Vẫn còn trong ký ức

(Baohatinh.vn) - Nhớ nhất là thời khắc thiêng liêng đón giao thừa. Đêm 30, cả nhà thức đón giao thừa, không ai chịu đi ngủ. Cha tôi mặc bộ đồ đẹp nhất, chiếc áo thâm đen 2 túi bó dài quá đầu gối trang nghiêm như thầy cúng. Truyện Kiều được đặt trên bàn một cách cung kính...

Vẫn còn trong ký ức

Ngày tết, mọi người đều tất bật thu xếp về quê để đón tết, để thắp nén tâm nhang lên bàn thờ gia tiên. (Ảnh minh họa Internet).

Tết là ngày vui nhất trong năm bởi khởi đầu cho hành trình mới của 365 ngày với vô vàn cung bậc cảm xúc. Ba ngày tết, mọi người dù ở đâu, làm việc gì đều tất bật thu xếp về quê đón tết, để đoàn tụ gia đình, để thắp nén tâm nhang lên bàn thờ gia tiên, thăm hỏi bà con cô bác, cùng chung vui lễ hội xóm làng với những “thuần phong mỹ tục” mang đậm bản sắc của mỗi vùng quê, mỗi gia đình.

Quê tôi vốn là vùng bãi ngang ven biển. Tính cả chiều rộng sông Lam và Biển Đông cách nhau tầm gần 2 km. Thiên nhiên ưu đãi cho vùng quê phong cảnh nên thơ, lãng mạn. Con sông Lam hiền hòa, thơ mộng đã đi vào thơ ca xinh đẹp, nền nã êm đềm chảy qua làng tôi bỗng dưng như chậm lại. Những bến Đèn, bến Chè... ngày tết thuyền từ chợ Giang Đình, Cửa Hội đến, từ chợ Mai Trang (Nghi Lộc) sang tấp nập tưng bừng về chợ Đàng. Tôi còn nhớ phiên chợ tết ngày xưa người đông đúc, nhộn nhịp, hàng hóa phong phú không thua kém gì chợ Huyện (chợ Giang Đình). Chợ họp cả ven sông và tràn ra đường cái quan:

“...Thuyền ngược Giang Đình xuôi Cửa Hội

Phổ Hải, Đan Trường... tụ họp đây

Ngô nếp, đúc, đùm thơm mùi khói

Rượu nồng ai uống má hây hây!”

(Chợ Đàng - rút trong tập thơ “Cát” - THS)

Vẫn còn trong ký ức

Đánh đu là một trong những trò chơi dân gian được tổ chức trong các lễ hội xuân ở nhiều làng quê trước đây. (Trong ảnh: Đánh đu ở xã Xuân Lĩnh - Nghi Xuân). Ảnh: Hoài Nam

Ngoài mua bán, trao đổi, người ta còn tổ chức các trò chơi vui xuân như đánh đu, đạp xe đốt pháo, ném vòng cổ vịt... Ai cũng rực rỡ, xúng xính trong bộ cánh mới rất đẹp, nhất là những cô gái đang độ tuổi thanh xuân. Con gái vùng bãi ngang quê tôi nổi tiếng xinh đẹp, khỏe mạnh và có thể nói mang đậm nét riêng của vùng quê sông biển. Nhiều cô gái vùng biển da bánh mật, tóc loăn xoăn như gợn sóng, cặp đùi dài, chắc, chơi đánh đu, đạp xe đốt pháo không thua kém gì các chàng trai. Điệu bộ, cử chỉ của họ nhanh, dứt khoát nhưng cũng rất thanh thoát.

Hay nhất là trò chơi kéo co. Đội nam kéo với đội nữ. Đội nam là các chàng trai xóm Quyết Tiến ven sông; đội nữ là các cô gái xóm Đông Tiến ven biển; số lượng 2 đội như nhau. Người ta hay nói: “hèn trâu còn hơn bạo bò”! Ấy thế mà đội nam Quyết Tiến thua! Họ bị các cô gái làng biển kéo ngã sóng soài và lê lết phải đến dăm mét. Rồi 2 đội ôm nhau trong tiếng cười giòn tan, vô tư của các cô gái.

Nhớ nhất là thời khắc thiêng liêng đón giao thừa. Đêm 30, cả nhà thức đón giao thừa, không ai chịu đi ngủ. Cha tôi mặc bộ đồ đẹp nhất, chiếc áo thâm đen 2 túi bó dài quá đầu gối trang nghiêm như thầy cúng. Truyện Kiều được đặt trên bàn một cách cung kính. Mẹ tôi đơm cỗ xôi gà cúng giao thừa. Khói hương nghi ngút, lãng đãng trong không gian tĩnh lặng, u u minh minh, trong thời khắc dịch chuyển thiêng liêng của vũ trụ.

Vẫn còn trong ký ức

Niềm vui khi nhận lì xì đầu năm (Ảnh: Tuổi trẻ online).

Cha ngồi chính giữa, mẹ ngồi xế sang trái, 8 anh em chúng tôi theo thứ tự ngồi 2 hàng 2 bên. Ai cũng hồi hộp chờ đón phút giây kỳ diệu nhất. Cha tôi dâng hương lên bàn thờ gia tiên, rồi mọi người cũng lần lượt dâng hương... Cha vái lạy gia tiên, lầm rầm khấn và lật một trang Kiều. Ông đọc chậm rãi, rưng rưng 4 câu đầu trang rồi đặt sách xuống giải thích ý nghĩa câu vừa đọc cho cả nhà nghe. Lần lượt mỗi chúng tôi cũng làm theo cha, đứa nào cũng hồi hộp, hoang mang, nhưng khi đã xong thì ai cũng phấn khởi, vui cười vì được đón các vị thần mới của năm mới.

Rồi cha mừng tuổi cho các thành viên trong gia đình. Mỗi người được nhận đồng 5 xu tròn, sáng từ tay cha cùng với những lời chúc ấm áp, trìu mến, tràn ngập yêu thương. Anh em chúng tôi cũng cung kính, lễ phép chúc tết cha mẹ và quây quần bên cỗ giao thừa. Cha nhâm nhi ly rượu rồi cao giọng đọc những câu thơ ông làm. Rồi cả nhà theo cha đi hái lộc đầu xuân. Hành trình kéo dài đến hết đêm, trong cảm thức ngập tràn niềm vui và hạnh phúc.

Vẫn còn trong ký ức

Quê tôi giờ đã thay da đổi thịt. (Trong ảnh: Con thuyền "Giang Đình cổ độ" - tác giả: Đậu Hà).

Quê tôi giờ đã thay da đổi thịt. Hơn mấy chục năm qua trải bao thăng trầm của cuộc sống, cảnh quê và những thuần phong mỹ tục cũng thay đổi nhiều. Sáng mùng 1 tết đến hội trường xã chào cờ đầu năm và qua nghĩa trang liệt sỹ dâng hương, lòng tôi không khỏi bồi hồi. Huyện tôi là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới với những nét đẹp hiện đại của thời đại công nghệ KHKT. Bên cạnh những ngôi nhà ngói cổ xưa là những tòa nhà cao tầng sừng sững bên sông Lam; con thuyền “Giang Đình cổ độ” đưa du khách du xuân trải nghiệm hai bờ sông với những cảnh đẹp hữu tình. Xa xa là Cồn Mộc bình sa trông giống như chiếc đồng hồ báo thức đang đánh thức Nghi Xuân vươn tầm cao mới.

Đêm giao thừa năm nào cũng vậy, tôi lại dâng hương lên bàn thờ gia tiên và bói Kiều trong niềm vui của con cháu. Những đồng tiền mừng tuổi với nét đẹp thanh cao năm nào lại được trao vào lòng bàn tay các cháu cùng những lời chúc tốt đẹp. Những lớp trầm tích lại hòa quyện trong nét đẹp hiện đại trong ba ngày tết. Rồi cả nhà du xuân hái lộc thưởng ngoạn cảnh quê đổi thay đang vươn tới ngày mai.

Chủ đề Chào năm mới 2024

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast