Tư liệu quý cho lưu học sinh đất nước Triệu Voi

(Baohatinh.vn) - Trăn trở với ngành giáo dục và hết lòng vì sinh viên, đồng thời nắm bắt được nhu cầu của các lưu học sinh Lào sang theo học tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Đính (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh) và các cộng sự đã biên soạn cuốn Từ điển giải thích thuật ngữ chuyên ngành Việt - Lào. Đây là cuốn từ điển chuyên ngành Việt - Lào đầu tiên được biên soạn trong cả nước.

Từ điển chuyên ngành Việt - Lào:

tu lieu quy cho luu hoc sinh dat nuoc trieu voi

GS.TS Nguyễn Văn Đính và các cộng sự trao đổi biên soạn cuốn từ điển

Hiện cả nước có khoảng 12.000 lưu học sinh Lào theo học ở các trường cao đẳng, đại học, trong đó, tại Hà Tĩnh gần 3.000 em, gồm học tiếng Việt và chuyên ngành. Thời gian qua, để phụ trợ cho quá trình học tập của mình, các học sinh đều sử dụng Từ điển Việt - Lào, Lào - Việt, tuy nhiên, chỉ dùng để tra cứu các từ phổ thông, thông dụng, được giải thích mang tính bao quát. Còn cuốn từ điển dành cho giải thích chuyên ngành, chuyên sâu từng lĩnh vực với ngữ nghĩa đơn giản, chi tiết chưa hề có. Bởi vậy, Từ điển giải thích thuật ngữ chuyên ngành Việt - Lào ra đời sẽ trở thành cuốn sách quan trọng cho quá trình học tập của sinh viên.

“Thai nghén” 18 tháng trời, từ giữa năm 2015, với nỗ lực, tâm huyết của những người biên soạn và sự đóng góp ý kiến phản hồi từ các chuyên gia Lào, các sinh viên, tổ chức giáo dục và nhiều đơn vị, tổ chức khác, Từ điển giải thích thuật ngữ chuyên ngành Việt - Lào đến nay đã cơ bản hoàn thành.

tu lieu quy cho luu hoc sinh dat nuoc trieu voi

Dù mới chỉ là bản thảo, nhưng nhiều lưu học sinh Lào đã rất thích thú với cuốn từ điển.

Từ điển có khoảng 1.600 từ, các thuật ngữ tập trung vào 16 chuyên ngành được đông đảo sinh viên theo học, bao gồm: Kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính, ngân hàng, du lịch - lữ hành, luật, giáo dục chính trị, khoa học môi trường, công nghệ thông tin, xây dựng, triết học, toán học, điện - điện tử, cơ khí và y học; mỗi chuyên ngành có khoảng 100 từ được giải thích.

GS.TS Nguyễn Văn Đính chia sẻ: “Các thuật ngữ được sử dụng trong từ điển được chúng tôi thiết kế một cách hệ thống, đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, lượng từ vựng chuyên ngành đa dạng, phong phú, giải thích dễ hiểu, đáp ứng được chuẩn quốc tế (có dịch nghĩa tiếng Anh), dễ tra cứu. Từ điển được xây dựng hiện đại, cập nhật các kiến thức thực tế và có ví dụ minh họa”.

Cùng với việc biên soạn cuốn từ điển theo hình thức in giấy, đội ngũ biên soạn đã xây dựng phần mềm để tra cứu trên mạng nhằm phục vụ tốt hơn cho việc sử dụng. Ngoài sử dụng các thiết bị có kết nối mạng internet để truy cập vào tên miền từ điển điện tử, phần mềm có thể được cài để sử dụng độc lập.

“Hiện bản điện tử đang được chạy thử với 2 tên miền và đang trong thời gian chờ đăng ký bản quyền. Đặc biệt hơn, phần mềm điện tử từ điển được xây dựng với mã nguồn mở để người dùng có thể bổ sung, đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện cuốn từ điển tốt hơn”, Th.s Nguyễn Viết Phú - Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin Trường Đại học Hà Tĩnh cho biết.

Hiện tại, Từ điển giải thích thuật ngữ chuyên ngành Việt - Lào đang được lên khuôn ở nhà in chờ ngày xuất bản. Rất nhiều sinh viên, giảng viên, đặc biệt là lưu học sinh Lào, những sử dụng song ngữ Việt – Lào đang đón đợi cuốn từ điển này để có thể học tập, nghiên cứu đạt hiệu quả cao hơn. Anh ThaVon, sinh viên Khoa Kinh tế (Trường Đại học Hà Tĩnh) cho biết: “Mình may mắn được xem bản thảo cuốn từ điển này, lúc các thầy cô điều tra và lấy ý kiến sinh viên. Mình thấy rất bổ ích, chỉ mong sao từ điển sớm xuất bản để bọn mình có thêm tài liệu học tập”.

“Cuốn từ điển biên soạn không tránh khỏi những khiếm khuyết, nhưng trong tương lai, khi có đủ điều kiện về nhân lực và vật lực, chúng tôi mong muốn sẽ mở rộng thêm nhiều chuyên ngành và nhiều từ chứ không chỉ gói gọn trong 100 từ như hiện tại. Đồng thời, từ điển điện tử sẽ phát triển thêm phần hình ảnh minh họa và âm thanh đọc” – GS.TS Nguyễn Văn Đính bày tỏ.

Dự kiến tháng 4 này, cuốn từ điển bản giấy sẽ ra mắt bạn đọc. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng từ điển của sinh viên Lào trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, trên cả nước nói chung mà còn là nguồn tư liệu hữu ích cho những ai quan tâm và làm việc với song ngữ Việt – Lào, Lào – Việt. Đồng thời, tăng thêm sự hiểu biết và hợp tác về văn hóa, kinh tế và một số lĩnh vực khác giữa 2 nước, góp phần xây đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào.

Đọc thêm

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Lắng nghe “Điều em muốn nói”

Diễn đàn “Điều em muốn nói” được các trường học ở Hà Tĩnh tổ chức góp phần mở “cánh cửa” tâm hồn của học sinh, giúp người lớn thấu hiểu, đồng hành với các em trên hành trình trưởng thành.
Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Thầy Tổng phụ trách Đội yêu nghề, mến trẻ

Tròn 24 năm làm Tổng phụ trách Đội, thầy Lê Khải Chương - Trường Tiểu học Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) vẫn tràn đầy đam mê với nghề và luôn thương yêu, tận tâm với học trò.
Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy chúc mừng các Nhà giáo Nhân dân

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng bày tỏ sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, cống hiến của các Nhà giáo Nhân dân đối với sự nghiệp trồng người cũng như phát triển KT-XH tỉnh nhà.