Như tin đã đưa, ngày 21/11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra Bộ NN&PTNT về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao, tập trung làm rõ nguyên nhân dẫn tới 14 nhiệm vụ đã quá hạn chưa hoàn thành; đồng thời làm rõ thêm về 7 vấn đề Thủ tướng yêu cầu.
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc kiểm tra. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về nguyên nhân chung, Bộ NN&PTNT cho rằng số lượng nhiệm vụ lớn, nhiều nhiệm vụ phức tạp trong khi thời gian thực hiện ngắn. Lãnh đạo Bộ cũng cam kết thời hạn hoàn thành cụ thể với từng nhiệm vụ, như việc nghiên cứu, hoàn chỉnh cơ chế quản lý và sử dụng Quỹ phát triển xã và việc sửa đổi Nghị định 08 năm 2010 về quản lý thức ăn chăn nuôi phải hoàn thành chậm nhất trong tháng 12 năm nay.
Không đồng tình với giải trình của Tổng cục Thủy sản
Đồng ý với nhiều giải trình từ phía Bộ, nhưng Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Tổ trưởng Tổ công tác cũng không đồng tình với một số giải trình, đặc biệt là về 3 nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Tổng cục Thủy sản.
Cụ thể, đó là nhiệm vụ xây dựng Đề án Phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở một số nước; xây dựng Đề án xây dựng hệ thống thông tin nghề cá Việt Nam; xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 53/2012/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về lĩnh vực thủy sản.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai, đây là các đề án khó, liên quan đến các quốc gia biển, cần nghiên cứu kỹ luật pháp quốc tế, để bảo đảm khả thi, phù hợp cần có nhiều thời gian hơn. Theo ông Oai, các nước xây dựng đề án cũng phải 2-3 năm.
Tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ công tác chỉ rõ, những nhiệm vụ này do chính Bộ NN&PTNT đề xuất và được Chính phủ, Thủ tướng đồng ý, tức là cơ quan đề xuất đã phải có sự chuẩn bị từ trước. Ông hỏi lại về thời điểm hoàn thành các nhiệm vụ này.
Nghe thời điểm mà Tổng cục Thủy sản đưa ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ: “Chính phủ giao tháng 6/2016 phải hoàn thành, mà xin chậm thêm 1 năm là không được. Tới tháng 6/2017 mới xong thì quá chậm. Nếu báo cáo Chính phủ nhiệm vụ này kéo dài thêm 1 năm thì chắc chắn không được đồng thuận”, Bộ trưởng nói.
Đến đây, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản thừa nhận đề xuất ban đầu “chưa đúng hướng”, chưa lường trước được hết những khó khăn, phức tạp trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Tuy nhiên, ông Oai vẫn xin tới cuối tháng 6/2017 hoàn thành.
Nghe vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng gay gắt: “Nhiệm vụ này Chính phủ giao từ 26/11/2015, còn vài ngày nữa là tròn 1 năm mà vẫn chưa hoàn thành. Cái này là do trách nhiệm của anh. Trong số 14 nhiệm vụ tồn đọng của Bộ NN&PTNT, thì Tổng cục Thủy sản nhiều nhất, chắc chắn là có vấn đề. Tại sao các đơn vị khác không nhiều như vậy? Anh để sót trong tủ không làm, chứng tỏ anh không quan tâm đến cái này”.
Cuối cùng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chốt là cuối quý 1/2017 phải xong các đề án này.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn giải trình thêm, Bộ hết sức coi trọng công tác xây dựng thể chế, hằng tháng đều có giao ban chuyên đề về vấn đề này. “Tuy nhiên, phải thừa nhận những nguyên nhân chủ quan trong các việc bị chậm. Một là “tham” việc, muốn ban hành chính sách mà không lường hết được khó khăn, phức tạp, hai là trình độ cán bộ chưa hẳn đã tốt. Một số đơn vị chậm việc có trách nhiệm người đứng đầu”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn phân tích.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết Bộ sẽ tập trung phát triển 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
“Yết hầu” của ngành Nông nghiệp
Làm rõ hơn các vấn đề mà Thủ tướng lưu ý, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết tái cơ cấu nông nghiệp đã đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, quy mô nền nông nghiệp vẫn nhỏ bé, chủ yếu dựa trên 13 triệu hộ nông dân. Nhiều ngành hàng đã tiếp cận với chuẩn thế giới, nhưng chưa nhiều. Về tổng thể, sản phẩm nông nghiệp vẫn cạnh tranh chủ yếu là bằng số lượng, còn chất lượng chưa cao.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng cho rằng “yết hầu” của ngành Nông nghiệp là số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã; phải phát triển lực lượng này thì mới liên kết được hơn 13 triệu hộ nông dân để làm ăn lớn. Nguyên nhân nữa là vấn đề tích tụ ruộng đất và tiếp cận tín dụng.
Về giải pháp, Bộ trưởng khẳng định sẽ tập trung phát triển 10 sản phẩm chủ lực quốc gia; tập trung tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp và hợp tác xã…
Cụ thể, sẽ đề xuất sửa đổi Nghị định 210 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đề nghị sửa đổi quy định về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để giải quyết vấn đề tín dụng. Đặc biệt, đề nghị nới hạn điền bằng việc sửa đổi Điều 193 Luật Đất đai và đề xuất hình thành khung khổ cho thị trường giao dịch quyền sử dụng đất…
Khẳng định những kết quả trong xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng cũng thừa nhận những kết quả đạt được là chưa đồng đều ở các vùng miền, nhiều địa phương mới chú ý tới phát triển hạ tầng, ít quan tâm tới môi trường và việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế…. Bộ tiêu chí cũng chưa phù hợp, cần điều chỉnh.
Đã có thể yên tâm về chất cấm trong chăn nuôi
Được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ giải trình về hàng loạt vấn đề mà Thủ tướng lưu ý Bộ này.
Cụ thể, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đã có chuyển biến rõ nét trong năm 2016. “Đến thời điểm này, chúng ta đã có thể yên tâm về chất cấm trong chăn nuôi. Như với chất tạo nạc salbutamol, hồi tháng 8 trên cả nước còn có 1-2 vụ, nhưng từ tháng 9, tháng 10 tới nay, kiểm tra 450 mẫu cả nước không thấy có vi phạm nữa. Chờ hai tháng cuối năm, nếu không phát hiện được thì có thể tuyên bố đã xử lý dứt điểm vấn đề này”, ông Việt cho biết.
Đồng thời, vấn đề dư lượng kháng sinh đã có thay đổi lớn, vấn đề thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu đã xử lý được. Còn với những vi phạm trong lĩnh vực phân bón, ông Việt khẳng định trong năm 2017 sẽ có chuyển biến.
Đặc biệt, về vụ cấp chứng nhận trái phép cho hơn 800 sản phẩm thức ăn thủy sản tại Trung tâm khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản, ông Việt cho biết Bộ Công an sẽ sớm khởi tố vụ án này. Đây cũng là vụ việc mà Bộ chủ động phát hiện và xử lý, sẽ rút kinh nghiệm.
Về tổng thể 7 vấn đề Thủ tướng lưu ý, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng đây là những vấn đề mà Bộ NN&PTNT có vai trò chính, phải tiếp thu đầu tiên. Bộ sẽ có báo cáo đầy đủ gửi Thủ tướng, trong đó nêu rõ quyết tâm, đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể để giải quyết.
Không để nợ đọng thể chế
Kết luận buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá cao và ghi nhận các giải trình, đề xuất của Bộ. Tổ công tác sẽ báo cáo đầy đủ Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới thể chế, quản lý, phân cấp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ tập trung hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế. Bởi 14 nhiệm vụ nợ đọng của Bộ đều liên quan tới công tác xây dựng thể chế, gồm việc xây dựng 9 nghị định và 5 đề án. Bộ trưởng nhận xét, đây chính là “nợ đọng thể chế”.
“Có đơn vị rất trách nhiệm, nhưng cũng có đơn vị được giao nhiệm vụ để quá hạn quá nhiều, đặc biệt là Tổng cục Thủy sản, cả 3 nhiệm vụ đều chậm trễ tới hàng năm. Chính phủ kiến tạo thì Bộ phải kiến tạo”, Bộ trưởng nói và nhắc lại quyết tâm của Thủ tướng là “dứt khoát không để có khoảng trống pháp lý” và vừa qua, lần đầu tiên Chính phủ không còn nợ đọng văn bản.
Về 7 vấn đề Thủ tướng lưu ý, đây đều là những vấn đề chiến lược rất khó, đặc biệt là vấn đề tích tụ ruộng đất, Bộ cần tiếp thu nghiêm túc, có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể. Tinh thần là các đơn vị thuộc Bộ phải thay đổi tư duy trong xây dựng thể chế. “Nếu có vướng mắc giữa các Bộ thì kịp thời báo cáo, VPCP sẽ chủ trì, mời các bên ngồi lại để xử lý sẽ giải quyết được ngay”, Bộ trưởng cho biết.
Đề nghị Bộ cần hết sức quan tâm công tác ứng dụng công nghệ thông tin, hiện vẫn chưa được tốt, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng giao Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ nếu Bộ có yêu cầu.