Tiến sĩ Toán học đầu tiên của Việt Nam là ai?
A: Hà Huy Khoái
B: Lê Văn Thiêm
C: Đinh Nho Hào
D: Hoàng Xuân Hãn
Giải thích
GS.TS Lê Văn Thiêm sinh ngày 29/3/1918 tại làng Trung Lễ, xã Cổ Ngu, phủ Đức Thọ (nay là xã Lâm Trung Thuỷ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), trong một gia đình nho học lâu đời. Ông làm luận án tiến sĩ Toán học đầu tiên tại Đại học Göttingen (Đức). Ngày 4/4/1945, ông bảo vệ thành công luận án “Về việc xác định kiểu của một diện Riemann mở đơn liên”, qua đó, trở thành người Việt Nam đầu tiên có học vị tiến sĩ Toán học. Đến năm 1948, TS Lê Văn Thiêm tiếp tục bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học quốc gia về Toán tại Pháp, với đề tài “Về bài toán ngược phân phối giá trị các hàm phân hình”.
Trước khi theo đuổi Toán học, Lê Văn Thiêm từng chuẩn bị vào học ngành gì?
A: Ngành Vật Lý
B: Ngành Luật
C: Ngành Hóa học
D: Ngành Y học
Giải thích
Năm 1930, bố mẹ qua đời, Lê Văn Thiêm (lúc đó 12 tuổi) vào Quy Nhơn, nương tựa người anh cả để học Trường College de Quy Nhơn (nay là Trường Quốc học Quy Nhơn). Theo tư liệu của Đại học Quốc gia Hà Nội, chỉ trong 4 năm, Lê Văn Thiêm đã hoàn thành chương trình 9 năm và đứng đầu danh sách khen thưởng của nhà trường khi tốt nghiệp cao đẳng tiểu học (tương đương với THCS ngày nay). 3 tháng sau, ông thi đỗ tú tài phần 1 (tương đương lớp 11), việc mà người bình thường phải chuẩn bị khẩn trương trong 2 năm. Ngay năm sau, Lê Văn Thiêm lại thi đỗ tú tài toàn phần. Nguyện vọng lúc này của ông là học tiếp Toán học ở bậc đại học. Tuy nhiên, khi đó cả Đông Dương chỉ có một trường đại học tại Hà Nội, chuyên về Y khoa và Luật khoa, chưa đào tạo cử nhân Toán, nên năm 1938, Lê Văn Thiêm đành phải ghi tên theo học lớp Lý - Hoá - Sinh (PCB) để chuẩn bị vào học ngành y. Năm sau (1939), với thành tích đỗ thứ nhì kỳ thi PCB, Lê Văn Thiêm được nhận học bổng sang Pháp du học.
Từ Thụy Sĩ, GS.TS Lê Văn Thiêm về nước theo lời kêu gọi của ai?
A: Chủ tịch Hồ Chí Minh
B: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
C: Đặng Thai Mai
D: Vũ Đình Hòe
Giải thích
Sau khi giành được học vị tiến sĩ tại Pháp, Lê Văn Thiêm được mời làm giáo sư giảng dạy tại Đại học Zurich (Thụy Sĩ). Năm 1949, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.TS Lê Văn Thiêm đã có một quyết định hệ trọng đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời ông và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam - lòng yêu nước đã thúc giục ông từ bỏ địa vị khoa học không ít người mơ ước ở Zurich để về nước tham gia tích cực vào cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc. Sau khi về nước, GS.TS Lê Văn Thiêm công tác tại Sở Giáo dục Nam Bộ từ ngày 19/12/1949. Thời gian làm việc tại đây, GS.TS Lê Văn Thiêm đã được GS Hoàng Xuân Nhị giới thiệu vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
GS.TS Lê Văn Thiêm là hiệu trưởng đầu tiên của trường nào?
A: Đại học Sư phạm Hà Nội
B: Đại học Bách khoa Hà Nội
C: Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh
D: Đại học Y Hà Nội
Giải thích
Năm 1951, GS.TS Lê Văn Thiêm được điều động từ Nam Bộ ra Việt Bắc, nhận nhiệm vụ mới. Ngày 11/10/1951, Trường Sư phạm Cao cấp được thành lập, chính là Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ngày nay. GS.TS Lê Văn Thiêm trở thành hiệu trưởng đầu tiên của trường. Cũng trong giai đoạn này, GS.TS Lê Văn Thiêm đồng thời là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Khoa học cơ bản (một trong những trường tiền thân của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau này là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Từ 1954-1956, ông làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Giai đoạn 1957-1970, ông được cử giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, kiêm Chủ nhiệm khoa Toán. GS Lê Văn Thêm còn là đại biểu Quốc hội khoá II và III (1956 - 1970).
GS.TS Lê Văn Thiêm được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm nào?
A: 1993
B: 1994
C: 1995
D: 1996
Giải thích
Hội Toán học Việt Nam thành lập năm 1966 và GS.TS Lê Văn Thiêm là chủ tịch đầu tiên của hội này. Năm 1975, ông trở thành Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học Việt Nam. Ông còn là tổng biên tập đầu tiên của 2 tạp chí toán học Việt Nam là “Acta Mathematica Vietnamica” và “Vietnam Journal of Mathematics”. GS.TS Lê Văn Thiêm nghiên cứu nhiều vấn đề ứng dụng như tính toán nước thấm và chế độ dòng chảy cho các đập thủy điện Hòa Bình và thủy điện Vĩnh Sơn ở tỉnh Bình Định; tính toán chất lượng nước cho công trình thủy điện Trị An ở tỉnh Đồng Nai. GS.TS Lê Văn Thiêm mất ngày 3/7/1991 tại TP Hồ Chí Minh, sau khoảng 10 năm công tác tại Phân viện Khoa học Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. Theo tư liệu của Đại học Quốc gia Hà Nội, trong suốt 47 năm (1944-1991), GS.TS Lê Văn Thiêm đã để lại trên 20 công trình khoa học có giá trị, trong đó có công trình là nguồn gốc xuất phát của một số luận án tiến sĩ Toán học của Mỹ hiện nay. Ông có những đóng góp to lớn cho Toán học trên cả 3 phương diện: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai ứng dụng. Hội Toán học Việt Nam có một giải thưởng mang tên Lê Văn Thiêm, được trao hàng năm cho những giáo viên và học sinh xuất sắc, có nhiều đóng góp cho ngành Toán học nước nhà. Để ghi nhớ những cống hiến to lớn của GS.TS Lê Văn Thiêm về khoa học, giáo dục và xã hội, 5 năm sau ngày ông mất, Nhà nước Việt Nam đã truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập hạng Nhất, vinh dự cao quý mà ít nhà khoa học đạt được.