Trở về nhà an toàn

(Baohatinh.vn) - Những cái chết oan uổng, những tổn thương dai dẳng về thể chất và tinh thần sau mỗi vụ tai nạn giao thông khiến nhiều cuộc đời, nhiều gia đình không bao giờ tròn vẹn được nữa.

Hơn 4 năm trôi qua sau sự ra đi của chồng, chị B. - một người quen của tôi vẫn không thể nguôi ngoai nỗi đau mất người thân vì tai nạn giao thông. Chị kể, buổi sáng hôm ấy như bao ngày, anh vẫn dậy sớm ăn sáng, trò chuyện vui vẻ cùng các con, ôm tạm biệt vợ để đi làm. Vậy mà, buổi chiều hôm ấy chẳng như mọi ngày.

Những tháng đầu năm 2025, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Hà Tĩnh diễn biến phức tạp.

Thay vì mẹ con chị được đón anh trở về trong niềm vui và những nụ cười thì chị lại nhận được cuộc gọi định mệnh từ những người đi đường không quen biết. Tin dữ đến như sét đánh ngang tai, chị ngã khụy rồi ngất lịm trong tiếng khóc của hai con.

Dù luôn cố tỏ ra vững vàng, mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho vợ và gia đình, nhưng một người đàn ông mất con vì tai nạn giao thông thừa nhận với tôi rằng, anh cũng đã suy sụp hoàn toàn, khó lòng vực dậy sau cái chết của cậu con trai đang học lớp 6.

Anh nói rằng, anh ám ảnh và sợ hãi đến mức mỗi lần đi qua cung đường ấy, anh không thể giữ được bình tĩnh để tiếp tục cầm vô lăng. Mỗi lần bắt gặp những vệt sơn trắng của cơ quan chức năng đánh dấu lại hiện trường các vụ tai nạn trên đường, nước mắt lại lặng lẽ rơi bởi những hình ảnh đau thương trong quá khứ lại hiện về.

Công an Hà Tĩnh tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm giao thông.

Đó không chỉ là nỗi đau riêng của người thân, gia đình nạn nhân các vụ tai nạn giao thông mà còn là nỗi băn khoăn, nhức nhối của cả cộng đồng. Những tháng đầu năm 2025, chúng ta liên tiếp phải đón nhận những thông tin không vui khi cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây hậu quả đau thương.

Con số ngành chức năng công bố, 3 tháng đầu năm, trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra 90 vụ tai nạn giao thông, làm chết 62 người, bị thương 41 người. Trong đó, có những vụ bà cháu, mẹ con, anh em ruột, bạn học cùng tử vong. Hàng chục con người ra khỏi nhà và không bao giờ trở về hoặc phải mang nỗi đau đớn và thương tật trên cơ thể; hàng trăm phương tiện bị hư hỏng… Quá nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra trong một thời gian ngắn khiến bất kỳ ai cũng thấy giật mình, bất an.

Nguyên nhân của thực trạng đáng báo động này được nhận định là do cơ sở hạ tầng giao thông một số nơi chưa đồng bộ; mật độ, lưu lượng phương tiện giao thông lớn… Nhưng có lẽ nguyên nhân chính dễ nhận thấy là sự hiểu biết, ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế: phóng nhanh, vượt ẩu; lấn làn, lấn đường; sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; không tuân thủ quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn…

Mật độ phương tiện ngày càng cao, đòi hỏi người tham gia giao thông phải có ý thức tuân thủ pháp luật.

Số lượng các vụ tai nạn giao thông mà nạn nhân đang ở lứa tuổi học sinh tăng cao cũng cho thấy một thực tế đáng buồn là các bậc phụ huynh chưa sâu sát quản lý, giáo dục con em mình, giao xe cho con khi chưa đủ tuổi. Hậu quả của sự lơ là, lơi lỏng đó là những cuộc đời ngắn ngủi kết thúc, những ước mơ tuổi trẻ dang dở. Đến khi sự việc đã rồi thì mọi “giá như…” đều trở nên muộn màng.

Làm thế nào để trở về nhà an toàn? Câu hỏi cứ vang lên trong tâm thức không ít người khi phải chứng kiến, phải đọc, xem, nghe những tin tức tai nạn giao thông. Làm thế nào để trở về nhà an toàn, theo tôi, trước hết và hơn bao giờ hết, mỗi người trước khi ra đường cần tự nhắc mình ý thức tuân thủ Luật Trật tự, an toàn giao thông, nhất là phải đảm bảo đủ điều kiện mới cầm lái.

Thêm vào đó, việc giữ thái độ điềm tĩnh khi tham gia giao thông cũng rất quan trọng đối với việc tự bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và những người xung quanh.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói