Là địa bàn giáp thành phố Vinh (Nghệ An), có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua (quốc lộ 1, tuyến tránh quốc lộ 1 TX Hồng Lĩnh) nên tình hình giao thông tại thị trấn Xuân An luôn tiềm ẩn. Cùng với các giải pháp của ngành chuyên môn, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân thị trấn thường xuyên chú trọng công tác xây dựng tổ dân phố văn hoá, hình thành ý thức chấp hành giao thông.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Xuân An Bùi Duy Tuyến thông tin: "Từ năm 2024 đến nay, trên địa bàn xảy ra 5 vụ tai nạn giao thông và một số vụ va chạm, mặc dù không để lại hậu quả nặng nề nhưng thực tế đó đặt ra trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong công tác quản lý, siết chặt các giải pháp. Trong đó, việc xây dựng 12/12 tổ dân phố đạt chuẩn văn hoá được chúng tôi đặc biệt chú trọng. Nhờ vậy, người dân không chỉ ổn định về mặt kinh tế mà còn có đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú".
Cũng theo ông Tuyến, bên cạnh việc xây dựng văn hoá ở cộng đồng dân cư, thị trấn Xuân An còn tập trung tới tiêu chí gia đình văn hoá nhằm nuôi dưỡng nhân cách và giáo dục nếp sống cho từng thành viên. Đây là yếu tố quan trọng để huy động sự vào cuộc của các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con em chấp hành tốt các quy định từ khi còn nhỏ. Từ đó, giúp các em hình thành ý thức thượng tôn pháp luật ngay khi mới tham gia giao thông.
Ngoài hạt nhân chính từ trong gia đình, thời gian qua, lực lượng Công an thị trấn Xuân An đã làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm giao thông. Theo đó, Công an thị trấn đã phối hợp tổ chức 25 buổi tuyên truyền pháp luật về ATGT; tham mưu UBND thị trấn ban hành kế hoạch xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, họp chợ trái phép; thực hiện ký cam kết đối với các hộ dân kinh doanh thường xuyên lấn chiếm lòng đường vỉa hè để kinh doanh; tổ chức 6 đợt giải tỏa, hàng trăm lượt tuần tra xử lý vi phạm hành lang trật tự an toàn giao thông...
Công an thị trấn Xuân An cũng thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn duy trì, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tiếp tục duy trì hoạt động mô hình “Tổ liên gia tự quản” với 70 tổ, 3.051 hộ dân; mô hình "Camera an ninh”, “Giáo họ an toàn về ANTT”, mô hình “đoàn kết xây dựng đô thị văn minh”...
Trong năm 2024, trên địa bàn phường Đồng Môn (TP Hà Tĩnh) xảy ra 3 vụ TNGT khiến 1 người tử vong, tuy vậy, tín hiệu đáng mừng là từ đầu năm đến nay không xảy ra tình trạng này.

Thiếu tá Lê Đăng Tiến - Trưởng Công an phường Đồng Môn trao đổi: "Kết quả bước đầu nhờ vào sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nói chung và mỗi gia đình nói riêng trong giáo dục, định hướng, răn đe con em. Hiện nay, 9/9 tổ dân phố trên địa bàn phường đều đạt chuẩn về ANTT và để duy trì tiêu chí này, việc thay đổi ý thức khi tham gia giao thông thường xuyên được gia đình, khối phố hết sức quan tâm".
Ngoài những biện pháp xuyên suốt như tuyên truyền qua nhóm "Zalo kết nối bình yên", tổ chức các hội nghị tại 100% trường học trên địa bàn, duy trì hiệu quả của các mô hình đảm bảo ANTT, Công an phường Đồng Môn còn viện dẫn các vụ án điển hình về vi phạm giao thông đường bộ, nhất là hành vi giao phương tiện cho con em khi chưa đủ tuổi lái xe để cảnh báo, răn đe. Cùng đó, lực lượng công an còn tích cực vận động phụ huynh nhắc nhở học sinh chấp hành nghiêm các quy định. Chính vì vậy, mỗi thành viên trong gia đình đã trở thành một tuyên truyền viên hiệu quả chung tay xây dựng văn hoá giao thông.
Việc xây dựng gia đình văn hoá, khối phố văn hoá được cấp ủy, chính quyền 12 địa phương tại Hà Tĩnh đặc biệt chú trọng. Từ đó, đặt nền móng vững chắc để hình thành thói quen ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật khi tham gia giao thông.

Theo đánh giá từ cơ quan chức năng, để xây dựng văn hóa giao thông, ngoài trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, trách nhiệm của người thực thi công vụ về giao thông, việc chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hành vi ứng xử có văn hóa của người tham gia giao thông là yếu tố rất quan trọng.
Đại tá Đặng Hoài Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh nêu thực tế: Qua thống kê cho thấy, có đến hơn 90% số vụ TNGT xảy ra tại Hà Tĩnh xuất phát từ ý thức của người dân. Trong đó, số công dân đang thường trú, tạm trú trên địa bàn gây ra tai nạn hoặc có một phần lỗi trong các vụ TNGT chiếm trên 70%. Thực tế này đặt ra trách nhiệm của xã hội, nhà trường và đặc biệt là ngay từ chính gia đình trong việc giáo dục, hình thành thói quen tham gia giao thông.
Từ việc xác định các nguyên nhân, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã nhấn mạnh các giải pháp góp phần giảm thiểu TNGT trên địa bàn. Theo đó, cấp uỷ, chính quyền, các sở, ngành tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật; cải thiện, nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ; ứng dụng CNTT nhằm nâng cao công tác quản trị, quản lý về giao thông.
Trước mắt, huy động sự vào cuộc của gần 6.000 tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn; phấn đấu 100% gia đình đạt chuẩn văn hoá nhằm tác động tích cực tới nếp nghĩ, cách làm, nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với vấn đề chung của xã hội...