Tiễn biệt những cánh chim không mỏi

Những người lính Phi đội Casa đau đớn, lặng lẽ khóc đồng đội khi tất cả tổ bay Casa-212 số hiệu 8983 đã hy sinh. “Những cánh chim không mỏi” không trở về từ bầu trời mà về từ sâu thẳm lòng biển.

tien biet nhung canh chim khong moi

Quân y Hải quân và Pháp y Quân đội hoàn tất thủ tục, chuyển thi hài quân nhân hy sinh lên xe chuyên dụng, chuyển về Hà Nội. Ảnh: Quang Tuyến.

Nước mắt của lính

Phi đội Casa lặng lẽ với những ánh nhìn buồn bã suốt cả tuần nay. Dãy nhà 2 tầng sơn màu vàng với những bậc cầu thang đá cũ nặng nề vừa là phòng làm việc (tầng 1) vừa là nơi ăn nghỉ của những quân nhân xa gia đình của Phi đội Casa. Nhắc tới đồng đội, họ oà khóc. Chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến nước mắt của lính nhiều như vậy ngay cả khi di hài đồng đội chưa trở về, nhang khói chưa thắp lên."

Các anh ấy đã hy sinh thay cho chúng tôi. Casa thực sự đau đớn, chúng tôi không biết phải vượt qua mất mát này như thế nào”, phải mất hồi lâu ngẹn ngào, Đại úy Lê Quang Việt, phụ trách Tuần thám, Phi đội Casa (Lữ đoàn 918), mới cất lên lời. Đại úy Việt và các đồng đội còn lại của Phi đội Casa vẫn chưa thể tin nổi trong số 9 quân nhân hy sinh có tới 7 chiến sĩ của đơn vị mình. Mới chỉ những ngày trước họ còn đổ mồ hôi tập luyện, vui vẻ đời binh với nhau.

Người anh cả, Lữ đoàn trưởng 918 Lê Kiêm Toàn, lúc trước rất thích thú với cụm từ “Những cánh chim không mỏi” khi nói về Phi đội Casa. Đây là mất mát đau thương lớn nhất đối với Phi đội mới thành lập chưa đầy 4 năm. Phi đội Casa được thành lập ngày 24/7/2012, là đơn vị đơn vị duy nhất của Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) chuyển loại và tiếp nhận sử dụng máy bay tuần thám Casa-212 để thực hiện trên giao và tuần thám biển cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Phi đội có 34 sĩ quan, chiến sĩ mà chỉ trong một chuyến bay mất tới 7 người, từ vị trí cao nhất đến các vị trí chủ chốt của tuần thám, kỹ thuật và cơ giới trên không.

tien biet nhung canh chim khong moi

Những chiến sĩ ở Phi đội Casa khóc thương đồng đội. Ảnh: Phương Hiếu.

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi những giọt nước mắt tuôn tràn trên khuôn mặt nghiêm nghị của người lính khóc thương đồng đội. Tất cả chúng tôi, những người có mặt trong phòng làm việc của Phi đội trưởng, Thượng tá Nguyễn Đức Hảo đều không kìm được nước mắt, một chiến sĩ ngồi cạnh tôi khóc thành tiếng, nấc nghẹn gọi tên các anh. Trong ký ức Trung tá Lê Quang Hòa, Phi đội phó Phi đội Casa, tất cả chiến sĩ hy sinh đều vô cùng hiền lành, chân chất, ai cũng có tài lẻ.

“Theo tiếng gọi của Tổ quốc, tất cả chiến sĩ của Phi đội trước đó đều có công việc, cuộc sống ổn định tại các đơn vị đóng quân ở các tỉnh về Hà Nội công tác, trở thành những người đầu tiên gây dựng Phi đội Casa. Với đồng lương ít ỏi lại chưa thuộc diện được cấp nhà nên tất cả anh em nhân viên tuần thám, cơ giới trên không đều phải đi thuê nhà trọ. Nhiều anh em phải để lại vợ con ở quê, mỗi năm chỉ gặp nhau vài lần”, Trung tá Hòa kể.

Chăm chỉ giúp vợ

Trung tá Hòa quệt nước mắt, gắng kể: “Lê Văn Đình là chàng trai đẹp cả hình thức lẫn nội dung. Nó học giỏi, lắm tài lẻ, chơi thể thao tốt, đàn hát cũng hay. Đình nói tiếng Anh rất tốt nên thường xuyên là phiên dịch của Phi đội mỗi khi có khóa đào tạo hay tập huấn với đội ngũ chuyên gia nước ngoài. Đình cũng thông thạo vi tính và các thiết bị công nghệ thông tin nên ngoài nhiệm vụ chuyên môn trong mỗi chuyến bay, Đình phụ trách công nghệ thông tin cho cả đơn vị”.

tien biet nhung canh chim khong moi

Đại úy Lê Vân Đình (người ngồi) - nhân viên tuần thám trên không trong chuyến bay tìm máy bay MH-370 cách đây 2 năm. Ảnh: Độc Lập.

Với các đơn vị quân đội, việc tăng gia sản xuất giúp mang lại nguồn thực phẩm đảm bảo cho suất ăn trong đơn vị, nhưng với những chiến sĩ ở Phi đội Casa, nhiều người chăm chỉ trồng rau để mang về hỗ trợ bữa ăn hằng ngày cho vợ con.

“Thái (Nhân viên tuần thám Nguyễn Văn Thái) mê trồng rau lắm. Cứ hết giờ làm, nó lao ra vườn cuốc đất, chăm bón các luống rau, trồng thêm mướp, đỗ… Mỗi lần về nhà, Thái lại hào hứng hái rau mang về cho vợ làm quà. Đời lính chả có gì ngoài đồng lương ít ỏi đưa hết cho vợ, nó cũng chả dám mua sắm quần áo, giày dép mới. Tất cả quần áo hiện giờ của Thái chủ yếu là quân phục đơn vị cấp”, Trung úy chuyên nghiệp Lê Văn Phúc, tuần thám trên không Phi đội Casa - người gắn bó với Nguyễn Văn Thái từ ngày họ chung đơn vị ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, chia sẻ.

Những người lính của Phi đội Casa hầu hết có mức lương thấp nên ngoài giờ trực chiến, huấn luyện, ai cũng cố gắng làm thêm. Ngoài trồng rau, sửa máy tính cũ hỏng để bán, Nguyễn Văn Thái còn sắm bộ đồ nghề cắt tóc.

“Hễ hôm nào kiếm được “5 đến 7 cái đầu” là Thái vui lắm, khoe ngay với tôi có thêm 100 nghìn gửi vợ trả tiền thuê nhà. Vợ chồng Thái thuê nhà từ khi cưới nhau, mãi đợt Tết 2015, đơn vị của vợ Thái ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho mượn căn hộ tập thể, Thái mới bớt lo lắng lo chuyện tiền nong hằng tháng. Gia đình nó còn đang dành dụm mua bộ bàn ghế để phòng khách, giờ đây nó không về…”, Trung úy Phúc nghẹn ngào.

Đồng đội nâng niu bộ đồ cắt tóc của Thái mà nước mắt rưng rưng. Trung úy Hoàng Anh Giang, Nhân viên tuần thám của Phi đội, đỏ hoe mắt cho biết, buổi chiều trước ngày Casa-212 - 8983 cất cánh, Trung úy Thái còn cắt tóc cho đồng đội; anh là người cuối cùng được Thái cắt tóc cho.

tien biet nhung canh chim khong moi

Từ trái qua phải Thượng tá Nguyễn Đức Hảo (Phi đội trưởng, Lữ đoàn Không quân 918), Thiếu tá Nguyễn Văn Chính (Chính trị viên Phi đội), Đại tá Lê Kiêm Toàn (Lữ đoàn trưởng 918). Cả 3 sĩ quan hy sinh ngày 16/6. Ảnh chụp sáng 2/6 tại Trường Sa. Ảnh: Mai Thanh Hải.

Ước mơ dang dở

Với đồng lương bộ đội ít ỏi, Trung úy Nguyễn Bá Thế nhận nhiệm vụ đành để lại vợ con ở nhà ngoại tại xã An Đông, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Kết hôn được 9 năm, tình yêu của anh Thế với chị Đào Thị Tuyết (sinh năm 1984) kết trái được 2 cô con gái - bé Phương Linh (7 tuổi) và Chi Anh (7 tháng tuổi).

Lấy nhau 9 năm nhưng thời gian anh chị sống gần nhau không nhiều. Với chị Tuyết, anh Thế vui tính, giàu tình cảm. “Cũng vì tính nết anh vui vẻ như thế nên chúng tôi chưa bao giờ giận nhau. Hằng tháng, sổ lương anh đưa cả cho vợ mà chẳng giữ lại đồng nào cho riêng mình. Cứ cuối tuần hôm nào về quê thăm gia đình, anh lại tranh thủ giã ít muối lạc đem đi. Sau mình mới biết anh đem muối vừng lên để ăn cơm sáng”, chị Tuyết nức nở.

Chị Tuyết chia sẻ, anh Thế vẫn thường nói với vợ con, công việc của anh vào Nam ra Bắc nhiều, nhất định sẽ dành dụm đủ tiền cho vợ con du lịch một chuyến xuyên Việt để đỡ thiệt thòi. Đấy là ước mơ lớn nhất cuộc đời anh Thế. Giờ đây, căn nhà vẻn vẹn 28m2 vẫn còn mùi vôi là căn nhà anh chị được bố mẹ vợ cho mượn để tiện sinh hoạt trước khi có bé thứ 2.

Nhà nhỏ nên anh chị bảo nhau cơi nới thêm cái gác xép cho cô con gái lớn có chỗ học hành. Chị Tuyết tâm sự, do cuộc sống còn hụt trước thiếu sau, nên việc gì không tự làm được anh mới thuê, còn lại cố gắng tự hoàn thiện hết mọi việc trong nhà. Trước khi đi thực hiện nhiệm vụ lần này, anh còn dặn vợ :“Còn cái cửa để cuối tuần anh tranh thủ về sơn nốt cho 3 mẹ con”. Cánh cửa vẫn còn đó, nhưng anh đã không thể trở về.

Nỗi đau mất con như ngàn mũi châm đâm thấu tâm can người mẹ. Bà Hồ Thị Hồng, mẹ của Trung úy Nguyễn Văn Thái, cạn nước mắt khóc con. “Nhà nghèo nên Thái nó vất vả từ nhỏ. Nó hiền lành, chịu khó lắm. Nhà cách xa đơn vị, mỗi lần nó về đến nhà trời đã tối mịt. Sáng sớm chưa đến 5h lại lóc cóc đi. Ngày hè còn đỡ chứ mùa đông mưa gió, giá rét nhìn con khoác áo mưa đi ra ngoài thời tiết cắt da cắt thịt, tôi thương nó lắm”. Nước mắt người mẹ lại không cầm được khi nghĩ đến con trai vừa hy sinh.

Ôm cậu con trai 21 tháng tuổi trong tay, chị Doãn Thị Bích Nguyệt (vợ anh Thái) ngậm ngùi: “Anh ấy giản dị, tiết kiệm, có cái gì cũng chỉ chăm lo cho vợ con. Do anh ấy đi làm xa nên vợ chồng đang dự tính với nhau cố gắng đến cuối năm gom góp lại đổi cho anh cái xe máy Dream cũ để anh đi làm cho an toàn, cái xe anh đang đi nó nát quá rồi…”.

Theo Phương Hiếu/Tiền phong

Đọc thêm

Tết sớm ở Trường Sa

Tết sớm ở Trường Sa

Khi những chuyến tàu rẽ sóng, vượt hàng trăm hải lý chở hàng tết đến với Trường Sa cùng những yêu thương đong đầy mà đất liền gửi gắm, ấy là lúc quân và dân nơi đây bắt đầu đón tết.
Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có cách làm hay, ghi dấu ấn, tạo tiền đề quan trọng trong cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Vượt hơn 200 hải lý, niềm mơ ước trong tôi về một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa đã trở thành hiện thực. Trong tầm mắt tôi và các đồng nghiệp, hình ảnh một Trường Sa thân thương và căng tràn sức sống, hiên ngang giữa trùng khơi đã xua tan những mệt mỏi sau một hành trình dài lênh đênh trên biển cả.
Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Nhân dịp đón Tết cổ truyền của Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Bolikhămxay (CHDCND Lào), Đại tá Khên Von Lo Văn Xay - Phó Giám đốc Công an tỉnh gửi đến cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng.
Xuân biên cương ấm tình quân dân

Xuân biên cương ấm tình quân dân

Những người lính quân hàm xanh trên hai tuyến biên giới đang có nhiều hoạt động ý nghĩa, trách nhiệm hướng về Nhân dân khu vực biên giới để Tết cổ truyền nơi đây ấm áp, thắm đượm tình quân dân.