Video: Nghề nuôi ong lấy mật tại vùng trà sơn Can Lộc
Anh Nguyễn Huy Khương kiểm tra mật để chuẩn bị cho lần thu hoạch mới
Anh Nguyễn Huy Khương, xóm Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc chia sẻ: “Với người nuôi ong, mùa xuân là mùa vui nhất, bởi đây là lúc cây cối đâm chồi nảy lộc, đơm hoa và cũng là thời điểm tốt nhất để khai thác mật. Chịu khó di chuyển đàn đến những khu vườn, mảnh rừng khác nhau nên đàn ong với số lượng 50 tổ của gia đình phát triển rất tốt. Từ ra tết đến nay tôi đã thu hoạch 2 lần với gần 100 lít mật và sắp tới sẽ thu hoạch lần 3. Đây cũng là lứa mật cuối của mùa xuân, mùa thu hoạch chính của những người nuôi ong”.
Trung bình mỗi tổ ong cho hơn 1 lít mật, với giá bán từ 300 đến 350 ngàn đồng/lít, từ đầu năm đến nay, gia đình anh Khương đã có nguồn thu nhập đáng mơ ước.
Nguồn hoa tự nhiên dồi dào từ những vườn cây trái mang về một nguồn mật ong lớn.
Ông Đặng Tình - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thượng Lộc cho biết: “Nghề nuôi ong bắt đầu ở Thượng Lộc từ nhiều năm trước, nhưng vài năm trở lại đây mới được mở rộng và ngày càng phát triển. Hiện toàn xã có khoảng 100 hộ nuôi, với số lượng gần 500 đàn ong. Từ kinh nghiệm trong việc nuôi ong, nhiều người đã tách đàn để bán cho bà con trong xã và các vùng lân cận”.
Lợi thế về nguồn hoa dồi dào, phong phú từ những cánh rừng keo, tràm, cây ăn trái... đã tạo cơ hội để đàn ong ở vùng trà sơn Can Lộc phát triển. Tập trung nhiều vẫn là các vùng Thượng Lộc, Gia Hanh, Sơn Lộc, Mỹ Lộc...
Từ chỗ nuôi với quy mô nhỏ, nguồn thu nhập đáng kể từ mật ong đã giúp người dân mạnh dạn chuyển hướng phát triển thành sản phẩm hàng hóa, mang lại thu nhập khá cao.
Những cầu mật nặng trĩu...
Tại xã Gia Hanh, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện và xã về kỹ thuật, vốn, người nuôi ong đã cùng liên kết thành lập hợp tác xã để hỗ trợ nhau trong quá trình nuôi và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, toàn xã đã có 57 hộ nuôi với tổng số 220 đàn ong.
Ông Đặng Tình, thôn Sơn Kim, xã Gia Hanh cho biết: “Nuôi ong rất dễ bởi không cần đầu tư vốn lớn, không vất vả như các công việc chân tay khác. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong.
Tận dụng lợi thế vườn cây ăn trái, gia đình tôi đặt 15 tổ ong, mỗi tháng thu hoạch 1 lần khoảng 20 lít mật. Ngoài ra, tôi còn sang tổ ong để bán cho bà con nên cũng có thêm nguồn thu nhập”.
Mật ong tự nhiên vùng trà sơn Can Lộc đang được khách hàng đón nhận
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ nghề này, các cấp chính quyền ở Can Lộc đã định hướng, có kế hoạch hỗ trợ hộ nuôi xây dựng thương hiệu sản phẩm mật ong.
“Huyện đã chỉ đạo bà con vùng trà sơn phát triển thêm 500 đàn ong, đưa tổng số toàn huyện lên gần 1.000 đàn; xúc tiến thành lập một số hợp tác xã để hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, chính sách kích cầu, xây dựng thương hiệu. Đây cũng là giải pháp tạo đầu ra bền vững cho mật ong vùng trà sơn Can Lộc” - Ông Phan Văn Tiếu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Can Lộc cho biết.