Cuối năm 2019, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê Hỗ trợ 200 đàn óng giống cho các hộ nghèo, cận nghèo ở xã Hương Lâm (Ảnh tư liệu: Trí Quân)
Cuối năm 2019, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê phối hợp với Chi nhánh Công ty Cổ phần ong Trung ương tổ chức bàn giao 200 đàn ong mật hỗ trợ cho 74 hộ nghèo, cận nghèo xã Hương Lâm tham gia “Mô hình giảm nghèo bền vững”.
Trong đó, 52 hộ nghèo mỗi hộ được hỗ trợ 3 đàn ong và 22 hộ cận nghèo mỗi hộ được hỗ trợ 2 đàn ong giống.
Nhiều hộ nghèo, cận nghèo tham gia " mô hình giảm nghèo bền vững" đã phát triển thêm đàn ong, nâng cao thu nhập
Vợ chồng ông Đinh Văn Ái ở thôn 5 xã Hương Lâm tuổi cao sức yếu, chỉ trồng chờ vào vài sào ruộng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi huyện, xã cho “cần câu” với 3 đàn ong giống, gia đình ông đã có thêm thu nhập.
Gia đình ông Đinh Văn Ái - ở thôn 5 đã phát triển lên 12 đàn ong, cho thu nhập khá
“Nuôi ong không đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ nuôi, ong tự tìm kiếm thức ăn tự nhiên nên không mất chi phí gì. Bước đầu, mỗi tháng 3 đàn ong cho sản lượng 6 chai mật, bán được 1,5 triệu đồng. Thấy nuôi ong cũng dễ nhưng cho thu nhập khá cao, tôi mạnh dạn nhân lên 12 đàn ong. Từ nuôi đàn ong lấy mật mỗi tháng mang về cho gia đình tôi trên dưới 6 triệu đồng..” – Ông Ái phấn khởi nói.
Bà Trần Ngọc Loan ở thôn 7 thực hiện kỹ thuật chăm sóc đàn ong của gia đình
Thuộc diện hộ cận nghèo bà Trần Ngọc Loan ở thôn 7 được hỗ trợ 2 đàn ong, giờ cũng đã nhân lên thành 7 đàn.
Bà Loan cho hay: Không chỉ được hỗ trợ đàn ong giống mà gia đình bà còn được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Hương Khê tận tình hướng dẫn quy trình, kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ và phát triển đàn ong.
Ong lấy lấy mật tự nhiên nên có chất lượng thơm, ngon được khách hàng ưa chuộng
“Nhờ đó, đàn ong của tôi phát triển tốt cho sản lượng mật ổn định. Mật ong ở đây hút mật hoa tự nhiên nên có chất lượng thơm, ngon, bổ dưỡng. Bước đầu sản phẩm được khách hàng ưa chuộng, có đến đâu bán hết đến đó. Cuộc sống không còn vất vả như trước, từ bán mật ong mâm cơm của gia đình đã có thêm miếng thịt, con cá. Hiện tôi đang tiếp tục phát triển thêm đàn ong để nâng cao thu nhập, sớm thoát nghèo...” – Bà Loan bày tỏ
Nhận thấy thu nhập từ nuôi ong lấy mật hiệu quả, hầu hết những hộ nghèo, cận nghèo của xã khi tham gia “mô hình giảm nghèo bền vừng” đã phát triển từ 5 – 10 đàn ong.
Phát triển đàn ong nhưng phải gắn với thị trường tiêu thụ để xóa đói, giảm nghèo bền vững
Ông Lê Hữu Thức – Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm cho rằng: Chương trình hỗ trợ đàn ong giống của huyện rất thực tế, bởi Hương Lâm có thế mạnh về kinh tế đồi rừng, tỷ lệ hoa vào các mùa khá đa dạng và phong phú. Nhìn chung, sau gần 7 tháng triển khai, các mô hình nuôi ong đều cho hiệu quả kinh tế, từng bước giúp người dân Hương Lâm có thu nhập từng bước thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Cũng theo ông Thức, việc phát triển đàn ong của các hộ dân đang tiếp tục có chiều hướng tăng lên, bởi vậy, chính quyền địa phương cũng đang có kế hoạch, hướng dẫn các hộ dân thành lập tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.