Tổng thống Ukraine huy động lực lượng quân nhân dự bị

Tổng thống Ukraine vẫn chưa thực hiện lệnh tổng động viên, lưu ý rằng Kiev vẫn theo đuổi con đường ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng khẳng định rằng nước này sẽ không nhân nhượng trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/2 cho biết, ông đã ký sắc lệnh huy động lực lượng quân dân dự bị trong một thời gian đặc biệt, nhưng bác bỏ việc đã thực hiện một cuộc tổng động viên sau khi Nga triển khai binh sĩ vào Donbass, khu vực miền Đông Ukraine, làm nhiệm vụ “gìn giữ hòa bình”.

Tổng thống Ukraine huy động lực lượng quân nhân dự bị

Tổng thống Ukraine trong cuộc họp tại Quốc hội nước này. Ảnh: Reuters

Một cuộc khủng hoảng an ninh đang xảy ra ở châu Âu sau khi Nga công nhận hai khu vực ở miền Đông Ukraine. Cả hai khu vực này đều tiếp giáp với Nga.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, ông Zelensky cho biết Kiev vẫn theo đuổi các biện pháp ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng và hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán đa phương, nhưng cho biết Ukraine sẽ không nhượng bất kỳ phần lãnh thổ nào.

Ông Zelensky nói: “Với tư cách là Tổng tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang Ukraine, tôi đã ban hành một sắc lệnh về việc huy động lực lượng quân nhân dự bị trong một thời kỳ đặc biệt. Chúng tôi phải tăng cường sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội Ukraine trước mọi thay đổi có thể xảy ra".

Nhân dịp này, Tổng thống Zelensky đã công khai phản ứng trước việc các đại sứ quán nước ngoài và các doanh nhân Ukraine rời đất nước vì lý do an ninh, đồng thời kêu gọi các công ty ở lại hoạt động. “Tất cả họ đều phải ở lại Ukraine. Các doanh nghiệp của họ nằm trên lãnh thổ Ukraine đều được quân đội của chúng tôi bảo vệ”, ông Zelensky nhấn mạnh.

Ukraine và các nước phương Tây từ lâu đã cáo buộc Nga liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và gửi quân đội cùng vũ khí hạng nặng để hỗ trợ phe đòi độc lập từ năm 2014. Moskva luôn phủ nhận điều này, yêu cầu Kiev tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với các thủ lĩnh phe đòi độc lập mà Ukraine không công nhận tính hợp pháp.

Trong diễn biến liên quan, ngày 22/2, đảng đối lập Cương lĩnh - Vì sự sống của Ukraine đã ra tuyên bố kêu gọi Tổng thống Volodymyr Zelensky từ chức vì không giành lại quyền kiểm soát vùng Donbass, đài Sputnik đưa tin.

“Diễn biến ở vùng Donbass hiện tại là kết quả tồi tệ của sự thiếu linh hoạt và thiếu ý chí của nhà chức trách. Trong các cuộc bầu cử, 2/3 cử tri Ukraine đã bỏ phiếu cho hòa bình, để đưa Ukraine trở lại với Donbass và Donbass quay lại với Ukraine. Nhưng chính phủ, vốn nhận được sự tín nhiệm lớn của công chúng, đã không thể đương đầu với nhiệm vụ mang tầm quan trọng quốc gia này”, tuyên bố của đảng đối lập cho biết.

Đảng Cương lĩnh - Vì sự sống có 44 ghế trong Verkhovna Rada - Quốc hội Ukraine. Theo đảng này, trong 2,5 năm qua, bất chấp lời kêu gọi của các đối tác nước ngoài và phe đối lập tại Ukraine, yêu cầu của người dân cũng như nghĩa vụ quốc tế, chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky đã không thực hiện bước đi nào nhằm thực hiện vai trò chính trị của các thỏa thuận hoà bình Minsk.

Trong khi đó, đại diện chính quyền Ukraine liên tục khẳng định không vụ lợi, yêu cầu sửa đổi và không tuân theo thoả thuận. Cuối cùng, những người ủng hộ chính sách của cựu Tổng thống Petro Poroshenko đã phớt lờ khuôn khổ thoả thuận quốc tế về việc trao trả Donbass và khiến đất nước leo thang xung đột nghiêm trọng.

Theo baotintuc

Đọc thêm

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Indonesia xác nhận các trường hợp nhiễm HMPV

Indonesia xác nhận các trường hợp nhiễm HMPV

Ngày 7/1, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin xác nhận nước này đã phát hiện các ca nhiễm virus human metapneumovirus (HMPV), song khẳng định với người dân rằng căn bệnh này không nguy hiểm.