
Tại Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cầu Treo (Hương Sơn), nơi dòng chảy hàng hóa và con người luôn tấp nập, lực lượng chức năng không chỉ đối mặt với áp lực kiểm soát thông thường mà còn phải cảnh giác cao độ với những thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi.
Vào ngày 11/5/2024, tại barie số 2 (CKQT Cầu Treo), chiếc xe bán tải BKS 34C-366.77 từ Lào về Việt Nam “lọt” vào tầm ngắm của tổ công tác liên ngành. Trên xe có 4 người đàn ông, vẻ bề ngoài của họ không có gì khác lạ so với hành khách thông thường, trừ những món trang sức họ đang đeo. Bằng kinh nghiệm và sự nhạy bén, lực lượng chức năng đã nhận thấy những điểm nghi vấn. Kết quả không mấy bất ngờ là số vàng họ đeo trên người không phải là trang sức cá nhân mà chính là tang vật của một vụ buôn lậu, với trọng lượng hơn 4 kg…
Danh tính các đối tượng nhanh chóng hiện rõ: Nguyễn Mạnh Thắng (SN 2000, trú xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành, Hải Dương); Vũ Hoàng Long (SN 1986), Phạm Đình Hiệp (SN 1980), đều trú tại thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, Hải Dương; Nguyễn Việt Quang (SN 2004, trú xã Ea Sar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk).

Nguyễn Mạnh Thắng (chủ mưu) sau đó đã khai nhận chính là người đã sang tận Thủ đô Viêng Chăn (Lào) để đặt mua số vàng trên bằng tiền kíp Lào, tương đương với 7,8 tỷ đồng tiền Việt Nam. Thay vì tìm cách cất giấu, Thắng đã nảy ra ý tưởng táo bạo, chế tác toàn bộ số vàng thành 4 sợi dây chuyền và 4 mặt thắt lưng. Số trang sức đặc biệt này sau đó được chia đều cho 4 người cùng đeo lên người để qua mặt lực lượng chức năng.
Dù thủ đoạn của các bị cáo khá tinh vi, song, sự cảnh giác cao độ tại cửa khẩu biên giới đã khiến "kịch bản" tưởng chừng như hoàn hảo của chúng đã thất bại. Không thể xuất trình bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào chứng minh nguồn gốc và quyền sở hữu số vàng, cả 4 đối tượng đã bị lập biên bản bắt giữ về hành vi vận chuyển, buôn lậu hàng hóa qua biên giới.
Tại phiên tòa do TAND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức mới đây, khi đối diện với những chứng cứ và sự nghiêm minh của pháp luật, cả 4 bị cáo đều cúi đầu nhận tội. Nhưng có lẽ, khoảnh khắc khiến nhiều người phải suy ngẫm nhất chính là khi Nguyễn Mạnh Thắng - với vai trò là kẻ chủ mưu - được phép trả lời các câu hỏi liên quan đến động cơ và quá trình phạm tội.
Khác với vẻ ngoài tự tin, ranh mãnh của kẻ dám nghĩ ra kịch bản buôn lậu táo bạo, giờ đây, trong tâm trí Thắng chỉ còn là sự vỡ vụn và hối hận. "Thưa HĐXX, bị cáo nhận hết tội lỗi của mình. Nhìn lại con đường mình đã đi, bị cáo không biện minh gì cho hành vi sai trái. Tất cả là do lòng tham, sự mù quáng. Cái suy nghĩ muốn giàu nhanh, muốn đổi đời nó cứ ám ảnh. Cứ thế, bị cáo bắt đầu tìm hiểu, nghe ngóng và rồi biết đến con đường buôn lậu này. Mua được số vàng đó, bị cáo đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định làm thành trang sức để qua mặt lực lượng chức năng vì đó là đồ cá nhân. Cứ nghĩ mọi chuyện sẽ suôn sẻ cho đến khi bị lực lượng chức năng dừng xe ở cửa khẩu kiểm tra, bị hỏi về giấy tờ... Lúc ấy bị cáo như chết lặng. Chỉ vì ham giàu, bị cáo đã khiến nhiều người bị liên lụy, đối mặt với pháp luật” - Thắng nức nở trước tòa.

Phần khai báo của Thắng không chỉ là sự thừa nhận về hành vi sai trái mà còn là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, phát ra từ chính bi kịch do lòng tham gây nên. Với vai trò chủ mưu, tổ chức hoạt động buôn lậu khối lượng vàng đặc biệt lớn, Thắng phải nhận mức án 12 năm tù giam về tội “Buôn lậu”. Được xác định có vai trò giúp sức trong việc vận chuyển, Phạm Đình Hiệp nhận mức án 42 tháng tù giam; Vũ Hoàng Long và Nguyễn Việt Quang cùng bị tuyên phạt 36 tháng tù cho hưởng án treo về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.
Lời thú tội và sự thức tỉnh muộn màng của Nguyễn Mạnh Thắng là bài học xương máu về giá trị của sự thiện lương, sự bình yên trong cuộc sống của con người. Cái giá 12 năm tù không chỉ là sự trừng phạt mà còn là khoảng thời gian để Thắng và những người liên quan suy ngẫm về sai lầm của mình.