Vấn đề nan giải ở quốc gia 6 năm liền hạnh phúc nhất thế giới

Tỷ lệ sinh của Phần Lan đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2022, cơ quan thống kê của đất nước này vừa cho biết trong một thông cáo báo chí.

Vấn đề nan giải ở quốc gia 6 năm liền hạnh phúc nhất thế giới

Phần Lan ghi nhận tỷ lệ sinh thấp kỷ lục trong năm 2022.

Năm ngoái, Phần Lan ghi nhận 1,32 ca sinh trên một phụ nữ, mức thấp nhất kể từ năm 1776. Vào năm 2021, con số này là 1,46.

Năm 2022, 44.951 trẻ em được sinh ra ở Phần Lan.

Thống kê cho thấy lý do chính của sự sụt giảm là các gia đình không muốn sinh thêm con thứ hai hoặc thứ ba.

Liên tục giảm

Trong những năm gần đây, tỷ lệ con đầu lòng trong số trẻ sơ sinh tăng nhẹ. Trong khi dưới 41% những trẻ sinh năm 2018 là con đầu lòng, tỷ lệ này đã tăng lên 43% vào năm 2022.

Tuy nhiên, số con thứ hai và con thứ ba giảm nhiều hơn so với con đầu lòng. Trong số những đứa trẻ sinh năm 2022, 19.500 là con đầu lòng, 14.900 là con thứ hai, 6.100 là con thứ ba và khoảng 4.400 là con thứ tư trở lên.

Vấn đề nan giải ở quốc gia 6 năm liền hạnh phúc nhất thế giới

Tỷ lệ sinh ở Phần Lan liên tục giảm trong nhiều năm.

Vào năm 2022, gần một nửa số trẻ, 49%, là con ngoài giá thú (con được sinh ra khi bố mẹ không đăng ký kết hôn). Tỷ lệ này đã tăng lên kể từ những năm 1970. Sự gia tăng rõ rệt nhất trong những năm 1980 và 1990, từ 13% lên 39%.

Tỷ lệ sinh ở Phần Lan đã giảm đều đặn trong gần một thập kỷ. Con số này đã giảm từ 1,87 ca sinh trên một phụ nữ vào năm 2010 xuống còn 1,35 vào năm 2019.

Số ca sinh lại có xu hướng tăng trong thời kỳ đại dịch Covid-19, khi tỷ suất sinh tăng từ 1,35 trẻ em trên một phụ nữ vào năm 2019 lên 1,46 vào năm 2021.

Trong đại dịch, Phần Lan đã trải qua thời kỳ “bùng nổ trẻ em” so với các nước châu Âu khác, nhưng số liệu mới nhất cho thấy sự gia tăng chỉ mang tính tức thời.

Hồi tháng 3 vừa qua, Sari Essayah, thành viên quốc hội Phần Lan, đề xuất tăng trợ cấp trẻ em để bù đắp tỷ lệ sinh giảm của quốc gia. Mức tăng sẽ áp dụng cho tất cả gia đình có trẻ em và sẽ tăng thêm 11 USD cho mỗi đứa trẻ. “Trợ cấp sinh con một lần” trị giá 1.100 USD cũng sẽ được phân phát cho các hộ.

Không chỉ trợ cấp sinh con, quốc gia Bắc Âu còn có chế độ thai sản hào phóng. Phụ huynh, cả cha và mẹ, được nghỉ 6,6 tháng tức 164 ngày với trợ cấp sinh chăm con đầy đủ. Cha mẹ đơn thân sẽ được hưởng cả hai chính sách đối với bố và mẹ.

Sau khi quyền lợi nghỉ phép kết thúc, cha mẹ có thể ở nhà, không được trả lương nhưng được bảo vệ bằng công việc, cho đến sinh nhật lần thứ ba của đứa trẻ và nhận được “trợ cấp chăm sóc trẻ tại nhà”.

Ảnh hưởng kinh tế, phúc lợi

Dân số trong độ tuổi lao động của Phần Lan bắt đầu giảm vào đầu những năm 2010, khi thế hệ “baby boomer” chuyển sang tuổi nghỉ hưu. Đất nước này hiện cần tới 44.000 người nhập cư hàng năm để ổn định quy mô lực lượng lao động.

Vấn đề nan giải ở quốc gia 6 năm liền hạnh phúc nhất thế giới

Dân số suy giảm có thể đe dọa nền kinh tế của Phần Lan

Nếu tỷ lệ sinh thấp hiện tại và mức độ nhập cư mà cơ quan thống kê Phần Lan dự báo vẫn tiếp tục, dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm gần 20% vào năm 2070.

Viện Nghiên cứu Kinh tế Phần Lan (Etla) cảnh báo sự sụt giảm lực lượng lao động sẽ dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế và ảnh hưởng đến tính bền vững của phúc lợi.

Etla cũng chỉ ra rằng tác động của những người nhập cư có trình độ học vấn thấp đối với nền kinh tế công ít tích cực hơn so với những người có trình độ học vấn cao. Tuy nhiên, những người nhập cư có tay nghề thấp vẫn có lợi cho nền kinh tế Phần Lan vì cho phép các dịch vụ hoạt động và dân số nói chung tìm được công việc phù hợp với trình độ giáo dục của mình.

Theo World Happiness Report (WHR) 2023, Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, danh hiệu được giữ vững suốt 6 năm liền.

Từ năm 2002, WHR đã lập bảng thống kê mức độ hạnh phúc tương đối của mọi người trên toàn cầu, sử dụng phân tích thống kê để tính đến các yếu tố như GDP đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự hào phóng của người dân nói chung và nhận thức về vấn đề tiêu cực trong xã hội.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast