Từ “Làng Đỏ” đến công cuộc giành chính quyền ở Thạch Hà

(Baohatinh.vn) - Trước sự áp bức của chế độ phong kiến và thực dân Pháp, nhân dân Phù Việt (Thạch Hà - Hà Tĩnh) đã vùng lên đấu tranh giành lại chính quyền, khắc tên “Làng Đỏ”. Tinh thần cách mạng ấy cũng đã tạo nên ngọn lửa cách mạng sục sôi khí thế, lan tỏa, tiếp sức cho các phong trào cách mạng quần chúng ở Thạch Hà những năm 30-31 cho đến Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 giành chính quyền về tay nhân dân.

Khắc tên “Làng Đỏ”…

Như bao làng quê Việt Nam khác, trước Cách mạng tháng Tám, Phù Việt là vùng quê nghèo xơ xác. Hơn 3 ngàn người dân trong xã bấy giờ chỉ dựa vào 303 mẫu đất, cộng với tô tức, thuế khóa, phu đài tạp dịch làm cho người dân cơ cực, lầm than. Không chịu nổi sự kìm kẹp, áp bức của chế độ thực dân, phong kiến, người dân Phù Việt đã đoàn kết để đấu tranh chống áp bức, chống sưu cao thuế nặng.

tu lang do den cong cuoc gianh chinh quyen o thach ha

Thôn Bùi Xá (xã Phù Việt) - một trong những cái nôi cách mạng, nơi diễn ra Đại hội thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (tháng 9/1930).

Năm 1927, tổ chức Tân Việt đã được thành lập ở Phù Việt do ông Mai Kính làm tổ trưởng. Tổ đã tuyên truyền đường lối cách mạng, thơ văn yêu nước, sách báo tiến bộ, nhất là tác phẩm “Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Dân nghèo Phù Việt đã thành lập hội quần chúng lấy tên là “Phường nghèo” để giúp nhau sản xuất; tuyên truyền làm nón lá, đi học nghề làm chiếu, nuôi tằm, dệt vải...

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, quyết tâm của một số tổ chức yêu nước. Cuối tháng 3/1930, đồng chí Trần Hữu Thiều được Xứ ủy Trung Kỳ ủy nhiệm vào Hà Tĩnh triệu tập hội nghị thành lập Đảng bộ Hà Tĩnh lâm thời, được chỉ định làm Bí thư. Đồng chí đã bắt liên lạc và tổ chức kết nạp đồng chí Mai Kính, Nguyễn Thiếp (quê Phù Việt) cùng nhiều đồng chí khác vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Ít lâu sau, Chi bộ Đảng Cộng sản Phù Việt (chi bộ Đảng đầu tiên ở Thạch Hà) được thành lập.

Sau 2 năm hoạt động, số lượng đảng viên đã tăng lên 32 đồng chí. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, phong trào cách mạng ở Phù Việt phát triển mạnh với nhiều hoạt động sôi nổi. Các tổ chức như: Thanh niên, thiếu niên, phụ nữ, hội cứu tế được thành lập; lực lượng tự vệ cũng được hình thành. Ngày 8/9/1930, nhân dân Phù Việt do chị em phụ nữ tiên phong đi đầu cùng nhân dân 13 xã trong huyện giương cao cờ búa liềm, kéo vào tỉnh lỵ Hà Tĩnh đấu tranh với chính quyền phong kiến.

Để đàn áp phong trào cách mạng, bọn địch đã lập đồn binh tại các vùng, cho quân lính vây ráp, bắt người, cướp của. Ngày 10/12/1930, chúng đã triệt phá làng Phù Việt, đốt cháy 279 nóc nhà, cướp trâu bò, tài sản của nhân dân. Nhiều cán bộ, đảng viên đã bị chúng bắt, trong đó có đồng chí Nguyễn Thiếp (quê Phù Việt), là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Đảng bộ Hà Tĩnh chính thức đầu tiên.

Đến khởi nghĩa giành chính quyền ở Thạch Hà

Phong trào cách mạng 30-31 ở Phù Việt bị dìm trong biển máu nhưng đã trở thành ngọn lửa sục sôi khí thế cách mạng, lan tỏa mạnh mẽ ra các vùng lân cận. Địch càng điên cuồng, tiến hành vây lùng, bắt bớ thường xuyên để đàn áp phong trào cách mạng. Tháng 9/1931, hàng loạt đảng viên bị bắt, cán bộ cơ sở tiếp tục lọt vào tay giặc, Ban Huyện ủy chỉ còn lại 1 người. Biết bao cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng ở Thạch Hà bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn giữ vững khí tiết cách mạng, đấu tranh kiên cường, bất khuất.

tu lang do den cong cuoc gianh chinh quyen o thach ha

Di tích nhà cụ Mai Kính (thôn Bùi Xá, xã Phù Việt) gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của Đảng bộ huyện Thạch Hà và Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh.

Từ giữa năm 1936 trở đi, tổ chức Đảng dần được củng cố. Bấy giờ, phong trào cách mạng quần chúng tiếp tục diễn ra mạnh mẽ dưới nhiều hình thức. Nhiều cuộc đấu tranh tiếp tục diễn ra. Ngày 31/3/1936, nông dân Hộ Độ phản đối địch dời 230 nóc nhà sang vị trí mới để lấy đất xây dựng đồng muối; nông dân Đồng Môn kéo lên phủ, lên tỉnh đòi làm hệ thống dẫn thủy nhập điền, đắp đê ngăn mặn phục vụ sản xuất. Được sự hướng dẫn của cán bộ, đảng viên, nhân dân nhiều nơi đã dùng hình thức hợp pháp kiện bọn hào lý tham nhũng…

Các cuộc đấu tranh của nhân dân Thạch Hà càng sôi nổi khi biết có phái viên Chính phủ mặt trận bình dân Pháp sẽ đến các địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh điều tra tình hình. Hàng loạt cuộc họp làng để lấy yêu sách, thu thập chữ ký được tổ chức… Ngày 13/8, tại làng Đan Chế (Thạch Long) đã diễn ra Đại hội Đoàn thanh niên tân tiến Hà Tĩnh. Nhân dân rất phấn khởi trước sự phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh và đã tạo mọi điều kiện để ủng hộ…

Tối ngày 17/8/1945, theo lệnh phát của Ủy ban Khởi nghĩa từ “Làng Đỏ” Phù Việt, hàng ngàn quần chúng nhân dân Thạch Hà tay cầm giáo mác, gậy gộc giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu thẳng tiến về huyện lỵ. Đội tự vệ các làng Phù Việt, Ngọc Điền, hàng ngũ chỉnh tề, hỗ trợ quần chúng biểu tình. Trước lực lượng đông đảo và khí thế hùng dũng của đoàn biểu tình, tri huyện Nguyễn Tấn và nha lại, binh lính đã phải đầu hàng, nhanh chóng nộp hồ sơ, tài liệu, con dấu cho Việt Minh. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên phủ đường Thạch Hà.

Ngay sau khi giành được chính quyền ở huyện, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh các cấp, nhân dân các xã mít tinh, thị uy bắt bọn hào lý, hương chức trao nộp con dấu, sổ sách cho cách mạng và tuyên bố chính quyền đã về tay quần chúng. Chỉ trong vòng 3 ngày, chính quyền cách mạng đã được thiết lập trên toàn bộ huyện Thạch Hà.

tu lang do den cong cuoc gianh chinh quyen o thach ha

Thị trấn Thạch Hà hôm nay (Ảnh: Hữu Đồng)

Trải qua 15 năm đấu tranh gian khổ, hy sinh trong điều kiện bí mật, Đảng bộ và nhân dân Thạch Hà đã anh dũng vượt qua mọi thử thách và giành thắng lợi vẻ vang. Tinh thần cách mạng ấy vẫn tiếp tục được hun đúc, phát huy trong từng giai đoạn lịch sử kế tiếp. Để cho hôm nay, người dân Thạch Hà được hưởng trọn niềm vui về thành quả của công cuộc xây dựng nông thôn mới, sức sống mới; để cho mỗi độ thu về lại gợi nhớ về một mùa thu cách mạng và lòng người thêm rạng rỡ, tin yêu…

Chủ đề CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Đọc thêm

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm cấp quốc gia 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương dự và đọc Diễn văn kỷ niệm.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.