Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh điều hành thảo luận tổ về nhiều vấn đề quan trọng

(Baohatinh.vn) - Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh điều hành phiên thảo luận tổ cùng đoàn ĐBQH các tỉnh: Cao Bằng, Lâm Đồng, Cà Mau.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh - Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận tổ 16.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ.

Kinh tế vĩ mô phục hồi tăng trưởng

Cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, thẩm tra của các cơ quan Quốc hội về kết quả KT-XH, ngân sách Nhà nước năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, các ĐBQH ghi nhận, trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế vĩ mô giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, tạo cơ sở cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Các đại biểu nhận định, các chính sách với người có công, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, giảm nghèo đạt kết quả tích cực; chất lượng GD&ĐT tiếp tục nâng cao; tập trung phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; công tác phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chỉ đạo quyết liệt, từng bước khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; các chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng được chú trọng và thực hiện hiệu quả.

Các đại biểu khẳng định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được chú trọng; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt; việc kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền được tập trung; tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; triển khai hiệu quả các dự án trọng điểm quốc gia; QP-AN được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều thành tựu.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng phát biểu thảo luận.

Vẫn còn những thách thức

Các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ diễn biến tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng trưởng dù cải thiện nhưng chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững; các cực tăng trưởng chưa thực sự phát huy được vai trò liên kết và thúc đẩy các vùng; tổng cầu trong nước yếu, chậm hồi phục trong bối cảnh áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội còn chậm; tình trạng đầu cơ đất đai, tích trữ vàng, ngoại tệ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Bên cạnh đó, tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên chưa được xử lý dứt điểm; bạo lực học đường, tỷ lệ thanh thiếu niên, học sinh sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử tăng; triển khai nền tảng số quốc gia còn chậm; dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện; cơ sở dữ liệu quốc gia chưa kết nối, chia sẻ khai thác hiệu quả; chi trả chế độ chính sách qua tài khoản còn bất cập, nhất là cho các đối tượng cao tuổi, ở vùng sâu, vùng xa.

Bên cạnh đó, việc bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, xử lý thông tin xấu độc còn nhiều thách thức; tội phạm về trật tự xã hội, tham nhũng, kinh tế, xâm phạm sở hữu trí tuệ, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp; xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, cháy nổ, ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân, doanh nghiệp.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Cà Mau Đinh Ngọc Minh tham gia thảo luận tổ.

Xây dựng chính sách đồng bộ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu, nhiệm vụ khác theo kế hoạch, các đại biểu đề nghị trong những tháng còn lại của năm 2024, Chính phủ cần tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo nghị quyết của Quốc hội.

Đại biểu đề nghị tập trung kiểm soát lạm phát, tỷ giá; đảm bảo cung ứng và bình ổn các mặt hàng thiết yếu, chấn chỉnh thị trường vàng; thúc đẩy chuyển đổi, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi số, ứng dụng KH&CN; triển khai hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, công trình trọng điểm quốc gia; rà soát và kịp thời đề ra các giải pháp để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.

Tích cực thu hồi nợ thuế; điều hành chi bám sát dự toán, tiết kiệm, hiệu quả; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt; tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Đối với sáp nhập đơn vị hành chính, cần có các tiêu chí linh hoạt với mục tiêu hướng đến phục vụ tốt hơn cho người dân, tránh lãng phí; có giải pháp để cán bộ, người dân phản biện, phản ánh trung thực thực trạng để giải quyết triệt để; tiếp tục đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các vị ĐBQH Tổ 16 đề nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế, định mức, tiêu chuẩn, chế độ; đẩy mạnh sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; phê duyệt phương án kinh doanh, liên kết kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tránh lãng phí, thất thoát và nguy cơ tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, tài sản công, lao động…

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu thảo luận tại tổ.

Tăng cường quản lý an ninh mạng, định hướng tốt dư luận xã hội

Phát biểu tại buổi thảo luận, đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh - Tổ trưởng Tổ thảo luận số 16 đánh giá: Chính phủ đã có sự điều hành linh hoạt, chủ động và quyết liệt, đề ra những giải pháp khả thi, phù hợp với bối cảnh tình hình ở từng giai đoạn cụ thể, qua đó giúp nền kinh tế từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì đà phục hồi và phát triển, giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn…

Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phát biểu tại buổi thảo luận.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ băn khoăn về tình trạng chất lượng lao động còn bất cập so với yêu cầu; vẫn còn xảy ra thiếu thuốc ở một số bệnh viện công lập; mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở còn nhiều hạn chế; sản phẩm OCOP nhiều nhưng chất lượng chưa cao…

Thống nhất với báo cáo và ý kiến các đại biểu, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 16 đề xuất rà soát số liệu báo cáo sát thực hơn; phát huy văn hóa, bố trí nguồn lực hỗ trợ các địa phương xây dựng các thiết chế văn hóa trọng điểm, khai thác hiệu quả giá trị các sản phẩm văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm quốc gia; thực hiện hiệu quả việc cải cách tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách cho người có công và các chính sách giảm nghèo bền vững; gắn tăng lương với quản lý giá; tháo gỡ vướng mắc để triển khai hiệu quả chính sách nhà ở xã hội…

Đồng chí Hoàng Trung Dũng đề nghị tăng cường quản lý mạng xã hội, định hướng kịp thời dư luận xã hội, tăng cường truyền thông các mặt tích cực; tập trung bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm, an ninh mạng; đẩy mạnh tuyên truyền về tín chỉ cacbon để người dân hướng tới thực hiện; quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai, trụ sở làm việc; tiếp tục quan tâm đúng mức chế độ, chính sách cho cán bộ cơ sở; tạo tính chủ động, chịu trách nhiệm cho địa phương; làm rõ lộ trình, giải pháp cụ thể để sắp xếp các đơn vị hành chính; sớm điều chỉnh chính sách dân số phù hợp với tình hình mới...

Chủ đề Họp Quốc hội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói