thị trường thu hẹp... nên nhu cầu vay vốn đầu tư của khách hàng hạn chế. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn tiêu dùng, mua sắm của người dân cũng giảm mạnh so với trước. Đó là chưa nói đến việc những khách hàng có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất – kinh doanh song lại không đủ điều kiện để giải ngân do tài sản không đảm bảo, không chứng minh được nguồn thu nhập hoặc không xác định được mục đích vay vốn...”

Tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) Hà Tĩnh, thời gian qua công tác phát triển dư nợ cũng gặp nhiều thách thức và chi nhánh đang rơi vào tình trạng “thừa tiền”.

Ông Lê Hồng Phong - Giám đốc MSB Hà Tĩnh cho hay: “80% khách hàng của chi nhánh là cá nhân. Lãi suất hiện nay không còn là mối lo ngại bởi đã giảm sâu so với đầu năm (giảm trên dưới 3%/năm). Tuy nhiên, vấn đề nan giải là tình hình sản xuất – kinh doanh khó khăn ở tất cả ngành hàng nên người dân không có ý định đầu tư hoặc chỉ đầu tư cầm chừng. Tính đến thời điểm này, chi nhánh mới hoàn thành khoảng 90% kế hoạch tín dụng được giao, giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2022”.

Vì sao các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh “thừa tiền”?

Khách hàng đến giao dịch tại SMB Hà Tĩnh.

Phân tích nguyên nhân tín dụng tăng trưởng chậm, đại diện ACB Hà Tĩnh cho biết, do suy thoái kinh tế nên doanh nghiệp, người dân hạn chế đầu tư, khách hàng chủ yếu chỉ chuyển dư nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, chứ phát sinh vay mới không đáng kể. Mục tiêu từ nay đến cuối năm ACB Hà Tĩnh đặt ra là tăng trưởng dư nợ 200 tỷ đồng, song trong bối cảnh hiện nay để đạt được điều này còn khá gian nan.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Nhìn chung, các ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn. Ngoài ra, hàng loạt chính sách ưu đãi vay vốn được ban hành như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31 năm 2022 của Chính phủ, chính sách hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn theo Nghị quyết số 51 năm 2021 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Thông tư số 02 năm 2023 của NHNN Việt Nam về cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm, thuỷ sản..., song sức tiếp cận vốn của khách hàng chưa như mong đợi.

Tính đến 31/10/2023, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn ước đạt 91.900 tỷ đồng, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ và tăng khoảng 5,4% so với cuối năm 2022. So với mục tiêu đã đặt ra là tín dụng năm 2023 tăng trưởng 14% so với cuối năm 2022 thì con số này còn rất khiêm tốn.

Vì sao các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh “thừa tiền”?

Các sở, ngành, địa phương... cần có các giải pháp thiết thực để “gỡ khó”, tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Nhìn chung, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu xuất phát từ bối cảnh thị trường khó khăn trước ảnh hưởng của hậu COVID-19 và suy thoái kinh tế. Khi kinh tế khó khăn, thị trường thu hẹp, sức tiêu thụ hàng hóa giảm, doanh nghiệp, người dân không mở rộng sản xuất mà chỉ duy trì hoạt động cầm chừng. Cho nên dù mặt bằng lãi suất có giảm mạnh, tín dụng cũng khó có thể tăng đột biến và không ít ngân hàng đang rơi vào thực trạng “thừa tiền”.

Hiện nay, vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm không phải là lãi suất mà đa phần không dám vay vốn đầu tư do chưa nhìn thấy những dấu hiệu tích cực từ thị trường. Vậy nên, chỉ nỗ lực từ phía “nhà băng” là chưa đủ, mà cần sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương và Hiệp Hội Doanh nghiệp Hà Tĩnh với các giải pháp thiết thực để “gỡ khó”, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp, người dân thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, nhất là vấn đề xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trong “chặng nước rút” cuối năm.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast