Lịch sử hào hùng
550 năm xây dựng và phát triển, Hương Sơn vươn mình trên hành trình giàu mạnh. (Ảnh: Minh Lý)
Hương Sơn xưa thuộc huyện Dương Toại, quận Cửu Đức, Hoan Châu. Mùa thu năm 2019 này, Hương Sơn tròn 550 tuổi - tính từ thời điểm vua Lê Thánh Tông định lại bản đồ hành chính cả nước (năm 1469), và đổi tên từ huyện Đỗ Gia thành huyện Hương Sơn.
Cuộc chuyển đổi tên gọi từ Đỗ Gia thành Hương Sơn là một quá trình lịch sử khẳng định ý chí của người dân nơi đây với một khát khao mở ra kỷ nguyên phát triển mới trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống. Ở những năm nửa đầu thế kỷ XV, Hương Sơn là vùng đất rộng, người thưa, đã được vua Lê Thánh Tông tiến hành cho dân khai hoang, mở rộng diện tích canh tác, lập nên những làng quê mới.
Hàng năm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Ngàn Phố thu hút nhiều đội tham gia tranh tài và hàng nghìn khán giả đến cổ vũ.
Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, mảnh đất này vẫn không ngừng lớn mạnh và đã viết nên nhiều chiến công hiển hách bằng tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng quả cảm, với sức mạnh ý chí và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, hòa hiếu và khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, nhân dân Hương Sơn đã vùng lên làm cuộc tổng khởi nghĩa thành công, đập tan bè lũ đế quốc phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân. Trải qua các cuộc kháng chiến, mảnh đất này có hơn 2.800 liệt sĩ đã ngã xuống trên các chiến trường; hơn 200 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 20 đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là dịp để người dân Hương Sơn nói riêng và nhân dân cả nước nói chung bày tỏ tấm lòng tri ân, ngưỡng mộ Đại danh y – một bậc tiền nhân sáng trong về y đức, y đạo, y thuật.
Hương Sơn là mảnh đất có truyền thống văn hóa, học hành khoa bảng; là nơi hội tụ, góp sức của biết bao con người tài hoa, như: Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tiến sĩ Đinh Nho Công, Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện…
Đình Tứ Mỹ thuộc xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hương Sơn. Năm 1990 đình Tứ Mỹ được Bộ văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia
Nơi đây có nhiều di tích văn hóa, lịch sử, là vùng đất sinh ra nhiều hiền tài đỗ đạt cao với 11 vị đại khoa, 48 vị cử nhân. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, đến nay, Hương Sơn có trên 130 vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở mọi lĩnh vực khoa học, cùng nhiều tướng lĩnh cao cấp.
Người dân làng đan Thịnh Xá, xã Sơn Thịnh vẫn gìn giữ và phát triển nghề đan truyền thống
Qua lao động, sản xuất, Hương Sơn đã tạo ra những sản vật lắng đọng hồn quê như: Làng mộc Xa Lang, làng đan Thịnh Xá và các đặc sản nhung hươu, cam bù, kẹo cu đơ nổi tiếng của một vùng quê sơn thủy hữu tình.
Đoàn kết, sáng tạo xây dựng quê hương phát triển
Những năm qua, Hương Sơn triển khai, thực hiện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị theo hướng đổi mới, tổ chức, sắp xếp tinh gọn bộ máy; nêu cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu.
Những năm qua, Hương Sơn đã có những đổi thay toàn diện và sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, QPAN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện (khóa XXII), cấp ủy, chính quyền đã bám sát chương trình, kế hoạch công tác, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị với quyết tâm cao; xác định rõ việc trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo theo từng năm, từng giai đoạn.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị theo hướng đổi mới, tổ chức, sắp xếp tinh gọn bộ máy đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Phát huy lợi thế có nhiều diện tích vườn đồi, người dân Hương Sơn đã đầu tư, phát triển trang trại, gia trại trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp, chăn nuôi...
Năm 2018, tổng giá trị sản xuất đạt 6.548 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) đạt 46,23 triệu đồng (tăng 37,02% so với năm 2015). Thu ngân sách đạt 92,05 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,56%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85%. Có 16/30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 31/32 trạm y tế, 61/68 trường học đạt chuẩn quốc gia; trên 90% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa.
Chăn nuôi hươu - nghề truyền thống mang lại nguồn thu nhập hàng trăm tỷ đồng/năm cho người chăn nuôi Hương Sơn
Năm 2019, Hương Sơn phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; giữ vững ổn định sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ và công nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư; chỉ đạo và thực hiện quyết liệt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; trọng tâm là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân.
Làng quê NTM Sơn Tân êm đềm, thanh bình bên dòng Ngàn Phố
Có được những kết quả hôm nay, trước hết là nhờ sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; sự đồng thuận của nhân dân, doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị cũng đã bám sát chương trình, kế hoạch công tác, triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị với quyết tâm cao. Đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, tỉnh, huy động các nguồn lực xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức; sự ủng hộ tích cực của con em quê hương đang công tác và sinh sống trên mọi miền Tổ quốc.
Để hoàn thành các mục tiêu KT-XH theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đặt mực tiêu thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019.
Lãnh đạo các phòng, ban cấp huyện thường xuyên bám nắm cơ sở, trực tiếp chỉ đạo, lắng nghe ý kiến nhân dân, kịp thời xử lý, giải quyết những vướng mắc phát sinh từ cơ sở
Chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện mục tiêu năm 2020 với niềm tin, khí thế và quyết tâm chính trị cao nhất. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trên tất cả các mặt; thực hiện có hiệu quả phương châm: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững.
Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn xã hội… Đảm bảo QPAN vững chắc, TTATXH, an ninh chính trị.
Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững
Trên chặng đường mới, còn nhiều chỉ tiêu, mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Khó khăn, thử thách còn nhiều nhưng được tiếp sức từ truyền thống của cha ông, với niềm tự hào của những người con “miền núi thơm” địa linh nhân kiệt, tin tưởng rằng, Đảng bộ và nhân dân Hương Sơn sẽ sớm về đích trong hành trình đi tới giàu mạnh, văn minh.
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn