Dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng pháp luật
Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 5 dự án Luật đã được cho ý kiến lần đầu là tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội gồm: Luật du lịch (sửa đổi); Luật đường sắt (sửa đổi); Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Luật quy hoạch; Luật quản lý ngoại thương.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Đồng thời xem xét cho ý kiến đối với 4 dự án luật sẽ trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới là các dự án Luật: thủy sản (sửa đổi); bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); quản lý nợ công (sửa đổi); tố cáo (sửa đổi).
Tại phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua hai dự thảo Nghị quyết: Quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước (thay thế Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 ngày 03/7/2007 của Ủy ban thường vụ Quốc hội) và Quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội.
Bốn nội dung quan trọng khác cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét là cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội; việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy; về mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực đối ngoại, hợp tác quốc tế; Đề án tự chủ của Viện nghiên cứu lập pháp...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trong dự kiến chương trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phiên thứ 8 có nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, do có sự thay đổi trong lịch công tác nên chất vấn và trả lời chất vấn dự kiến tại phiên họp này sẽ chuyển sang phiên họp của tháng 4.
Sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật tố cáo
Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật tố cáo (sửa đổi).
Tờ trình đã nêu ra 7 lý do dẫn đến việc cần thiết xây dựng Luật tố cáo (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật tố cáo năm 2011, trong đó nhấn mạnh tới nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo: khoản 1 Điều 12 Luật tố cáo quy định: “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết”.
Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng nguyên tắc này trong nhiều trường hợp còn gặp những vướng mắc như: xác định thẩm quyền giải quyết trong trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác, bị mất chức, cho thôi việc, bị thôi việc, về hưu nhưng bị tố cáo lúc đương nhiệm hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật tại thời điểm họ giữ chức vụ thấp nhưng hiện tại giữ chức vụ cao hơn; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo mà nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức; tố cáo cơ quan, tổ chức…
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nêu rõ các quy định về bảo vệ người tố cáo khó thực hiện, chưa tạo nên cơ chế pháp lý cần thiết để bảo vệ người tố cáo một cách hiệu quả và thực chất… Những bất cập này dẫn đến đến giảm hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo, trật tự, kỷ cương pháp luật.
Dự thảo Luật bao gồm 9 chương với 64 điều
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật tố cáo nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tố cáo; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết tố cáo; quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các loại tố cáo; có cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo; đồng thời xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều ý kiến khác trong Thường vụ Quốc hội tán thành với quan điểm cần sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật tố cáo để giải quyết những bất cập, hạn chế hiện nay, đi cùng với đó tên gọi của dự thảo sẽ là Luật tố cáo (sửa đổi), chứ không như trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo. Dự thảo có số lượng điều khoản sửa đổi, bổ sung khá lớn, luật hiện hành có 50 điều, nay sửa đổi 36 điều, bổ sung 14 điều mới, giữ lại 14 điều.
Đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật
Hình thức tố cáo được nhiều ý kiến góp ý tại phiên thảo luận. Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm hình thức tố cáo khác như tố cáo qua fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử... để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tố cáo. Đây là các hình thức thông tin thông dụng, tiện lợi, phổ biến hiện nay.
Tuy nhiên một số ý kiến khác cho rằng dự thảo Luật chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo như quy định của Luật tố cáo năm 2011 là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Việc quy định này nhằm xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh tới tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Chủ nhiệm nêu thực tế Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) chỉ quy định hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, trong khi Luật phòng, chống tham nhũng đã có quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật”.
Đánh giá Luật Phòng chống tham nhũng thì mở ra còn dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) lại bó hẹp lại, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu đây là vấn đề Ban soạn thảo cần phải xem xét để bảo đảm tính thống nhất đồng bộ giữa hai luật. "Phải cân nhắc để các quy định của Luật tố cáo (sửa đổi) không làm vô hiệu hóa các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng" - Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Cũng quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đây là dự luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, do vậy, luật cần cụ thể chặt chẽ, đặc biệt, phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội nêu: Luật phòng, chống tham nhũng đã có quy định về các hình thức tố cáo này, trong khi đang hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, nếu dự luật không mở ra hình thức tố cáo bằng các hình thức như qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử... thì không đồng bộ với Luật phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu rõ, nếu bổ sung hình thức tố cáo này thì phải quy định chặt chẽ, đúng luật, việc gửi tin nhắn, email thì phải đúng người, đúng cơ quan có thẩm quyền chứ không phải gửi tràn lan....
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác với quan điểm này. Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, nếu mở rộng hình thức tố cáo bằng điện thoại, tin nhắn thì quá rộng, khó xử lý, không đủ nhân lực để thực hiện, nên xem xét tố cáo có địa chỉ cụ thể, nên tập trung vào xem xét tố cáo “có danh”....
Quy định rõ hơn về việc bảo vệ người tố cáo
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần quan tâm tới việc bảo vệ người tố cáo. Dự thảo đã có các quy định về: Bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo trong quá trình tiếp nhận giải quyết tố cáo; trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 42, Điều 43); bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo (từ Điều 44 đến Điều 46); bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo trong trường hợp họ là cán bộ, công chức, viên chức và trong trường hợp họ là người làm việc theo hợp đồng lao động mà không phải là viên chức (Điều 47, Điều 48).
Tuy nhiên Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng nội dung này trong dự thảo Luật còn chung chung; chưa xác định rõ cơ quan nào là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ; chưa quy định vê các biện pháp bảo vệ, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ.... Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể, đầy đủ các nội dung này để đảm bảo tính khả thi....
Theo chương trình, chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước (thay thế Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 ngày 03/7/2007 của Ủy ban thường vụ Quốc hội) và cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật du lịch (sửa đổi).