Tình hình Covid-19 trên thế giới và cách đối phó của các quốc gia

Tính đến khoảng 7 giờ ngày 24/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 15.639.561 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 635.595 ca tử vong.

Tình hình Covid-19 trên thế giới và cách đối phó của các quốc gia

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Pretoria, Nam Phi ngày 10/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng worldometers.info, tính đến khoảng 7 giờ giờ ngày 24/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 15.639.561 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 635.595 ca tử vong.

Hiện vẫn còn hơn 5475711 triệu bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị và hơn 9528255 triệu ca đã hồi phục. Số ca mắc mới trên toàn cầu không có dấu hiệu chậm lại. Dịch bệnh lây lan nhanh nhất tại Mỹ và khu vực Nam Mỹ.

Nam Phi lại đóng cửa trường học do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Phi, ngày 23/7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tuyên bố bắt đầu từ ngày 27/7 sẽ tạm thời đóng cửa tất cả các trường phổ thông công lập trên cả nước trong thời gian 4 tuần, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp tại quốc gia phát triển nhất châu Phi này.

Trong thông điệp quốc gia phát trực tiếp trên truyền hình tối cùng ngày, Tổng thống Ramaphosa cho biết trong khi đa số học sinh các khối phổ thông sẽ quay lại trường vào ngày 24/8, học sinh lớp 7 và lớp 12 - hai khối học cuối cấp - sẽ quay lại trường sớm hơn nhằm đảm bảo việc hoàn thành các kỳ thi tốt nghiệp. Theo ông Ramaphosa, năm học có thể sẽ phải kéo dài đến năm 2021 do dịch COVID-19.

Trước đó, ngày 8/6, các cơ sở giáo dục công lập tại Nam Phi đã đón học sinh phổ thông quay lại trường sau khi đóng cửa từ hôm 18/3 do dịch COVID-19.

Nam Phi bước sang ngày thứ 119 áp dụng lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc do dịch COVID-19. Tính đến hết ngày 23/7, nước này ghi nhận 408.052 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong đó bao gồm hơn 6.000 trường hợp tử vong. Quốc gia 59 triệu dân này hiện đứng thứ 5 trong số các nước có nhiều ca mắc COVID-19 nhất thế giới.

Iraq nối lại các chuyến bay thương mại

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông, ngày 23/7, sân bay quốc tế Baghdad ở thủ đô Iraq đã mở cửa trở lại cho các chuyến bay thương mại đã lên kế hoạch từ trước, sau nhiều tháng phải đóng cửa do dịch bệnh COVID-19.

Dịch bệnh COVID-19 tại Iraq vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong vài tuần qua. Iraq đã ghi nhận 102.226 trường hợp nhiễm COVID-19 và 4.122 ca tử vong. Trung bình mỗi ngày Iraq có thêm hơn 2.000 ca nhiễm mới. Riêng trong ngày 23/7, Iraq có 2.361 ca nhiễm, Bộ Y tế nước này cho biết./p>

Iraq đã đình chỉ tất cả các chuyến bay đi và đến từ tháng Ba, chỉ cho phép một số chuyến bay bất thường hoặc thuê bao trọn gói hoạt động và được cấp phép. Bên cạnh đó, Iraq cũng tiến hành đóng cửa biên giới trên bộ và thực hiện lệnh giới nghiêm.

Việc mở cửa trở lại sân bay quốc tế nói trên đi kèm với các biện pháp phòng chống dịch để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cơ quan hàng không dân sự Iraq cho biết một số hành khách di chuyển từ sân bay được yêu cầu phải tiến hành xét nghiệm dịch bệnh trước chuyến bay vài ngày và những hành khách đến phải thực hiện xét nghiệm 48 tiếng trước khi lên máy bay,/p>

Hành khách phải được đo nhiệt độ khi đến sân bay và một số biện pháp về giãn cách xã hội được thực hiện tại một số khâu như tại cửa kiểm soát hộ chiếu nhưng không thực hiện trên khoang máy bay.

Bỉ dừng áp dụng giai đoạn 5 dỡ bỏ cách ly xã hội

Ngày 23/7, Hội đồng an ninh quốc gia Bỉ đã họp bàn về các biện pháp nâng cao cảnh giác, phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời ngừng áp dụng giai đoạn 5 dỡ bỏ cách ly xã hội nhằm tránh để tình hình trở nên xấu hơn.

Tình hình Covid-19 trên thế giới và cách đối phó của các quốc gia

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Brussels, Bỉ ngày 11/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong buổi họp báo sau cuộc họp trên, Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmès cho biết việc gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh mới không phải điều quá bất thường trong quá trình dỡ bỏ các biện pháp cách ly xã hội, nhưng mọi diễn biến phải được đặt dưới sự kiểm soát và thận trọng tuyệt đối.

Nếu không có các biện pháp phòng ngừa, rất có thể đất nước sẽ phải tái áp dụng các biện pháp vô cùng nặng nề như phong tỏa.

Thủ tướng Wilmès công bố các biện pháp bổ sung sẽ được thực hiện cả ở cấp quốc gia cũng như địa phương. Người dân sẽ buộc phải đeo khẩu trang tại các chợ ngoài trời và lễ hội làng, phố mua sắm cũng như các khu vực đông người qua lại, không phân biệt nơi công cộng hay tư nhân (những khu vực này phải được chính quyền cấp quận xác định rõ).

Sử dụng khẩu trang trở thành bắt buộc trong các tòa nhà công cộng nơi người dân có thể tiếp cận và trong nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, quán bar, trừ những người ngồi cùng bàn. Việc kiểm soát thực hiện các biện pháp trên sẽ được tăng cường, đặc biệt là trong các quán bar và quán càphê.

Các cửa hàng phục vụ đêm sẽ phải đóng cửa lúc 22 giờ. Giới hạn về số lượng người được gặp gỡ tối đa mỗi tuần vẫn ở mức 15 người. Ngoài ra, Thủ tướng thông báo Hội đồng có thể xem xét việc mở cửa triển lãm và hội chợ trở lại vào tháng 9.

Số ca nhiễm mới COVID-19 ở Bỉ đang có xu hướng tăng trở lại. Ngày 23/7, Viện y tế sức khỏe cộng đồng Bỉ Sciensano công bố trong tuần từ ngày 13-19/7, trung bình có 192,7 ca nhiễm được phát hiện mỗi ngày.

Con số này gần gấp đôi mức trung bình của tuần trước, với mức tăng 91%. Tổng cộng, có 1.349 ca nhiễm mới từ ngày 13 đến 19/7, so với 707 ca trong khoảng thời gian từ ngày 6-12/7.

Tình trạng báo động trên được ghi nhận ở toàn bộ các tỉnh của nước Bỉ và tất cả các nhóm tuổi đều liên quan, nhưng người dưới 50 tuổi chiếm 71%. Số bệnh nhân nhập viện tăng 40% so với tuần trước, với con số trung bình 13,6 người mỗi ngày.

Tính đến ngày 22/7, đã có 191 giường bệnh được sử dụng cho bệnh nhân mắc COVID-19, tăng 27% so với 7 ngày trước đó. Trong số các bệnh nhân nhập viện, có 41 trường hợp phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt (tăng 52%).

Kể từ khi dịch bùng phát, 64.627 trường hợp COVID-19 đã được xác nhận tại Bỉ và 9.808 bệnh nhân đã bị virus SARS-CoV-2 cướp đi mạng sống.

Vùng Madrid (Tây Ban Nha) khuyến nghị người dân đeo khẩu trang ở trong nhà

Cùng ngày, vùng Madrid của Tây Ban Nha khuyến nghị người dân đeo khẩu trang thậm chí ngay ở trong nhà nếu họ có các cuộc gặp mặt hoặc tụ tập với những người mà họ không sống cùng.

Phát biểu họp báo, người đứng đầu cơ quan y tế vùng Madrid Enrique Ruiz Escudero nêu rõ: “Chúng tôi khuyến nghị, như một biện pháp phòng ngừa, việc đeo khẩu trang trong các không gian riêng tư khi có các buổi gặp mặt hoặc tụ tập gồm những người không sống cùng nhau. Chúng tôi cảm thấy đây là điều quan trọng bởi phần lớn các ca lây nhiễm xảy ra trong các cuộc tụ họp gia đình hoặc bạn bè hoặc các buổi liên hoan quy tụ những người không sống cùng nhau.”

Quan chức này nhấn mạnh việc đeo khẩu trang trong các cuộc tụ họp riêng tư tùy thuộc vào mỗi công dân, đồng thời công nhận rằng đa số người dân ở Madrid đều đeo khẩu trang khi ra ngoài dù đây không phải là điều bắt buộc.

Madrid là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại Tây Ban Nha. Tuy nhiên, trong những tuần qua, khu vực này lại ghi nhận số ca nhiễm thấp hơn so với 2 vùng Catalonia và Aragon, nơi có nhiều ổ dịch mới được phát hiện trong thời gian gần đây.

Pháp đầu tư 6,5 tỷ euro tạo việc làm cho giới trẻ hậu COVID-19

Thủ tướng Pháp Jean Castex ngày 23/7 đã trình bày chi tiết kế hoạch giải pháp việc làm cho giới trẻ, được thực hiện trong 2 năm 2020 – 2021 với tổng số tiền đầu tư lên đến 6,5 tỷ euro.

Tình hình Covid-19 trên thế giới và cách đối phó của các quốc gia

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 15/7/2020. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, đây được coi như là một trang mới trong nhiệm kỳ 5 năm của Tổng thống Emmanuel Macron, rất cụ thể và được triển khai đồng đều trên các vùng lãnh thổ. Chính phủ đưa kế hoạch việc làm cho giới trẻ trong cuộc khủng hoảng y tế trở thành biểu tượng chiến lược của cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Trong chuyến thăm thành phố Besançon, Thủ tướng Castex đã nhấn mạnh rằng chính phủ cung cấp khoản hỗ trợ chưa từng có vì trong thời kỳ khủng hoảng, giới trẻ chính là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Cụ thể, khoản tiền 6,5 tỷ euro sẽ được phân bổ trong giai đoạn 2020-2021, bên cạnh 3,5 tỷ euro đã được duyệt trong ngân sách. Ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ việc tuyển dụng những lao động từ 25 tuổi trở xuống.

Số tiền lên tới 4.000 euro sẽ được trả cho các hợp đồng lao động từ một năm trở lên. Người sử dụng lao động đã đồng ý tăng trần lương tháng lên 2 mức lương tối thiểu, nghĩa là hơn 3.000 euro/tháng, thay vì 1,6 mức lương tối thiểu như dự kiến ban đầu. Chính phủ ước tính biện pháp này hỗ trợ cho 450.000 người lao động trẻ.

Thêm vào đó là sự khởi động lại các hợp đồng lao động được trợ cấp - vốn bị dừng từ năm 2017 - nhắm vào những người trẻ tuổi gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Khoảng 300.000 hợp đồng sẽ được trợ cấp, trong đó 60.000 trong lĩnh vực thương mại. Trong khu vực công, các hợp đồng được trợ cấp sẽ đạt hơn 150.000 vào năm 2021.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo sẽ được mở rộng để đón tiếp thêm 200.000 học viên bổ sung. Kế hoạch của chính phủ cũng hướng tới trợ giúp những doanh nghiệp đồng ý nhận lao động trẻ theo chương trình đào tạo vừa học vừa làm.

Chính phủ Italy thông qua khoản chi tiêu bổ sung 25 tỷ euro nhằm vực dậy nền kinh tế

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 23/7, báo chí địa phương đưa tin Chính phủ Italy vừa thông qua đề xuất chi tiêu bổ sung 25 tỷ euro (29 tỷ USD) nhằm tiếp tục vực dậy nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.

Khoản kích thích trọn gói này sẽ giúp chính phủ thực hiện chương trình hỗ trợ số lao động buộc phải tạm thời nghỉ việc do dịch COVID-19, cấp thêm các khoản trợ cấp cho chính quyền địa phương, giãn thời hạn nộp thuế cho cá nhân, doanh nghiệp và hỗ trợ các trường học với mục tiêu trẻ em, học sinh, sinh viên có thể đến trường trở lại vào tháng 9 tới.

Mặc dù phải tăng chi tiêu, nhưng chính phủ cam kết sẽ tìm cách cắt giảm thâm hụt ngân sách, vốn đang ở mức 10,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 1/2020 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng do khoản chi tiêu bổ sung này. Đề xuất chi tiêu bổ sung mới nhất dự kiến sẽ được trình lên Quốc hội Italy để bỏ phiếu thông qua vào đầu tháng 8.

Liên quan đến dịch COVID-19, Chính phủ Italy hiện vẫn chưa chính thức gia hạn tình trạng khẩn cấp liên quan đến đại dịch này. Tuy nhiên, hãng tin ANSA dẫn các nguồn tin trong chính phủ cho biết Nội các Italy về nguyên tắc đã nhất trí kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 31/10.

Italy hiện là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19, cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Tính đến tối 23/7, Italy đã ghi nhận 245.338 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 35.092 ca tử vong.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ

WHO duy trì cảnh báo cao nhất về đậu mùa khỉ

Ngày 22/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ, trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Phá mạng lưới gian lận thuế VAT xuyên quốc gia ở châu Âu

Cảnh sát tại nhiều nước châu Âu đã bắt giữ 43 người và thu giữ 520 triệu euro (547 triệu USD) trong cuộc điều tra của Văn phòng Công tố châu Âu (EPPO) và cảnh sát Italy về hành vi trốn thuế giá trị gia tăng (VAT) thông qua rửa tiền cũng như điều tra các hoạt động tội phạm có tổ chức.
Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Mexico tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong hơn 1 tháng

Chính phủ Mexico hôm 12/11 (giờ địa phương) cho biết đã bắt giữ hơn 3.015 đối tượng và tịch thu hơn 42 tấn ma túy trong các chiến dịch truy quét tội phạm được triển khai kể từ khi Tổng thống Claudia Sheinbaum nhậm chức ngày 1/10 đến nay.
Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.